Nhiều chiêu trò trốn thuế
Chị L.N. (ngụ quận Gò Vấp) bán hàng trên mạng xã hội Facebook, chuyên kinh doanh mỹ phẩm hàng tiêu dùng nhập ngoại, với doanh thu từ 50-100 triệu đồng/tháng; riêng mùa cao điểm, các ngày lễ tết, doanh thu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường. Tại thời điểm dịch bệnh này, các mặt hàng gel rửa tay, chai xịt khuẩn, kính chống giọt bắn, đồ bảo hộ... bán rất chạy. “Vài ngày nay, hàng trăm đơn hàng nước uống tăng lực, sữa tươi, dung dịch sát khuẩn được chuyển đi liên tục. Mỗi đơn hàng có giá từ 300.000 đồng tới 1 triệu đồng. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, 2 nhân viên bán hàng tụi em vẫn được trả lương đều đặn, bình quân mỗi tháng 10 triệu đồng/người”, nhân viên của chị L.N. chia sẻ. Thế nhưng, qua khai thác thông tin riêng được biết, chị N. đóng thuế khoán chưa tới 1 triệu đồng/tháng, tương đương doanh thu chỉ khoảng 110-120 triệu đồng/năm, trong khi ước tính thực tế doanh thu lên tới hàng tỷ đồng.
Một trường hợp khác, chị T.T. cũng bán hàng qua mạng xã hội (Facebook, Zalo), có địa chỉ kinh doanh tại quận Phú Nhuận và quận 3, đạt doanh thu cao vào thời điểm này. Ngay khi TPHCM giãn cách xã hội, thay vì kinh doanh gặp khó khăn, thì các đơn đặt hàng quần áo, túi xách, giày dép... tăng đột biến. Nhân viên làm việc liên tục, có khi từ sáng sớm kéo dài tới 12 giờ đêm. “Vất vả nhưng doanh thu tốt, lương chúng tôi cũng tăng đáng kể. Doanh thu mỗi ngày luôn trên 5 triệu đồng, có ngày đạt 40-50 triệu đồng. Lương, thưởng mỗi nhân viên đảm bảo trên 20 triệu đồng/tháng”, nhân viên bán hàng của chị T.T. cho hay. Anh V.T., chuyên giao hàng cho cửa hàng này, nói rằng các đơn hàng chuyển đi mỗi ngày khá nhiều, nhưng để lách việc bị truy thu thuế, hầu như khách chuyển khoản chỉ ghi tên Facebook hoặc địa chỉ giao nhận, mà không ghi rõ nội dung chuyển khoản. Trước đây, chủ cửa hàng còn công khai số tài khoản, nhưng nay nghe nói bị truy thu thuế nên cũng giấu luôn. Nhiều đơn hàng giao nhận tiền mặt, chứ không nhận chuyển khoản.
Gần đây, ngành thuế TPHCM liên tục “khui” ra và truy thu thuế một số cá nhân bán hàng qua mạng với số tiền “khủng”. Điển hình như vụ Chi cục Thuế quận 1 truy thu thuế một cá nhân kinh doanh trực tuyến với số tiền hơn nửa tỷ đồng; hay đặc biệt hơn là trường hợp một cá nhân ở quận Phú Nhuận (kinh doanh đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm) bị truy thu hơn 9 tỷ đồng tiền thuế. Việc này khiến nhiều người kinh doanh qua mạng chột dạ.
Hiệu quả từ kết hợp lực lượng liên ngành
Theo Cục Thuế TPHCM, khó khăn hiện nay của cơ quan thuế là hầu hết các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử luôn tìm cách né thuế. Trên thực tế, cơ quan thuế đã gặp khó khăn trong việc xác minh sao kê tài khoản tại một số ngân hàng thương mại. Các ngân hàng này từ chối cung cấp thông tin, nhất là các ngân hàng thương mại có trụ sở chính không đặt tại TPHCM. Ngoài ra, hiện tại các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu đặt tại Việt Nam nên việc quản lý thuế gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, ngành thuế thành phố đã có hàng loạt giải pháp cụ thể để tránh thất thu thuế. Chẳng hạn, đối với các tổ chức, cá nhân trong nước có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…), đơn vị sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa, nhất là trường hợp các đơn vị giao nhận được ủy quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD).
Với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện phương thức thanh toán qua ngân hàng sử dụng tài khoản không đăng ký với cơ quan thuế, Cục Thuế TPHCM phối hợp với Sở TT-TT, Sở Công thương đề nghị cung cấp danh sách tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Căn cứ vào các thông tin này, Cục Thuế TPHCM sẽ gửi xác minh tại tất cả ngân hàng trên cả nước (nhất là các cá nhân có đăng ký kinh doanh), đề nghị cung cấp sao kê tài khoản giao dịch thanh toán đã mở tại ngân hàng; sau đó chuyển thông tin đến các phòng thanh tra, kiểm tra, các chi cục thuế quản lý các doanh nghiệp này để thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý.
Trước đó, Cục Thuế TPHCM đã có công văn đề xuất Tổng cục Thuế có văn bản gửi tất cả các ngân hàng thương mại trên cả nước đề nghị cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của tất cả các tổ chức, cá nhân nhận thu nhập phát sinh từ các tổ chức nước ngoài (Google, Apple...), từ đó chuyển cho các cục thuế địa phương để khai thác xử lý. Đồng thời đề xuất Tổng cục Thuế làm việc với Google, Apple, đề nghị các nền tảng này cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các tổ chức này, sau đó chuyển cho các cục thuế địa phương tiến hành xác minh tại các ngân hàng, qua đó xử lý truy thu thuế; ngoài ra, đề nghị các tổ chức này khấu trừ nộp thay thuế cho các tổ chức, cá nhân có nhận thu nhập phát sinh từ các tổ chức này trước khi chi trả thu nhập.
Tính từ thời điểm triển khai chuyên đề thương mại điện tử (năm 2018) đến nay, Cục Thuế TPHCM đã xử lý một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kê khai nộp thuế, với số thuế “khiêm tốn”. Cụ thể, có 56 doanh nghiệp và cá nhân (kinh doanh qua mạng, qua các trang web...) tự giác kê khai bổ sung, với số thuế truy thu hơn 1,6 tỷ đồng và số tiền chậm nộp trên 200 triệu đồng. Cục Thuế TPHCM đã tiến hành kiểm tra, xử lý truy thu thuế, tính tiền chậm nộp và tiền phạt với 597 doanh nghiệp, cá nhân; trong đó số thuế truy thu gần 20 tỷ đồng, số tiền chậm nộp và tiền phạt gần 3,3 tỷ đồng. |