Mảng màu sáng cho nhà băng
2 NHTM có vốn nhà nước là Vietcombank và VietinBank đã sớm ghi nhận lãi trước thuế khủng từ quý I đầu năm, lần lượt đạt 8.631 tỷ đồng (tăng 65%) và 8.060 tỷ đồng (tăng 171%). Theo sau đó là Techcombank với 5.518 tỷ đồng (tăng 77%); MB đạt 4.580 tỷ đồng (tăng 109%); VPBank với 4.006 tỷ đồng (tăng 38%); BIDV với 3.396 tỷ đồng (tăng 87%); ACB với 3.104 tỷ đồng (tăng 61%); HDBank đạt 2.100 tỷ đồng (tăng 68%).
Ở nhóm còn lại, ngoại trừ 2 trường hợp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế âm là Eximbank (giảm 53%) và VietBank (giảm 46%), báo cáo tài chính của các nhà băng khác cũng cho thấy sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh. Nhiều nhà băng đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế rất cao so với cùng kỳ năm như Kienlongbank tăng 1.131%, MSB tăng 296%, NamABank tăng 223%, BaoVietBank tăng 216%, SeABank tăng 126%, SHB tăng 113%, LienVietPostBank tăng 84%, NCB tăng 78%...
Lãi cao quý I vẫn tiếp tục do đóng góp của mảng tín dụng. So với sự ảm đạm của năm ngoái, tín dụng năm nay đã tăng tốt từ đầu năm với mức tăng 2,93% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 1,3%). Nhìn riêng lẻ, trong 27 NH đã công bố báo cáo tài chính quý đầu năm, có 3 NH tăng trưởng âm là BacABank (-3,73%), Saigonbank (-3,56%) và Vietbank (-1,58%), 24 NH còn lại đều ghi nhận tỷ lệ tín dụng cao. Trong số đó có những nhà băng đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đáng chú ý như MSB tăng 12,8%, MB tăng 8,62%, Techcombank tăng 6,76%, HDBank tăng 5,02%, NamABank tăng 5,04%, Vietcombank tăng 3,83%...
Và những vấn đề ẩn chứa phía sau
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng NH. Vì vậy, sự hồi phục của tín dụng theo lẽ thường là tín hiệu hồi phục các lĩnh vực kinh tế khác, là tín hiệu đáng mừng. Song tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các nhà băng được dẫn dắt bởi việc cải thiện hệ số NIM mạnh mẽ giúp lãi trước thuế tăng cao lại phải nhìn vào một số vấn đề khác, khi mà ngành NH đang gắn liền với mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
Đầu tiên phải nói rằng, NH lãi lớn do NIM tăng mạnh đồng nghĩa với việc lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay tiếp tục không giảm tương ứng. Theo quan sát, sau khi NHNN giảm các mức lãi suất điều hành trong năm 2020, các TCTD đã lập tức điều chỉnh giảm lãi suất. Nhưng lãi suất huy động giảm rất nhanh còn lãi vay giảm mang nặng tính chất hưởng ứng tinh thần hoặc “hô khẩu hiệu”, bước giảm rất chậm. Trong năm 2020, lãi suất huy động giảm khoảng 2-2,5%/năm, song lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 1-1,5%/năm.
Giảm lãi vay được áp dụng cho những tháng đầu, sau đó NH dùng công thức lãi suất huy động cao nhất cộng biên độ để tính lãi vay sau ưu đãi. Cùng lúc, các NH nâng biên độ lên, cao hơn 1-2% so với trước đây. Theo đó, lãi vay vẫn treo ở mức cao.
Vậy đối tượng nào sẽ chấp nhận mức lãi vay như vậy trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp? Đương nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp (DN) phải vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhưng gần đây một vấn đề khá nổi cộm mà kể cả cơ quan quản lý cũng đang phải lên tiếng, chính là cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro tăng lên.
Theo thống kê của NHNN, quý I tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 2,4%, lĩnh vực DN nhỏ và vừa tăng 1,49%, lĩnh vực xuất khẩu tăng khoảng 2,5%, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,04%, lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%. Trong khi đó, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán quý I đạt 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, tín dụng đối với lĩnh vực này có điểm đáng chú ý là tháng 11, 12-2020 tăng khá nóng, đến tháng 1-2021 đã hạ nhiệt với mức giảm lên đến 10%, nhưng từ tháng 3-2021 đã nóng trở lại. Dư nợ chứng khoán tại thời điểm cuối tháng 2 tập trung ở một số TCTD như Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47%), Techcombank (chiếm 12,46%)…
Tín dụng phục vụ đời sống đạt 1,87 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, tín dụng bất động sản (BĐS) đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%. Tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có tăng nhưng các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, chứng khoán, BĐS vẫn là điểm đáng chú ý, đặt ra vấn đề phải chăng các NH đang có lợi nhờ vào cho vay các lĩnh vực rủi ro cao? Vì với những lĩnh vực này, chắc chắn biên lãi ròng của các NH cũng có điều kiện mở rộng và ngành NH luôn áp dụng nguyên tắc rủi ro cao tương ứng với lãi suất cao.
Chưa ai dám thẳng thắn kết luận về điều này nhưng cảnh báo rủi ro đang liên tục được đưa ra. Tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 do NHNN tổ chức vào giữa tháng 4, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tín dụng đã nhắc nhở, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân như tín dụng BĐS, đầu tư trái phiếu DN, cùng với đó là sự sôi động của thị trường BĐS, chứng khoán trong nước thời gian qua có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động hệ thống, NHNN sẽ tiếp tục nhận diện và có biện pháp phòng ngừa.
Mới đây nhất, NHNN cũng đã nêu 10 dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của các TCTD, trong đó có chỉ ra tín dụng đối với lĩnh vực BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS cao và yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực này.
Như vậy, khi NHNN có 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các NH có đầu vào giá rẻ, dư thừa thanh khoản nhưng vẫn treo lãi suất cao và để dòng vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro. Điều này liệu có hợp lý và công bằng với các thành phần khác trong nền kinh tế?
Tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có tăng nhưng các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, chứng khoán, BĐS vẫn là điểm đáng chú ý, đặt ra vấn đề phải chăng các NH đang có lợi nhờ vào cho vay các lĩnh vực rủi ro cao? |