Kèm theo đó, khi hệ thống giao dịch của CTCK xảy ra lỗi, NĐT cũng không biết làm gì hơn ngoài việc “cười trừ”, đón nhận lời xin lỗi mà rất ức chế.
Ai cũng có thể mắc lỗi
Trong 1 phiên giao dịch diễn ra vào tháng 3-2012, hệ thống giao dịch của CTCK TPHCM (HSC) đã gặp sự cố khiến NĐT phải đặt lệnh bằng điện thoại, hoặc đến sàn viết phiếu lệnh. Điều này khiến không ít NĐT bức xúc, vì phiên giao dịch hệ thống HSC gặp sự cố hôm đó lại là một phiên rất sôi động, là khoảng thời gian đua lệnh rất hưng phấn của NĐT.
Vào ngày 26-8-2014, hệ thống của CTCK VN Direct (VND) đã gặp sự cố khiến lượng lớn lệnh bị gửi lặp lại nhiều lần và HNX buộc phải ngắt kết nối trực tuyến với CTCK này. Sau đó, VND đã phải nhận quyết định cảnh cáo toàn thị trường và tạm ngừng kết nối giao dịch trực tuyến với HNX cho đến khi khắc phục hoàn toàn sự cố.
Hồi cuối tháng 1, đến lượt hệ thống giao dịch phái sinh của CTCK SSI bị chập chờn khiến cho một số NĐT bị ảnh hưởng. Sự cố của SSI diễn ra trong giai đoạn thị trường vừa sôi động, nhưng cũng kèm thêm những biến động có thể tạo ra những rủi ro khó lường cho các NĐT. Liệt kê những sự kiện trên đây để thấy rằng CTCK nào cũng có thể diễn ra những sự cố về giao dịch, ngay cả đó là những CTCK lớn như SSI và HSC, hay luôn tự hào về thế mạnh công nghệ như VND.
Trở lại thời điểm xuất hiện các lỗi giao dịch của CTCK sẽ thấy một sự hợp lý không hề mong muốn, đó là toàn diễn ra vào lúc thị trường sôi động. Thời điểm HSC xảy ra sự cố lúc thị trường mới chuyển sang giao dịch phiên chiều, rồi những ai còn nhớ hệ thống VND gặp lỗi cũng trong một phiên rất sôi động, và khi hệ thống của SSI gặp lỗi thanh khoản của thị trường cũng như của riêng CTCK này đã tăng rất mạnh so với nhiều năm trước. Nhưng sự hợp lý này lại cho thấy năng lực dự báo của CTCK hay chiến lược đầu tư cho công nghệ có vấn đề.
Rõ ràng, CTCK lớn không thiếu tiền, cũng không thiếu người, vậy tại sao vẫn luôn để xảy ra những sự cố về hệ thống? Có một điều dễ thấy là NĐT gần như không có phản ứng nào khác ngoài một vài lời nói bức xúc, vài dòng than vãn trên mạng xã hội rồi thôi. Bởi một lẽ, nếu đóng tài khoản từ CTCK này chuyển sang CTCK khác cũng chẳng có gì bảo đảm rằng trong tương lai cũng sẽ không có lỗi giao dịch xảy ra. Có lẽ vậy nên CTCK lớn lỗi thì vẫn lỗi.
Sống chung với lũ
Sống chung với lũ
Thực ra các sự cố giao dịch từ CTCK được phản ánh trên báo chí và có khi cơ quan quản lý phải lên tiếng đều diễn ra trong thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn để nhiều người nhận biết, nhưng vẫn còn đó những sự cố với quy mô nhỏ hơn, song mức độ thiệt hại xét trên từng cá nhân NĐT không hề nhỏ. Bởi việc hệ thống của CTCK trở chứng và bị lỗi từ vài phút đến vài chục phút không phải chuyện hiếm.
Ngày 23-3 vừa qua, giao dịch trên website của một CTCK lớn lại xảy ra lỗi trong tầm 5-10 phút, hệ thống giao dịch rất chập chờn, nhưng sau đó lại khắc phục và giao dịch bình thường. Thời gian không rõ ngắn hay dài vì tùy vào các NĐT, nhưng giả sử ai đó định đặt lệnh bán hệ thống bị lỗi, sau khoảng chục phút đặt được lệnh có khi giá đã giảm trở lại khiến NĐT từ lỗ bị lỗ thêm, hoặc có lãi thì lãi ít đi. Những lỗi giao dịch kiểu này cũng rất khó để xác định do khách quan hay chủ quan từ phía CTCK.
Nếu ai thường xuyên bám sàn thì những lỗi kiểu này thường không kể hết, có khi do đường truyền, tín hiệu của NĐT, cũng có khi do CTCK. Vấn đề được đặt ra ở đây là các CTCK sẽ khắc phục như thế nào. Thời gian gần đây, SSI đã liên tục tiến hành nâng cấp hệ thống giao dịch của mình và điều này có thể thấy khá rõ qua quy trình, thời gian cập nhật số liệu trên hệ thống đã nhanh hơn trước rất nhiều.
Được biết, từ cuối tuần qua đến đầu tuần này, SSI tiếp tục nâng cấp hệ thống của mình. Nhưng thử nghiệm hay nâng cấp luôn tồn tại những rủi ro đi kèm, đó là những lỗi không lường trước vẫn có thể xuất hiện và điều này tất nhiên cả CTCK và NĐT không mong muốn, nhưng cần nhìn thẳng vào vấn đề “tai bay vạ gió” từ lỗi giao dịch từ trước đến nay hầu hết đều đổ lên NĐT.
Một điều nữa cũng cần bàn đến cách thức ứng xử của CTCK với khách hàng cũng như truyền thông khi xảy ra sự cố là chưa thuyết phục được số đông. “Xin lỗi”, “Đang nỗ lực khắc phục”, “Ngoài ý muốn”, “Rất cố gắng”… là câu cửa miệng từ phía những đại diện CTCK sử dụng để giải trình và trấn an NĐT. Nhưng không nhiều CTCK sẵn sàng phát đi thông báo về sự cố cũng như các giải pháp khắc phục. Phải chăng vì nếu thường xuyên phát đi thông báo, các CTCK sẽ bị tiếng là mắc nhiều lỗi quá?
CTCK có thể thông bố rất nhiều chiến lược hoành tráng liên quan đến môi giới, tư vấn tài chính, nhưng chiến lược về công nghệ dường như lại bỏ ngỏ. Hoặc giả như có công bố về chiến lược thường có phần sáo rỗng khi luôn nhấn mạnh ưu tiên cho công nghệ. Rõ ràng khi thanh khoản của thị trường hiện đã tăng nhanh với tốc độ tính bằng lần so với các năm từ 2016 trở về trước, các CTCK phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và có sự đầu tư dài hạn thay vì cứ ăn đong theo kiểu “sai đến đâu, sửa đến đó”.