Trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng các động thái gây sức ép và chỉ trích Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh châu Âu tuyên bố họ tiếp tục ủng hộ tổ chức này vì bây giờ không phải là thời điểm đổ lỗi.
Người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu, bà Virginie Battu-Henriksson. Ảnh: Getty. |
Trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lá thư chỉ trích WHO và đe doạ cắt nguồn tài chính cũng như rút khỏi tổ chức này, trong tuyên bố chiều ngày 19/5, người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu, bà Virginie Battu-Henriksson cho biết, Liên minh châu Âu đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.
“Đây là thời điểm cần đoàn kết, chứ không phải là thời điểm đổ lỗi cho ai hay làm tổn hại các hợp tác đa phương. Liên minh châu Âu ủng hộ Tổ chức Y tế trong nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và đã cung cấp thêm các hỗ trợ tài chính để thực hiện các nỗ lực này”.
Cùng ngày, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Josep Borrell cũng khẳng định, châu Âu yêu cầu để Tổ chức Y tế thế giới giữ vai trò dẫn dắt trong việc ứng phó với đại dịch hiện nay, đồng thời cho rằng cách duy nhất để thế giới chiến thắng đại dịch Covid-19 là đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác đa phương dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc.
Hiện tại, trong bối cảnh thế giới thiếu vắng sự lãnh đạo trong đại dịch do hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau gay gắt, châu Âu đang nỗ lực đứng ra bảo vệ WHO, đồng thời thúc đẩy nhiều sáng kiến hợp tác.
Đầu tháng này, EU đã chủ trì tổ chức một hội nghị trực tuyến gây quỹ được 7,4 tỷ euro để phát triển vaccine và tài trợ cho các dự án của WHO.
Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell trong ngày 19/5 cũng nhắc lại lời kêu gọi của EU về việc thế giới chia sẻ các nghiên cứu về vaccine và đảm bảo việc tiếp cận công bằng giữa các quốc gia đối với các sáng chế vaccine và phương pháp điều trị Covid-19.
Quan điểm này cũng trái ngược với chính sách của chính phủ Mỹ bởi Mỹ đã yêu cầu nhiều hãng dược phẩm, như hãng Sanofi của Pháp, phải dành cho Mỹ quyền ưu tiên tiếp cận với vắc-xin.