Trước dịch, nền kinh tế hoạt động bình thường, những ai có nhà mặt tiền, đặc biệt những căn nhà mặt tiền ở các quận trung tâm, nhà mặt góc chẳng khác nào đang sở hữu “gà đẻ trứng vàng”. Nhưng nay nếu chủ nhân những căn nhà ấy phải vay tiền để đầu tư sinh lời, đồng nghĩa ôm cục nợ.
Ngoài việc nhiều cửa hàng kinh doanh, mua bán phải đóng cửa theo yêu cầu để phòng chống dịch thời gian qua, Covid-19 cũng đã làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng, cũng là nguyên nhân dẫn đến những căn nhà mặt tiền… mất giá.
Hay như một phân khúc bất động sản cho thuê cũng gặp nhiều khó khăn là các dãy phòng trọ, căn hộ dịch vụ cho người lao động, sinh viên thuê. Bởi lẽ trường học đóng cửa, nhà máy ngưng hoạt động khiến nhiều sinh viên, công nhân không thể trụ lại TP phải về quê tạm lánh một thời gian.
Và khi khách hàng ra đi, người cho thuê và cung cấp dịch vụ sẽ gặp khó khăn. Với những người đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị mới để kinh doanh căn hộ dịch vụ lại càng khó khăn hơn.
Trong một cuộc khảo sát hẹp của ĐTTC, cho thấy hơn 1 năm qua phần lớn người có nhà cho thuê, phòng cho thuê đều phải giảm giá thuê cho người thuê. Những tháng cao điểm của dịch (từ tháng 6 đến tháng 9) người cho thuê phải giảm 30-50% giá thuê, thậm chí có trường hợp giảm 80% hay miễn tiền thuê nhà 1-2 tháng.
Ở diện rộng hơn, khảo sát của Công ty Nghiên cứu bất động sản Colliers, cho biết dịch kéo dài khiến thị trường bán lẻ gặp khó khăn lớn, các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa và nhà phố chịu sự đìu hiu, vắng vẻ do khách thuê không thể trụ vững trước dịch bệnh.
Tại khu vực trung tâm hành chính của TPHCM, giá thuê trung bình các trung tâm thương mại giảm 15%, từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng còn 2,64 triệu đồng/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%. Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài trung tâm có mức giảm sâu hơn, khoảng 30%, từ 805.000 đồng/m2/tháng còn 563.000 đồng/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.
Tương tự TPHCM, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh.
Cụ thể, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng/m2/tháng giảm còn 2,25 triệu đồng/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%. Khu vực ngoài trung tâm giá thuê giảm với tỷ lệ trống trung bình khoảng 14,5%.
Về phân khúc nhà phố cho thuê, do tiềm lực của khách thuê nhà phố không mạnh như khách thuê tại khu trung tâm thương mại, do đó mức giảm giá thuê mặt bằng nhà phố giảm mạnh hơn so với giá thuê trung tâm thương mại. Theo Colliers, tại TPHCM và Hà Nội, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh.
Khi kinh tế từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều trở nên thận trọng hơn. Con người như vừa trải qua cơn bạo bệnh tâm lý cũng cầm chừng, từng bước thăm dò.
Các quán ăn dè dặt mở cửa thăm dò khách, những cô cậu sinh viên, anh chị công nhân ở quê thăm dò việc sinh hoạt, ăn ở, học hành ở trường, công việc ở nhà máy trước khi quyết định trở lại TP. Họ không còn chủ động như trước kia khi đặt ra kế hoạch cụ thể để trở lại TP. Bởi lẽ, mọi toan tính của họ không chỉ phụ thuộc công ăn việc làm, còn phụ thuộc việc đi lại giữa các địa phương. Như vậy, nguồn cung nhà cho thuê đã có sẵn trong khi nguồn cầu lại bị động, đã tạo nên một thị trường không bền vững.
Những vấn đề trên đã đặt ra câu hỏi: nhà cho thuê kinh doanh, căn hộ cho thuê để ở sẽ đi về đâu trong thời gian tới? Chính quyền TPHCM đang rất nỗ lực để từng bước phục hồi kinh tế sau đại dịch, tha thiết kêu gọi người lao động trở lại nhà máy, công trình để tham gia sản xuất kinh doanh, trường học rồi cũng sẽ mở cửa.
Mọi người tin rằng kinh tế sẽ sớm phục hồi, TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước - phố xá sẽ đông đúc, thương mại sẽ sầm uất… và bất động sản cho thuê sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để phục hồi và phát triển.