Tận dụng nguồn lực các tổ chức tài chính thế giới

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH cho rằng, biện pháp giãn thuế và hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) là lẽ đương nhiên. Do vậy khi nguồn lực trong nước hạn chế cần tính đến nguồn lực từ các tổ chức tài chính thế giới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Cho đến thời điểm này, ông nhìn nhận như thế nào về nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam cần tính đến các giải pháp sống chung với dịch?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Chúng ta đừng quá lạc quan khi kinh tế Việt Nam đã trải qua những tháng đầu năm GDP tiếp tục tăng trưởng, bởi từ nay đến cuối năm tình hình rất khó lường. Việt Nam vẫn có thế mạnh xuất khẩu trong khi nhu cầu hàng hóa trên thế giới, đặc biệt là hàng nông sản, tiêu dùng, điện tử… vẫn cao trong bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh.
Song với tình hình dịch bệnh trong nước, việc nắm bắt cơ hội cũng đối mặt với khó khăn. Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải sống chung với dịch, vì dịch có thể kéo dài một thời gian nữa, dập dịch ngay lúc này là chuyện không thể.
Trong phương án sống chung với dịch của nền kinh tế, thứ nhất phải ưu tiên tiêm chủng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt khoảng 70% dân số. Đây là mục tiêu khó đạt được trong năm nay nhưng cần phải nỗ lực.
Thứ hai, tại các khu công nghiệp, DN phải tổ chức lại quy trình hoạt động. Công nhân làm việc phải ngồi giãn cách, chia ca để giảm mật độ. DN cần xây dựng chế độ đãi ngộ cũng như xử phạt trong trường hợp người lao động vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch, phải bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân để trường hợp dịch bệnh bùng lên, họ có thể ở lại nơi làm việc. Đặc biệt, mỗi DN phải có đơn vị y tế chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ khi cần thiết.
Tận dụng nguồn lực các tổ chức tài chính thế giới ảnh 1
Tất cả những thay đổi như thế sẽ tạo ra chi phí rất lớn, vì vậy để sống chung với dịch rất nhiều DN cần được Nhà nước hỗ trợ. Cụ thể là được vay vốn với mức lãi suất thấp để duy trì hoạt động, cũng như để phục hồi sản xuất sau giai đoạn chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19.
Song phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát (CPI) có thể tăng mạnh trong thời gian tới. CPI 6 tháng đầu năm vẫn còn rất thấp nhưng chỉ số này sẽ đi lên trong 6 tháng cuối năm khi giá sắt thép, xăng dầu, điện, nước, nhu yếu phẩm… có xu hướng đi lên.
Nếu lạm phát tăng cũng sẽ đẩy lãi suất huy động đi lên. Khi đó, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Và khi các DN đang rất chật vật trong việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, sẽ càng khó khăn hơn. 
- Vậy theo ông, Chính phủ có còn liều “doping” nào để có thể hỗ trợ DN vừa sống chung với dịch vừa phát triển kinh tế?
- Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Thời gian gia hạn từ 3 đến 8 tháng theo từng sắc thuế, có hiệu lực từ 19-4-2021.
Thực ra biện pháp giãn thuế là tốt, nhưng chỉ giúp ích cho những DN có lãi và loại trừ các DN kinh doanh lỗ. Trong khi đó, các DN làm ăn có lãi trong điều kiện hiện nay cũng không quá nhiều.
Ngay cả các DN Nhà nước như Vietnam Airlines hay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng gặp khó khăn, thì các DN nhỏ càng khốn khó hơn, họ có lãi đâu để mà đóng thuế. Nhưng trong điều kiện ngân sách hiện nay, Chính phủ khó có gói hỗ trợ lớn. 
Vì vậy, để giúp DN có vốn, có thanh khoản duy trì hoạt động, ít nhất là trải qua giai đoạn khó khăn này, cần phải có tổ hợp tín dụng quốc gia, trong đó tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tham gia, với hạn mức khoảng 300.000 tỷ đồng.
Tổ hợp tín dụng này làm việc với Quỹ Bảo lãnh tín dụng để cho vay tín chấp, lãi suất thấp đối với các DN gặp khó khăn trong dịch bệnh, độ rủi ro rất lớn. Bởi với rủi ro của DN nhỏ và vừa, các DN chịu tác động của dịch bệnh, nếu không có tổ hợp và quỹ bảo lãnh như vậy, không NH nào dám cho vay.
- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 6 giải pháp hỗ trợ DN vượt khó khăn của đại dịch Covid-19, trong đó bao gồm việc khoanh nợ, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại. Ông nhận định gì về đề xuất này?
- Đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thể hiện mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, tuy nhiên các NH khó triển khai được rộng rãi. Những biện pháp khoanh nợ vẫn được xem xét nhưng cũng mang tính giới hạn.
Mỗi NH sẽ có kế hoạch để giúp DN, dù vậy khó đòi hỏi họ phải thực hiện như thế này như thế kia, vì NH cũng là một DN, họ vẫn phải sống, duy trì hoạt động. Ngành NH kiệt quệ sẽ ảnh hưởng cả nền kinh tế. 
Về đề xuất giảm lãi suất mọi khoản vay hiện tại 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó ngân sách bù hỗ trợ 1% và các NHTM hỗ trợ 1%, nếu Chính phủ và NHTM đồng ý là quá tốt. Song phải nhìn thấy rằng, giảm lãi suất 1%, các NH sẽ mất lợi nhuận, thậm chí lỗ.
Bởi trên thực tế các NH báo lãi nhưng họ có rất nhiều nợ xấu. Nợ xấu đó là lỗ tiềm năng mà trong tương lai sẽ phải hạch toán nếu tình hình hoạt động của các khách hàng không cải thiện. Và 1% này đối với Chính phủ cũng rất nặng nề.
- Vậy theo ông nguồn nào có thể tận dụng để thực hiện các gói hỗ trợ DN duy trì và phục hồi sản xuất?
- Hiện nay có rất nhiều DN đang cần được “giải cứu”. Đơn cử như ngành du lịch, vận tải là những ngành mũi nhọn nhưng đang bị tác động rất mạnh bởi dịch bệnh. Rất nhiều DN trong hai lĩnh vực này đang kêu cứu.
Và khi nguồn lực quốc gia đang khó khăn, hạn chế, có lẽ cần phải có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính thế giới. Chính phủ cần có những chương trình đề xuất vay vốn gửi đến các tổ chức tài chính thế giới như NH Thế giới, NH Phát triển châu Á (ADB) hay NH Phát triển châu Âu (EIB)…
Tất cả những nguồn lực đó cần phải tận dụng để có điều kiện thực hiện các chương trình cho vay lãi suất thấp, hoãn trả gốc lãi cho DN. Từ đó DN mới có cơ hội để duy trì cũng như phục hồi hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Còn các NH hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm an toàn vốn theo cơ sở Basel, họ không thể dung hòa được nguyên tắc đó.
Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, rủi ro của họ càng lớn, cho nên càng phải tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn vốn, nhưng tuân thủ đó không thể hỗ trợ nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác