Theo dự tính của Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), ngày 30/12/2020, sau hai tháng vận chuyển và lắp đặt, khiên đào - bộ phận cuối cùng của máy TBM có tên là “Thần tốc” sẽ được hạ xuống tầng đáy ga ngầm S9-Kim Mã.
“Thần tốc” là máy đào hầm metro đầu tiên của Thủ đô. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số đoạn Nhổn-ga Hà Nội, được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Cộng hòa liên bang Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.
Khiên đào với họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật, có đường kính 6,55m,nặng 63,3 tấn gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.
TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong đó. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm.
Cỗ máy “Táo bạo” tiếp theo hiện đang được vận chuyển về Việt Nam. Sau khi lắp ráp xong, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12-ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Ban MRB cho hay phía MRB đã bám sát tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để đưa đoạn đi ngầm dài 4,5km còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Khẳng định khi khoan hầm khu vực địa chất, nhà dân xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng, ông Hiếu khẳng định máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance). Điểm ưu việt của công nghệ EPB là tính ổn định cao, do đó trong khi đào không thay đổi địa chất nhiều.
“Trong quá trình robot đào hầm sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên. Nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc… vượt mức cho phép thì lập tức máy TBM cũng sẽ tạm dừng đào để xử lý. Các đơn vị nhà thầu có thiết bị quan sát độ võng lún và đưa ra kịch bản biện pháp xử lý khi xảy ra khu vực có khả năng chuyển vị nền đất,” vị Phó Ban MRB nhấn mạnh.
Theo báo cáo của MRB, tính đến thời điểm hiện tại, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội đã triển khai 9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị, tiến độ chung của dự án đạt 67,77% (trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 81,97%).
Trước đó, trong tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên (thiết kế và sản xuất với công nghệ Pháp) về tới khu Depot Nhổn sớm hơn một tuần so với dự kiến. Sau 2 tháng, 4 toa tàu đã được hoàn thiện lắp ráp và bước sang giai đoạn kiểm tra để tiến hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các dự án tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai và dự án tuyến 5 (Văn Cao-Hòa Lạc) để từng bước dần định hình mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô trong tương lai.
Sau khi hoàn thành, đường sắt đô thị với công nghệ hiện đại, tiên tiến sẽ mang đến những trải nghiệm thoải mái và an toàn cho người dân Thủ đô, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Hà Nội xanh, sạch, hiện đại và văn minh hơn./.
Dự kiến tuyếnđường sắt đô thịsố 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8-Đại học Giao thông Vận tải; 4km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước. |