Những con số khả quan nửa đầu năm
6 tháng đầu năm, lợi nhuận của VietinBank ước tăng 75% so với cùng kỳ, lên 13.000 tỷ đồng. Thông tin này được lãnh đạo NH chia sẻ tại buổi sơ kết hoạt động kinh doanh vào cuối tháng 6. Đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động của NH này.
Một thông báo đưa ra hồi cuối tháng 6 của NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế dự tính đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm. Theo kế hoạch đặt ra, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay của NH ở mức 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.
TPBank cũng nằm trong nhóm NH sớm công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng, với lợi nhuận trước thuế đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 54% kế hoạch năm. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,15%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26%.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của TPBank ước đạt hơn 242.000 tỷ đồng, trong mục tiêu cả năm 250.000 tỷ đồng. Dự báo tổng tài sản có khả năng tăng vượt xa kế hoạch vào thời điểm cuối năm.
TPBank là một trong những NH công bố kết quả kinh doanh lợi nhuận khủng.
LienVietPostBank mới đây cũng tiết lộ lợi nhuận 5 tháng đầu năm đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tính bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6, lợi nhuận của LienVietPostBank 6 tháng đầu năm khoảng 2.000 tỷ đồng, bằng 80% so với kết quả cả năm 2020.
Tuần trước, Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của 33 công ty niêm yết. Báo cáo này ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của HDBank đạt 2.400 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ), BIDV đạt 3.850 tỷ đồng (tăng 51%), Techcombank đạt 5.700 tỷ đồng (tăng 57,6%), ACB tăng trưởng trước thuế 58%.
Theo ghi nhận, kết quả kinh doanh khả quan của các NH chủ yếu nhờ đà phục hồi tín dụng 6 tháng qua. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 6 tháng đạt 5,47% so với cùng thời điểm 2020 chỉ tăng 2,45%. Tại các NH tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng có sự bứt phá đáng kể so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng VietinBank 6 tháng đạt khoảng 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2020. Cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng của nhà băng này chỉ tăng 0,66%.
Một số nguồn tin cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm, MSB đã sớm chạm mức trần tín dụng 10,5% được NHNN cấp trước đó và đã đề xuất NHNN nới hạn mức tín dụng. TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng ở mức 11%, gần chạm trần hạn mức tín dụng được NHNN cấp. Tương tự lợi nhuận BIDV đến từ việc tăng trưởng tín dụng 7% so với đầu năm (cao hơn mức tăng 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2020) và NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) nới rộng so với cùng kỳ.
Techcombank cũng tăng tín dụng đến 11,9%, ACB tăng 19-20%. Tín dụng phục hồi, chi phí huy động vốn thấp giúp NIM cải thiện, là một trong những yếu tố quan trọng đẩy lợi nhuận NH tăng nhanh trong nửa đầu năm. Các NH khác chưa công bố lợi nhuận nhưng dự báo số liệu cũng sẽ khả quan.
Nửa cuối năm nhiều thách thức
Mặc dù vậy, sự lạc quan về lợi nhuận có tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm nay vẫn còn là dấu hỏi. Bởi lẽ, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp hồi phục trong các tháng đầu năm, song dịch Covid bùng phát lần thứ 4 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ. Đến cuối tháng 6 đã có 70.200 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Hồi tháng 5, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. Với tình hình như vậy, hoạt động cho vay của các NH chắc chắn sẽ chịu tác động.
Tại báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III-2021 của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định tại thời điểm cuối quý II nhu cầu tổng thể của khách hàng ở mức khá. Trong đó, nhu cầu vay vốn và thanh toán cải thiện mạnh hơn quý trước, nhu cầu gửi tiền tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ chậm lại. Về tổng thể, tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng.
Nhìn về nửa cuối năm, các TCTD đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm so với kỳ điều tra công bố vào cuối quý II. Cụ thể, kỳ vọng dư nợ tín dụng năm nay chỉ tăng 13,1% (kỳ điều tra trước 14,7%). Các TCTD cũng giảm dự báo tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình so với kỳ điều tra trước do tác động khó lường của dịch bệnh trong nửa cuối năm 2021. Kết quả này cho thấy, các TCTD đã lo lắng về tình hình hoạt động trong quý III và quý IV.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, do nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm. Vì thế, để duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn trong bối cảnh cạnh tranh cao từ các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, lãi suất tiền gửi các NH dự tính tăng 0,25-0,3% trong nửa cuối năm 2021.
Khi lãi suất tiền gửi tăng, NIM của NH sẽ thu hẹp, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Dự báo dòng vốn vào bất động sản, chứng khoán sẽ được kiểm soát chặt hơn, trong khi đây là các lĩnh vực có NIM hấp dẫn do lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng lợi nhuận trên sổ sách của các NH chưa thực chất, chưa thể hiện hết các vấn đề tiềm ẩn bên trong. Bởi theo Thông tư 03/2021 của NHNN, các TCTD được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến hết năm 2021, có nghĩa những khoản nợ có khả năng trở thành nợ xấu đã được khoanh lại.
Đồng thời, việc trích lập dự phòng rủi ro cho khoản này cũng được kéo dài với thời hạn 3 năm. Theo đó, tỷ lệ trích lập tối thiểu 30% vào cuối năm, tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối 2022 và 2023. Nhiều khoản nợ xấu đáng lý phải trích lập không được trích lập. Vì vậy, lợi nhuận hiện tại không hẳn đã phản ánh đúng sức khỏe của NH.