Lấy khách hàng làm thước đo

Tập đoàn Công nghệ CMC đang nỗ lực xây dựng 3 trụ cột chiến lược là công nghệ thông tin (IT), viễn thông (Telecom) và kinh doanh điện tử (eBusiness), nhằm khẳng định thương hiệu CMC với bạn bè quốc tế. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC (ảnh), cho biết:

Tập đoàn Công nghệ CMC đang nỗ lực xây dựng 3 trụ cột chiến lược là công nghệ thông tin (IT), viễn thông (Telecom) và kinh doanh điện tử (eBusiness), nhằm khẳng định thương hiệu CMC với bạn bè quốc tế. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC (ảnh), cho biết:

Những năm gần đây, tình hình kinh tế nói chung không thuận lợi, trong lĩnh vực viễn thông có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tập đoàn lớn, đặc biệt các tập đoàn nhà nước chiếm thị phần chi phối. Tuy nhiên, với 2 DN viễn thông là CMC Telecom và Netnam, chúng tôi đã có những bước đi riêng để tạo vị thế, giữ sự ổn định và có những tăng trưởng tốt. Netnam trong nhiều năm liền luôn đạt và vượt mức lợi nhuận kỳ vọng.

Trong khi đó, CMC Telecom tập trung sản xuất kinh doanh với tốc độ phát triển thuê bao hàng năm luôn vượt mức kế hoạch, năm 2013 đã bắt đầu có lợi nhuận trước thuế và trong các năm kế tiếp sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào tổng lợi nhuận của CMC.

Về mảng khách hàng DN kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cao cấp, Netnam đang là đơn vị chiếm thị phần chi phối với nhiều dịch vụ phù hợp với đặc thù của ngành kinh doanh này. Với CMC Telecom, thay vì đầu tư vào ADSL và cạnh tranh trực diện với các đơn vị viễn thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi đã hợp tác chiến lược với VTV để cung cấp dịch vụ VTVNet, cho phép các hộ gia đình đang sử dụng truyền hình cáp có thể tận dụng đường truyền này truy cập internet tốc độ cao với giá hấp dẫn.

Ngoài ra, CMC cũng hợp tác với các đối tác Hàn Quốc cung cấp sản phẩm LiveBox, giúp biến chiếc tivi thành smart tivi để có thể truy cập được nhiều nội dung hấp dẫn và giá trị. Sau 5 năm phát triển, 2 DN này đã tạo ra một hệ thống đồng bộ về công nghệ thông tin và viễn thông, trong đó dịch vụ và nội dung số là thành phần quan trọng của chiến lược này.

PHÓNG VIÊN: - Vậy các sản phẩm dịch vụ của CMC có vươn ra nước ngoài?

Ông NGUYỄN TRUNG CHÍNH: - CMC thành lập ở Hà Nội năm 1993, từ năm 1996 chúng tôi đã mở rộng vào thị trường miền Nam với các sản phẩm và dịch vụ ban đầu về công nghệ thông tin, chủ yếu là phần cứng và phần mềm. Trong các năm gần đây tỷ trọng về dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông đã tăng đáng kể trong danh mục các sản phẩm và dịch vụ của công ty.

Theo đó, CMC không tập trung vào phần cứng mà nhắm tới phần mềm và dịch vụ, đặc biệt là outsourcing (thuê ngoài) và dịch vụ (Software as a Services - SaaS). Trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm, CMC có các đơn vị CMC Software, CMC InfoSec và CMC Ciber. Trong đó, CMC Software không chỉ có các sản phẩm như eDocMan trong các khách hàng chính phủ và DN lớn, mà còn có bộ phận chuyên gia công phần mềm cho các nước như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Mảng gia công phần mềm này giúp thu về lượng ngoại tệ không nhỏ cho tập đoàn. Ngoài ra, CMC Software cung cấp các dịch vụ outsourcing cho các hãng hàng đầu quốc tế, trong đó có IBM. Trong 2 năm qua, CMC Software đã bắt kịp xu thế công nghệ và kinh doanh của thế giới, chuyển phần mềm đóng gói thành dạng SaaS.

Theo đó, khách hàng có thể mua và thanh toán những dịch vụ mình cần, chuyển từ quá trình đầu tư mua sắm của mình thành quá trình thuê dịch vụ của CMC. Trong lĩnh vực về bảo mật và an toàn dữ liệu, CMC InfoSec đã trở thành thành viên của nhiều hiệp hội uy tín trên thế giới.

- Sự ra đời của Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CIST) phải chăng là chiến lược phát triển của công ty?

- CMC nhận thấy rằng để làm chủ về công nghệ, nắm bắt và đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới, cần có các đơn vị và tổ chức độc lập, có các nhiệm vụ riêng tách biệt với các yêu cầu về lợi nhuận trong thời gian ngắn hạn.

Với mong muốn đó, Tập đoàn CMC đã cam kết đầu tư trên 100 tỷ đồng trong năm đầu tiên cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của CIST. Việc thành lập CIST giúp chúng tôi tập hợp được sức mạnh tri thức của toàn tập đoàn, giúp thành lập đội ngũ mạnh về nghiên cứu ứng dụng có khả năng giải quyết các đề tài và bài toán lớn, thẩm định được các dự án về công nghệ, đặc biệt có thể tham mưu cho lãnh đạo tập đoàn về các chiến lược công nghệ trong nhiều năm tới. Đây được coi là yếu tố quyết định cho sự phát triển ổn định và bền vững của CMC trong thời gian tới.

- Theo ông, yếu tố nào làm nên thành công thương hiệu viễn thông nói chung và thương hiệu viễn thông của CMC nói riêng?

- Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ, theo tôi chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng là các yếu tố quan trọng nhất để làm nên sự thành công của thương hiệu viễn thông. Là một đơn vị thành lập sau các tập đoàn viễn thông lớn tại Việt Nam, CMC Telecom xác định chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Để thực hiện mục tiêu này, bước đầu CMC Telecom phát động chiến dịch “Chinh phục trái tim khách hàng”. Đây là chiến dịch trong nội bộ nhằm cải tiến chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn bộ hệ thống, không chỉ liên quan tới các bộ phận kỹ thuật hay kinh doanh, mà có tác động tới các bộ phận hỗ trợ và toàn thể 800 cán bộ công nhân viên CMC Telecom tại các chi nhánh trên toàn quốc. Xác định sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ là thước đo tốt nhất cho thành công của thương hiệu.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác