Lời cảnh báo PCCC nhà cao tầng

(ĐTTCO) - Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza vừa qua đã bộc lộ những bất cập không mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư trên địa bàn TPHCM. 
Vụ việc một lần nữa là lời nhắc nhở cho các cơ quan quản lý nhà nước, từng người dân về công tác và ý thức trong việc đảm bảo an toàn PCCC hiện nay tại các tòa chung cư, tránh tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng”. 
Rủi ro chực chờ
Theo số liệu thống kê đến nay toàn TP còn tồn tại 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng (15 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng - cấp D), hầu hết không có hệ thống PCCC; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất cao. Các chung cư thuộc dạng tái định cư, nguy cơ cháy cũng luôn chực chờ.
Mỗi cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương và người dân phải nhận thức rõ việc PCCC. Trước mắt, UBND TP giao Văn phòng UBND TP theo dõi và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các địa phương nếu thiếu trách nhiệm, không triển khai thực hiện nghiêm công tác PCCC, để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. 
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG,
Chủ tịch UBND TPHCM
Đơn cử chung cư Sơn Kỳ (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) là chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm, các block chung cư không có thang máy chỉ có đường thang bộ lên xuống. Để phòng chống trộm, nhiều hộ dân đã làm các ô sắt che chắn toàn bộ ban công của căn hộ từ sàn nhà lên đến trần nhà. Hầu hết căn hộ tầng trệt đều được dùng để kinh doanh, xe máy của khách hàng để bịt kíp các lối đi của chung cư.
Tương tự, chung cư Gò Dầu (đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) cũng là một chung cư cũ được sử dụng hàng chục năm nay, các block của chung cư không có thang máy. Nhiều hộ dân tại đây cũng làm các ô sắt để che chắn phía ban công của căn hộ hướng xuống đường. Trong khi đó, hệ thống PCCC từ lâu không sử dụng, không tập huấn nên không còn hoạt động.
Việc các hộ dân ở nhiều chung cư cũ làm các ô sắt che chắn ban công rất nguy hiểm. Bởi khi có hỏa hoạn hoặc cần di dời khẩn cấp, các ban công là nơi cơ quan cứu hộ, cứu nạn có thể dùng các phương tiện cứu hộ tiếp cận dễ dàng và nhanh nhất. Trong trường hợp cầu thang bộ không thể thoát xuống được, ban công là lối thoát hiểm còn lại duy nhất. 
Nhiều chung cư thuộc dạng nhà ở xã hội đang gây nhiều lo ngại cho người dân sinh sống nơi đây về chất lượng xây dựng, trong đó công trình PCCC chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Tại nhiều chung cư, hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục "báo cháy giả", nên cư dân có thói quen "bình thản" khi nghe báo cháy, có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền".
Một tình trạng phổ biến hiện nay tại nhiều chung cư là cửa ngăn khói các tầng bị chèn, mở thông, để tiện đi lại, tức nếu xảy cháy sẽ không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập; lối thoát hiểm bị chiếm dụng, không còn tác dụng thoát hiểm khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa (hoặc không) thi công hệ thống PCCC đã đưa dân cư vào ở. Cụ thể, chung cư Bảy Hiền Tower, số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, năm 2016 đưa hơn 20 hộ dân vào ở khi đang thi công, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống PCCC… 
Lời cảnh báo PCCC nhà cao tầng ảnh 1 Dự án chung cư Him Lam Phú An (Quận 9) đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng công tác PCCC được kiểm tra gắt gao. 
Quy định Cơ quan Cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ, hoặc bất thường đối với nhà chung cư. Song trên thực tế, công tác này chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm đối với chủ đầu tư trong việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của Cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra.
Nhiều nhà chung cư cho đến nay vẫn chưa thành lập được ban quản trị theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cư dân và tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác PCCC. Một số ban quản trị nhà chung cư chưa có đầy đủ kiến thức và năng lực quản lý nhà chung cư, PCCC theo quy định của Luật Nhà ở.
Trong vấn đề này, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về công tác PCCC, trực tiếp là UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn rất quan trọng. Nhưng thực tế thời gian qua, vai trò lực lượng dân phòng của khu phố, lực lượng tình nguyện PCCC trong chung cư, khu dân cư, để thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" chưa được phát huy.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết nhiều chung cư nhà ở cao tầng được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm khi xảy ra cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy. Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được... 

Tăng cường trách nhiệm và ý thức
Cuối tháng 3 vừa qua,  UBND TPHCM ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về "Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TPHCM", nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các chung cư và nhà cao tầng.
Theo UBND TP, trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng. 
Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC, không tổ chức thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn PCCC; hệ thống báo cháy chữa cháy không hoạt động, dẫn đến việc phát hiện cháy của lực lượng tại chỗ không kịp thời, thông tin báo cháy chậm; lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC còn hạn chế; cư dân sống trong chung cư chưa tích cực tham gia thường xuyên các buổi tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trong việc đảm bảo an toàn về PCCC còn nhiều bất cập; công tác chỉ đạo khắc phục những vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy và xử lý hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC trong chung cư, nhà cao tầng chưa kiên quyết.
UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn.
Trong đó, UBND TP giao nhiệm vụ cho Hiệp hội BĐS TP tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật trên lĩnh vực PCCC và xây dựng trong quá trình thi công và sử dụng công trình; theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư dự án, những vi phạm về lĩnh vực PCCC và xây dựng, từ đó chủ động trao đổi, phối hợp với Sở Xây dựng, Cảnh sát PCCC TP và các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan cấp trên giải quyết. 

Các tin khác