Liên kết để tạo sức mạnh sản xuất kinh doanh

(ĐTTCO) - Tính từ đầu năm đến nay, trung bình cứ 1 doanh nghiệp (DN) thành lập mới thì có đến 3 DN phá sản. Do vậy, ngay từ thời điểm này, không chỉ cần tổng lực nhiều giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước mà còn là sự nỗ lực của chính DN.

Thích nghi xu thế

Nhìn chung, hoạt động hiện tại của nhiều DN vẫn khá ổn, trong khi một số DN chạy đôn chạy đáo tìm kiếm đơn hàng. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam, cho biết, hiện tại với đơn hàng ngành nhựa của công ty vẫn xoay xở được đến hết tháng 4. Tương tự, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp (IME), cho biết, từ cuối năm 2022, công ty đã đàm phán và ký kết xong hợp đồng xuất khẩu có giá trị 1,7 triệu USD với đối tác khu vực Châu Âu. Do vậy, đơn hàng sản xuất đến tháng 6 của công ty chưa ảnh hưởng nhiều.

Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm giúp Công ty cổ phần Sữa Việt Nam gia tăng đơn hàng xuất khẩu

Không may mắn như trường hợp trên, nhiều công ty sản xuất hàng dệt may vẫn đang trong tình trạng chật vật tìm đơn hàng. Đơn cử trường hợp Công ty TNHH Việt Thắng Jean vẫn đang sản xuất cầm chừng, chờ tín hiệu thị trường ấm hơn dự kiến vào tháng 6. Công ty TNHH May mặc Thành Đạt đến thời điểm hiện nay vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng sản xuất. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, thông lệ từ tháng 10-12 mỗi năm các DN dệt may sẽ nhận đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng hoặc năm kế tiếp. Thế nhưng, cho đến nay vẫn rất ít DN có thể nhận được đơn hàng dài hơi. Phải chăng nguyên nhân là do sức tiêu thụ thị trường giảm, lạm phát tăng khiến người dân tại các thị trường xuất khẩu thắt chặt chi tiêu? Ông Vũ Đức Giang giải thích, trước hết “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Bởi lẽ trong bối cảnh DN Việt “khát” đơn hàng thì các DN dệt may tại Bangladesh vẫn giữ được đơn đặt hàng ổn định. “Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, các DN Bangladesh đã chuyển đổi sản xuất, bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh, thương mại xanh trên toàn cầu. Chính nhờ vậy mà dù sức mua có giảm nhẹ thì họ cũng không bị tác động nhiều. Trong khi đó, việc chuyển đổi xanh hóa ngành dệt may ở Việt Nam còn khá chậm. Thậm chí, nhiều DN còn quá tự tin với đối tác lâu năm, đơn hàng ổn định, giá cả cạnh tranh đã có sẵn nên từ chối chuyển đổi xanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến DN dệt may Việt thiếu đơn hàng”, ông Vũ Đức Giang nhận xét.

Hàng Việt ngày càng được doanh nghiệp chuẩn hóa để chắc chân thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu, Mỹ, Canada, Mexico, Úc…. chỉ mới xoay quanh mức dưới 5% so với nhu cầu nhập khẩu của các nước. Vấn đề đặt ra ở đây, DN cần phải tìm hiểu “khẩu vị” của đối tác từ nhiều thị trường khác nhau để có kế hoạch dài hơi, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định.

Hợp lực

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS - Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra là không còn thị trường xuất khẩu nào dễ tính. Do đó, DN buộc phải đáp ứng rào cản kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xu hướng thương mại xanh nếu muốn duy trì xuất khẩu bền vững”. Từ đầu năm 2023, Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm tần suất kiểm tra mẫu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam từ mức 100%, 50% xuống còn 20% và không áp dụng các biện pháp kiểm soát chính thức, khẩn cấp như trước đó. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng xuất khẩu Việt Nam tăng tốc hiện diện trở lại thị trường này. Tuy nhiên, phải thấy rằng trước đó, do nhiều mặt hàng Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên đã bị áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ, gây hạn chế năng lực xuất khẩu của tất cả DN nói chung.

Nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo tham tán thương mại tại các thị trường nước ngoài, nhất là tại thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Dubai… tích cực tìm kiếm đơn hàng, tổ chức các đoàn xúc tiến kết nối DN trong nước và ngoài nước. Điểm sáng nhất trong các giải pháp chính là sự liên kết với nhau, cũng là lần đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng DN. Về phía các hiệp hội DN, đã chủ động trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, giao thương để tăng cơ hội tiếp cận đơn hàng. Phải kể đến như ngày 22-2 tới đây, 5 Hiệp hội (gồm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương; Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định) và các hội liên quan cùng phối hợp tổ chức hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tại TPHCM. Riêng với lĩnh vực nông sản, sẽ có 200 DN đến từ 25 quốc gia sẽ cùng tham gia triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam diễn ra ngày 1-3. Việc hợp nhất tổ chức triển lãm này không đơn thuần giúp DN tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu mà còn tăng cơ hội giao thương giữa các DN trong nước.

Không dừng lại đó, Hiệp hội DN TPHCM và các hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, Satra đang nỗ lực hỗ trợ DN trong nước tăng cường ký kết hoặc chia sẻ đơn hàng với nhau, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng để gia tăng xuất khẩu. “Chúng tôi đã bắt tay cùng người nông dân, DN để chuẩn hóa từ quy trình trồng trọt, chăn nuôi, chọn nguyên liệu sản xuất đến hoàn thiện chuẩn quy cách bao bì, chất lượng sản phẩm để đưa hàng Việt đi xa hơn trên thị trường xuất khẩu. Và với sự hợp lực giữa nông dân - DN - nhà phân phối, chắc chắn sản phẩm Việt sẽ dần tạo được vị thế vững chắc không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh.

Các tin khác