Tương tự, trong chương trình chống ngập 10.000 tỷ đồng TP đang triển khai thực hiện (có cả dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP) và dự kiến hoàn thành ngày 30-4-2018, nhưng đến nay mới thực hiện được 72% khối lượng đã phải dừng.
Theo chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Trung Nam, trong quá trình thực hiện dự án, tập đoàn đã cung cấp đầy đủ toàn bộ hồ sơ và thủ tục cần thiết liên quan đến việc giải ngân gửi cho TP, nhưng đến nay UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định 2240/QĐ-NHNN.
Do đó, nhà tài trợ BIDV đã công bố tạm dừng tái cấp vốn cho dự án, chủ đầu tư không đủ vốn tiếp tục thực hiện thi công. Trong 2 câu chuyện vừa nêu, thủ tục về vốn đã ngáng chân nhà đầu tư, khiến công tác chống và giảm ngập ở TP thêm phần nan giải. Chuyện cứ mưa là ngập nước, triều cường dâng cao cũng ngập nước thời gian qua đã gây bao phiền lụy cho người dân TPHCM.
Đã có nhiều nguyên nhân được cơ quan chức năng của TP lý giải; đã có hàng chục ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đổ xuống thi công các dự án chống ngập và giảm ngập. Song đến lúc này, người dân ngày càng ngán ngẩm với những lời giải thích ngập là do thiếu tiền, người dân thiếu ý thức, hay các lý do khác cơ quan quản lý đưa ra. Bởi thực tế việc chống ngập tại TP ngày càng bất cập và thiếu hiệu quả, tình trạng ngập diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, đến dịp tổng kết năm, cơ quan chức năng luôn nhấn mạnh đã giảm ngập được bao nhiêu điểm để lấy thành tích và để… đối phó dư luận.
Đối phó với nạn ngập lụt, các giải pháp như nâng đường, nâng nền, làm bờ bao, cống kiểm soát triều, nâng cấp hệ thống thoát nước, hay triển khai hệ thống máy bơm chống ngập thông minh… cũng chỉ là tình thế, không thể hiệu quả lâu dài.
Theo đó, việc sử dụng máy bơm siêu khủng để giải cứu ngập lụt sẽ lại đẩy áp lực nước sang chỗ khác và gây ngập. Còn dự án kiểm soát triều cường 10.000 tỷ đồng đang thực hiện và nếu có hoàn thành cũng vẫn ngập. Bởi dự án này chủ yếu là xây các cống kiểm soát triều trên kênh, chưa kiểm soát được triều cường trên sông Sài Gòn.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại TPHCM là công việc không thể trong một sớm một chiều. Vấn đề là cần có các giải pháp căn cơ và hiệu quả trong việc hạn chế ngập.
Theo đó, cần có những kỹ sư xây dựng được đào tạo và hiểu biết rõ về thoát nước đô thị, hiểu được đặc điểm tự nhiên của TP, để có thể đảm nhận vai trò chính trong các hoạt động về giảm ngập đô thị. Thí dụ, xây dựng hồ điều tiết là một trong những giải pháp vừa mang tính hiệu quả tức thời, vừa đỡ tốn kém kinh phí. Các hồ này sẽ thu và chứa nước mưa trong trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước.
Được biết, Sở GTVT đang xây dựng dự thảo quản lý hệ thống thoát nước, trong đó có quy định phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong quản lý và xử lý. Sở này cũng triển khai lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Trong đó có nội dung bổ sung, điều chỉnh những bất cập liên quan đến quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn TP, dự kiến năm 2019 sẽ xây dựng xong dự thảo quy hoạch này.
Như vậy, công tác chống ngập nước ở TPHCM cho đến bây giờ vẫn chưa định hình một giải pháp chống ngập căn cơ, hiệu quả… Ngay chính quyền và các cơ quan chức năng vẫn loay hoay kiếm tìm giải pháp chống ngập. Mặc dù về tinh thần rất quyết tâm, nhưng trên thực tế chưa như mong muốn. Bởi thế, ngập nước vẫn là “vấn nạn” kinh niên đối với TPHCM.