Đánh giá cán bộ xong, không ai bị tinh giản
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn: Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy có đúng hay không, nếu không thì nguyên nhân nằm ở quy định không phù hợp hay do sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá?
Sẽ có Nghị quyết riêng về biên chế giáo viên Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về biên chế giáo viên và nhân viên y tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện giáo viên và nhân viên y tế chiếm tới 80% tổng số biên chế trong các đơn vị sự nghiệp (tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là 1,8 triệu người). Nhưng nhiều địa phương không đủ giáo viên để đứng lớp, không đủ nhân viên y tế làm việc. Cả nước còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp và hơn 12.000 nhân viên y tế. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế xuống xác minh tại các địa phương để bổ sung biên chế, theo tinh thần không để thiếu giáo viên đứng lớp, không để thiếu bác sĩ ở cơ sở khám chữa bệnh. Chính phủ đã đồng ý tăng biên chế 18.000 giáo viên, 12.000 nhân viên y tế. |
“Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi khẳng định là con số 0,63% đó chưa chính xác”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn. Nguyên nhân, do địa phương chưa xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện đánh giá mức độ hoàn thành công việc phân công cho cán bộ, công chức nên đánh giá chung chung với nhau là chủ yếu, còn nể nang, cảm tính.
Bộ trưởng cam kết tới đây, những tiêu chí về đánh giá cán bộ sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa để bảo đảm việc đánh giá cán bộ công chức toàn diện, thực chất.
“Không để xảy ra tình trạng đánh giá xong thì không có ai thuộc diện bị tinh giản biên chế”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn về tình trạng tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khiến nhân dân bất bình, mà một trong những nguyên nhân là do các quy định xử lý vi phạm chưa thỏa đáng.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối, tham nhũng vặt nhưng hậu quả khủng khiếp, gây những lỗ thủng từ nhỏ đẫn đến lớn “làm đắm thuyền”. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quy định, giải pháp để ngăn chặn nạn tham nhũng vặt, vì thế các bộ ngành, địa phương phải triển khai hiệu quả đề án văn hóa công vụ.
Phải có cơ chế để những người làm việc miệt mài, nghiêm túc, “làm việc đến 11 giờ đêm” phải được hưởng chế độ lương, thưởng xứng đáng chứ không cào bằng như hiện nay. Muốn thế, phải triển khai thật tốt đề án về vị trí việc làm.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Hữu Cầu chất vấn: tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp bị kêu ca từ lâu. Từ những kỳ họp trước, ĐB đã đề nghị đuổi việc những người này nhưng thấy “khó quá”. ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Luật Cán bộ công chức sắp thông qua tại Quốc hội lần này phải đưa ra giải pháp mạnh tay giải quyết tình trạng này.
Đáp lại, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin tiếp thu để tới đây, khi sửa luật soạn thảo các văn bản hướng dẫn sẽ phải có quy định rõ để ngăn chặn tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, làm giảm sút lòng tin.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban tổ chức Trung ương chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp về vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương 2021.
“Giấy phép con” gây phiền hà nhưng 26 năm chưa sửa
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) chất vấn: Hà Nội đang triển khai đề án thí điểm chính quyền đô thị, trình Quốc hội cho không tổ chức HĐND cấp phường. Vậy có thể thí điểm thêm ở địa phương khác không, ví dụ như TPHCM? Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Hà Nội xin không tổ chức HĐND ở phường. Nếu TPHCM có mô hình thí điểm khác nữa thì trình lên Chính phủ. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ tôi ủng hộ. Sau khi Hà Nội và TPHCM thí điểm thì sẽ tổng kết, đưa ra mô hình chính quyền đô thị tối ưu cho các thành phố lớn. Nên có nhiều mô hình để so sánh, lựa chọn; nên có mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, cái gì rõ thì làm trước. |
Vấn đề thi xét tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức là một nội dung “nóng” nhất của phiên chất vấn này. Thực tế, quy định về thi xét tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức đã ban hành từ năm 1993, đến nay đã 26 năm trôi qua vẫn chưa được sửa chữa, gây nên bao phiền hà cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức thời gian qua. Đây cũng là bức xúc của nhiều ĐB Quốc hội.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu thực trạng, một chuyên viên từ khi được tuyển dụng đến lúc quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ Phó Giám đốc, Giám đốc sở phải tham gia rất nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, như quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; lý luận chính trị trung cấp, cao cấp... khiến có cảm giác “để nuôi các cơ sở đào tạo”. ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai), ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đều cho rằng những quy định về chứng chỉ đó như “những giấy phép con” trong công tác cán bộ.
Trước những bức xúc này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phân trần: “Có nhiều phiền hà vì quá nhiều thủ tục. Không chỉ riêng văn bằng, chứng chỉ về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà cả về quy trình bổ nhiệm đều rất rườm rà. Bộ Nội vụ xin nhận trách nhiệm về việc chậm sửa đổi, bổ sung quy định cũ, lạc hậu, không phù hợp với tình hình mới”.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thủ tục phiền hà không chỉ với nâng ngạch công chức, viên chức mà cả quy trình bổ nhiệm cán bộ: một người muốn được bổ nhiệm cần có tới 7 loại bằng cấp, chứng chỉ.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các loại văn bằng, chứng chỉ đó tuân thủ theo quy định của Đảng và Nhà nước. Bộ Nội vụ, Ban tổ chức Trung ương không tự đặt ra tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên, ông thừa nhận, chứng chỉ nào thi, chứng chỉ nào học sau khi bổ nhiệm, chứng chỉ nào phải có trước khi bổ nhiệm... là vấn đề phải bàn. Không nên dồn tất cả yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ khi đề bạt, bổ nhiệm. Cần phân ra điều kiện đủ để bổ nhiệm và điều kiện cần để bồi dưỡng sau khi nhận nhiệm vụ.
Người đứng đầu ngành nội vụ cam kết: đến năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thì Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ sửa ngay các quy định liên quan. Sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ, thủ tục nào.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tham gia trả lời cũng vui mừng khi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tới đây sẽ có nhiều đổi mới về tuyển dụng, điển hình như quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
“Qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GD-ĐT quy định trong chuẩn giáo viên”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:
Cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế phải có bước đi phù hợp
Thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức. Bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bộ máy hành chính Nhà nước một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao; còn tình trạng tham nhũng vặt, vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý.
Tới đây, Chính phủ sẽ có giải pháp giải quyết hàng loạt vấn đề ĐB Quốc hội nêu như văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng; xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ; xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu; xử lý các sai phạm trong quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người thiếu theo chuẩn, sai quy trình… Vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức, con người và rất phức tạp, do phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. Nhưng Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe theo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp đúng, đồng thời cũng phải đảm bảo hợp tình hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý.