Theo thông báo của Alstom, việc sáp nhập với đối thủ Đức là “thời khắc quan trọng trong lịch sử của Alstom, khẳng định vị trí nền tảng và củng cố ngành đường sắt”. Trụ sở của tập đoàn sẽ đặt ở Paris và 50% cổ phần của công ty mới thuộc sở hữu của Siemens.
Chủ tịch Tập đoàn Siemens AG Joe Kaeser cho biết: “Trong dài hạn, việc sáp nhập 2 tập đoàn sẽ tạo ra một nhà vô địch châu Âu mới trong ngành đường sắt. Điều này sẽ mang lại cho khách hàng trên khắp thế giới một danh mục đầu tư sáng tạo và cạnh tranh hơn. Việc sáp nhập của Alstom-Siemens đã được thảo luận trong nhiều năm và hoàn thành việc chuyển đổi này sau khi tập đoàn Pháp bán mảng điện năng cho đối thủ của Hoa Kỳ là General Electric vào năm 2015 với giá 9,5 tỷ EUR (khoảng 11,3 tỷ USD). Hội đồng quản trị của tập đoàn mới sẽ gồm 11 thành viên, 6 trong số đó sẽ được chỉ định bởi Siemens, bao gồm cả Chủ tịch”.
Việc Alstom và Siemens hợp tác được xem như là tạo ra một “Airbus đường sắt”. Siemens - Alstom sẽ trở thành tập đoàn đứng thứ 2 thế giới về phương tiện đường sắt, đứng thứ nhất về hệ thống tín hiệu. Dự án mang tính biểu tượng chính trị được nguyên thủ Pháp-Đức đồng thuận.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng vụ liên kết này sẽ đem lại một quan hệ đối tác Pháp-Đức mới ở trung tâm của Liên minh châu Âu (EU) sau sự ra đi của Anh.
Việc tiếp quản các công ty công nghiệp lớn ở Pháp khá nhạy cảm, bởi chính phủ tìm mọi cách bảo vệ năng lực sản xuất các doanh nghiệp trong nước và tránh việc sa thải nhân công. “Chính phủ đã được đảm bảo về việc ổn định việc làm trong các thỏa thuận thành lập liên doanh mới” - Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết sau khi công bố sáp nhập được đưa ra. Alstom là doanh nghiệp tư nhân.
Trước đó, chính phủ Pháp đã đẩy mạnh nỗ lực trong các cuộc đàm phán ở doanh nghiệp này. Các vấn đề mà chính phủ Pháp đưa ra thương lượng bao gồm năng lượng hạt nhân, chiến lược và việc đảm bảo việc làm cho 10% công nhân có nguy cơ bị thất nghiệp tại đây. Từ năm 2014, Mitsubishi và Siemens đã không ngừng đẩy mạnh chiến dịch để dành Alstom.
Claude Mandart, người đứng đầu hiệp hội thương mại lớn nhất của Alstom, CFE-CGC, cho biết: “Lâu nay, chúng tôi đang là đối thủ cạnh trạnh trực tiếp với Siemens trong tất cả các lĩnh vực từ tàu cao tốc, tàu khu vực, siêu thị, xe điện, tín hiệu điện tử… Nay chúng tôi nhận thấy việc sáp nhập này là cần thiết để đương đầu với những thách thức đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Mối đe dọa của các doanh nghiệp Trung Quốc đến liên minh TGV Pháp-Đức ông Claude Mandart nhắc đến là việc các tập đoàn Trung Quốc đã đặt chân được vào châu Âu qua các hợp đồng với Cộng hòa Czech và Bulgaria. Doanh số năm ngoái của CRRC gần 30 tỷ EUR, và được Bắc Kinh hỗ trợ mạnh mẽ. Đây là một trong những lý do khiến Alstom và Siemens phải nhanh chóng liên kết với nhau, chặn đứng tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Liên minh giữa Alstom với Siemens hướng đến hình thành tập đoàn đường sắt số 1 châu Âu.
Trước đó, năm 2014, Trung Quốc đã ký kết với Hungary và Serbia hợp đồng xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc, là nền tảng cho một hành lang chiến lược từ Hy Lạp dẫn đến trung tâm châu Âu. Bắc Kinh có tham vọng nối liền cảng Piraeus của Hy Lạp với trái tim châu Âu bằng một tuyến đường sắt đi qua vùng Balkan. Dự án được mở rộng đến Macedonia.
Đường sắt và cảng biển Hy Lạp tham gia giúp Trung Quốc có thể cùng xây dựng một tuyến đường vận chuyển nhanh chóng cả trên biển lẫn trên bộ giữa Trung Quốc và châu Âu. Tuyến xe lửa cao tốc nối liền Belgrade với Budapest cũng sẽ có lợi cho cả Hungary và Serbia, và sẽ khép kín việc thiết lập hành lang chiến lược này. Phía Trung Quốc khẳng định đến năm 2017 sẽ giúp đưa vận tốc chạy tàu từ 40km/giờ lên 200km/giờ. Tuyến đường cao tốc sẽ cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu, được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, EU cho biết chủ trương sẽ thúc đẩy việc rà soát các hoạt động đầu tư của Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài khác vào khu vực này. Theo kế hoạch này, chính phủ các nước EU sẽ tăng cường phối hợp khi đánh giá các khoản đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm như năng lượng hay công nghệ cao trên khía cạnh an ninh quốc gia.
Các nước thuộc EU có thể tham vấn Ủy ban châu Âu (EC) nếu cho rằng một khoản đầu tư nước ngoài nào đó có liên quan đến không chỉ nước mình mà còn cả các nước khác trong khối và cần trình bày rõ lý do vì sao phê chuẩn dự án đầu tư nước ngoài. Tuyên bố của EU được Pháp và Đức rất hoan nghênh.