Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm cả nước có 7.966 lễ hội, bao gồm lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo và lễ hội du nhập từ nước ngoài. Trung bình mỗi ngày cả nước có hơn 24 lễ hội các loại với quy mô khác nhau.
1. Đặng Huy Trứ (1825-1874), vị quan thanh liêm dưới triều Nguyễn từng nói về chuyện lễ bái như sau: “Nếu mâm cao cỗ đầy mới là tỏ lòng thành kính thần thánh thì những người bình thường chết từ lâu rồi”. Tiếc thay, có quá nhiều người không nghe lời cụ.
Thế nên mới có cảnh người ta đi đền, chùa, miếu… mà chỉ chăm chăm biện mâm lễ lớn, đút nhiều tiền vào hòm công đức rồi cầu tiền tài, danh vọng và hàng tỷ ước muốn cá nhân chứ chẳng màng tìm hiểu giáo lý, tín ngưỡng, nét văn hóa, lịch sử của di tích, vùng đất…
Tình trạng biến tướng lễ vật tại đền, chùa đang diễn ra tràn lan. |
Nhiều người đã tầm thường hóa thần thánh, thể hiện qua sự vụ lợi ngay trong hành vi dâng lễ của mình. Họ quên mất rằng Phật, thánh và các danh nhân mình đang cầu khấn lúc còn sống hay lúc hiển linh chưa bao giờ màng đến danh vọng, lợi lộc thì làm sao có thể phù hộ cho họ đắc tài, đắc lộc.
Có người thấy thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi vay lộc bà Chúa Kho nên hăng hái đua theo. Cũng lễ to, xì xụp khấn vái, nhưng mặc cả với thần thánh đã 3 năm vẫn chưa thấy “tiền vào như nước” theo khấn nguyện nên tuyên bố nghỉ tham gia.
Mỗi mùa lễ hội, các vị sư, vãi ở chùa Hương phải đánh vật với những người mang cái tâm mình ra so với Phật. Nhà chùa liên tục phát loa khuyên mọi người đi lễ cốt thành tâm, không mang đồ mặn vào chùa, chỉ cắm một nén nhang vào mỗi bát hương. Thế nhưng đâu ai chịu nghe, có nghe cũng chẳng làm theo.
Thấy một phật tử biện mâm lễ, thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, hỏi: “Phật không ăn thịt uống rượu, chị mang những thứ này vào cúng ai? Vàng mã, tiền âm phủ là để dành cho người âm mà Phật không phải người âm, thầy cũng vậy, chị mang những thứ ấy vào đây làm gì? Đi lễ chùa cốt thành tâm, chỉ cần mang lòng thanh tịnh và tâm từ bi là đủ…”. Nghe giảng giải, người ấy cười trừ và tiếp tục… dâng lễ.
2. Lễ hội nào cũng có ban tổ chức với đầy đủ thành phần. Nhưng đáng buồn là hầu như ban tổ chức chỉ làm được mỗi việc in và bán vé xem thắng cảnh, thành lập đội bảo vệ…
Có khi ban tổ chức còn gián tiếp tiếp tay tạo nên cảnh “9 tháng mài dao, 3 tháng chém” của người bán hàng ở các lễ hội đã quá quen thuộc và không được xử lý.
Tại quần thể di tích và danh thắng Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), nơi du khách và báo chí phản ánh lâu nay về việc các hàng quán thỏa sức “chặt, chém” khách hàng có sự “góp sức” của ban tổ chức. Bởi mỗi suất mặt bằng có mặt tiền 5m, sâu 25m để kinh doanh dịch vụ cho du khách nghỉ ngơi ban đầu ban tổ chức đưa ra giá sàn 80 triệu đồng/suất/mùa hội, nhưng sau khi “lên sàn” giá thuê chính thức của mỗi suất lên đến 200 triệu đồng.
Vì số lượng người đăng ký cao gấp nhiều lần số suất mặt bằng kinh doanh, nên chỉ những hộ bỏ giá cao mới được thuê.
Anh Thanh, người kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết: “Mỗi lán kinh doanh chỗ nghỉ cần 4 lao động, bán đồ ăn uống cần đến 10-20 nhân lực. Do vậy không chỉ chi phí thuê mặt bằng, trả công người làm mà mọi chi phí khác đều cao, như giá điện phải trả 2.500 đồng/kWh, trong khi cửa hàng của tôi phải sử dụng nhiều điện để phục vụ khách, nấu ăn, chạy tủ lạnh…".
Giá nước ở đây cũng rất đắt, những người buôn bán ở khu vực động Hương Tích phải trả 400.000 đồng/m3. Ban tổ chức giải thích họ phải bơm nước lên chỗ cao tốn rất nhiều điện…
“Giá thuê mặt bằng, điện, nước… đắt đỏ như thế, nếu tính giá hữu nghị với khách chúng tôi chỉ có nước ăn cám” - một người buôn bán phân trần.
3. Cảnh phổ biến ở các đình, chùa, đền, miếu miền Bắc trong các dịp lễ hội là người dân đến cổng chùa đổi tiền lẻ theo tỷ giá 10 ăn 8 (10.000 đồng tiền chẵn lấy 8.000 đồng tiền lẻ) và mang vào rải khắp nơi, ấn vào miệng hổ, nhét cả vào tay Phật…
Ở chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) có giai thoại rằng, lúc xưa trong lúc làng đúc chuông đồng để hiến chùa thì có một người ăn mày đến góp một đồng tiền, dân làng chê tiền của ăn mày không lấy, người ăn mày giận ném đồng tiền ra ruộng.
Thế là chuông đúc mãi đánh vẫn không kêu. Lúc đó dân làng sực nhớ chuyện người ăn mày vứt đồng tiền, bèn huy động cả làng ra ruộng tìm lại đồng tiền vào nấu chảy đúc lại chuông mới vang. Thông qua câu chuyện, người xưa muốn gửi gắm một triết lý: lễ chùa không phải nhiều hay ít, mà cốt ở tâm.
Triết lý nhà Phật gọi đó là phát tâm. Có tâm mới linh. Thế nhưng chẳng mấy ai chịu khó suy gẫm, làm theo. GS. Trần Lâm Biền lý giải sở dĩ có chuyện đi hối lộ thần linh, mặc cả mua bán chức tước, bổng lộc với thần, phật như ở lễ hội đền Trần, đền Bà Chúa Kho… là do ở miền Bắc có một thời phá chùa, đốt tượng, bị ngắt quãng một giai đoạn dài nên văn hóa không theo kịp kinh tế.
Ở miền Trung và miền Nam không có hiện tượng tương tự, ai cũng biết muốn làm công quả phải bỏ tiền vào hòm công đức.
Ngày nay, để lên lễ Phật ở chùa Hương, du khách phải vượt qua trùng trùng hàng quán bày bán thịt rừng, thử hỏi làm sao nhiều người tâm không động? Để có được một cái ấn của đức thánh Trần du khách phải đút tiền cho người phát ấn, trong khi muốn biết lịch sử, văn hóa của di tích cũng chẳng biết tìm đâu…, trách sao văn hóa đi lễ hội của một bộ phận người dân không bát nháo.
Lễ hội gồm phần lễ để tưởng vọng tiền nhân, phần hội để người đương thời vui chơi, giao lưu góp phần cố kết cộng đồng. Nhưng tiếc thay cả 2 đều đang mai một.