Hoàn thiện hành lang pháp lý
Thực tiễn thời gian qua có thể khẳng định, những quy định mới bước đầu đã góp phần bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý phù hợp với thị trường và hội nhập quốc tế, thống nhất quản lý, tránh lợi dụng, lạm quyền làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình gây thất thoát, lãng phí; hình thành cơ chế áp dụng chung các phần mềm phục vụ quản lý, đưa ra cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cho dự án đầu tư xây dựng; tạo dựng hành lang pháp lý cho việc số hóa ngành xây dựng, hỗ trợ việc nắm bắt thông tin thị trường xây dựng phục vụ quản lý nhà nước, qua đó nâng cao năng suất ngành xây dựng, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách này có tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư các dự án.
Nếu chúng ta đảm bảo việc phân cấp, phân quyền, cũng như hệ thống công cụ quản lý đầy đủ, kịp thời và phù hợp để đảm bảo xác định chi phí hợp lý và phù hợp với cơ chế thị trường, việc thực hiện các dự án sẽ đảm bảo chất lượng, đảm bảo tiến độ và không vượt chi phí dự tính…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua hơn 2 năm triển khai Đề án, Bộ đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức.
Đặc biệt Bộ Xây dựng đã hoàn thành nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện suất vốn đầu tư xây dựng công trình đường ô tô cao tốc, đưa vào tập suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình 2018, để các chủ thể có liên quan áp dụng.
Bộ cũng xây dựng và hoàn thiện các phương pháp xác định định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Việc loại bỏ những định mức lạc hậu là loại bỏ những yêu tố gây phát sinh chi phí đầu tư xây dựng dẫn đến thất thoát lãng phí, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, khuyến khích phát triển công nghệ xây dựng, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao năng suất lao động và ứng dụng các vật liệu mới.
Loại bỏ các định mức lạc hậu sẽ khắc phục tình trạng nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cố tình hoặc vô ý áp dụng các định mức đã lạc hậu làm tăng chi phí dự án theo hướng gây lãng phí, thất thoát; hạn chế việc áp dụng sai hoặc lợi dụng áp dụng sai định mức làm tăng chi phí khi áp dụng khoa học công nghệ, đơn giá nhân công áp dụng trong xây dựng.
Định mức sau khi rà soát bước đầu phản ánh được năng suất lao động trung bình tiên tiến, trình độ phát triển công nghệ xây dựng, trình độ quản lý, ứng dụng vật liệu mới của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; đồng thời khắc phục được một số bất cập về phạm vi, đối tượng áp dụng của hệ thống định mức để nâng cao hiệu quả quản lý.
Cần sự quyết liệt
Trong giai đoạn tới, việc triển khai Đề án tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống định mức, giá và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương pháp mới, đồng thời hướng dẫn phổ biến cơ chế, chính sách , các phương pháp lập mới.
Cùng với Bộ Xây dựng, các Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Bộ Quốc phòng và các địa phương… cũng đang tích cực triển khai Đề án, nhất là trong công tác rà soát các định mức chuyên ngành do đơn vị công bố.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã công bố/ban hành 1.024 mã định mức, đồng thời xác định xây dựng định mức theo phương pháp mới 3.444 mã.
Bộ Công Thương ban hành kế hoạch triển khai Đề án và đang tiến hành rà soát định mức quản lý các chuyên ngành dầu khí, than, điện lực và năng lượng tái tạo, công nghiệp, hóa chất. Bộ GTVT rà soát và xây dựng điều chỉnh 8 định mức chuyên ngành tại một số dự án…
Tuy nhiên qua đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án, một số bộ, ngành quản lý công trình chuyên ngành, một số địa phương chưa nhận thức hết tầm quan trọng, tính cấp thiết của các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án đưa ra.
Các đơn vị này chưa thực sự quyết tâm, chủ động trong việc triển khai, chưa phân bổ đầy đủ nguồn lực và thời gian, nhân lực để đáp ứng mục tiêu, tiến độ, dẫn đến khó khăn trong hoạt động quản lý đầu tư các công trình xây dựng chuyên ngành.
Theo Bộ Xây dựng, hiệu quả định mức xây dựng theo phương pháp mới mang lại đem đến lợi ích lớn. Do vậy các bộ, địa phương cần bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học và sự nghiệp kinh tế, chi thường xuyên bổ sung bố trí hàng năm và huy động thêm các nguồn vốn tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện.
Khi thực hiện rà soát hệ thống định mức, giá xây dựng, cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn chuyển tiếp để đảm bảo việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được đồng bộ và không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai và giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện công tác rà soát định mức và giá xây dựng, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất, phục vụ tốt nhất các mục tiêu quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các công trình xây dựng chuyên ngành, cũng như các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đặc thù tại địa phương.