Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” sau kiểm toán

(ĐTTCO)-Đến kỳ công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay, điệp khúc “lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều” lại xuất hiện dày đặc. Điều này thêm một lần cảnh báo về chất lượng báo cáo tài chính, cũng như sự minh bạch về số liệu kế toán do doanh nghiệp tự lập.

 
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” sau kiểm toán

Nhiều doanh nghiệp “quên” trích lập dự phòng

Báo cáo tài chính (BTTC) soát xét bán niên 2017 của CTCP Cảng Rau quả (VGP) cho thấy, Công ty chỉ lãi ròng 752 triệu đồng, giảm gần 8,3 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Theo giải trình của VGP, nguyên nhân do Công ty phải trích lập dự phòng khoản nợ phải thu quá hạn của CTCP Otrans miền Nam và dự chi một phần tiền thuê đất nộp bổ sung cho phần diện tích lộ giới và hành lang an toàn Sông Sài Gòn.

Trong tình cảnh bi đát hơn, CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) ghi nhận mức lỗ sau soát xét lên tới gần 128 tỷ đồng, trong khi con số tự lập là… hơn 4 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm trước). PVL cho biết, 6 tháng đầu năm, Công ty hạch toán lỗ các căn hộ đã bàn giao của 2 dự án Linh Tây và Quận II khoảng 100 tỷ đồng và trích lập khoản công nợ khó đòi khoảng 20,5 tỷ đồng, dẫn đến số liệu cùng kỳ chênh lệch lớn.

Cũng liên quan đến việc trích lập dự phòng, nguyên nhân chính khiến lỗ 6 tháng đầu năm của CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI)  tăng từ 2,6 tỷ đồng lên gần 15 tỷ đồng sau soát xét.

Cụ thể, sau khi trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi theo đúng quy định dựa trên tuổi nợ của khoản phải thu, PPI phải chịu lỗ đến 12,2 tỷ đồng. Ngoài ra, lỗ ròng PPI tăng lên còn do việc bố trí chậm vốn ngân sách 2017, khiến các công trình dự án chậm triển khai, làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp.

Một năm trước, PPI từng công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất bán niên 2016 sau kiểm toán chỉ còn chưa tới 300 triệu đồng, trong khi kết quả theo BCTC tự lập là gần 17 tỷ đồng.

CTCP Nước giải khát Chương Dương (SCD) gây chú ý hơn khi chuyển từ lãi sang lỗ. Với lý do nhà phân phối/đại lý chưa thanh toán đúng hạn kể từ ngày PPI xuất hóa đơn bán hàng, doanh thu thuần của SCD giảm từ 178 tỷ xuống còn 153 tỷ đồng sau soát xét, kéo lợi nhuận gộp giảm đáng kể. Lợi nhuận không bù nổi chi phí buộc SCD phải chịu lỗ 3,3 tỷ đồng, thay vì lãi ròng gần 4 tỷ đồng như BCTC tự lập (cùng kỳ năm trước, SCD lãi sau thuế 13,7 tỷ đồng).

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) phải điều chỉnh nhiều số liệu. Cụ thể, doanh thu hợp nhất tăng gần 55 tỷ đồng, lên 515,8 tỷ đồng, trong khi khoản giảm trừ doanh thu chỉ còn 3,5 tỷ đồng, tức bị điều chỉnh giảm hơn 12 tỷ đồng do phải xác định lại số liệu của bút toán cấu trừ giao dịch nội bộ; giá vốn hàng bán tăng từ 265,8 tỷ đồng lên 332,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 22,8 tỷ đồng do phân loại lại chi phí…

Kết quả, lãi ròng hợp nhất 6 tháng sau soát xét của SGT giảm 17,26 tỷ đồng (-17%), xuống còn 82,8 tỷ đồng, trong khi số liệu trước soát xét do Công ty tự lập là 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, có thể kể thêm một loạt doanh nghiệp niêm yết “có máu mặt” cũng phải điều chỉnh giảm (-) lợi nhuận sau soát xét như NBB (-25,3%), TDH (-16%), FLC(-10%), HAG (-10,4%), GTN (-4,6%)…

Cần mạnh tay với doanh nghiệp thường xuyên sai phạm

Có thể thấy, các sai lệch giữa BCTC trước và sau soát xét của doanh nghiệp thường là những số liệu liên quan đến các ước tính kế toán như trích lập dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho, hay ghi nhận doanh thu chi phí không đúng niên độ… Tuy nhiên, ngoài lý do về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của bộ phận kế toán, thì ý thức minh bạch của doanh nghiệp chính là vấn đề đáng bàn.

Hiện nay, doanh nghiệp niêm yết tự lập báo cáo tài chính hàng quý, chỉ có báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo năm mới phải thực hiện kiểm toán. Do đó, các số liệu “vênh nhau” thể hiện sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp có thể trục lợi khi giấu các thông tin bất lợi nhằm giữ giá cổ phiếu…

Báo cáo tài chính có những chuẩn mực kế toán riêng và đã được quy định. Vì vậy, một khi số liệu về hiệu quả hoạt động còn “nhảy múa”, nhất là giảm nhiều hơn tăng, thì nhà đầu tư không chỉ "đau tim", mà còn mất vốn theo đà rơi của giá cổ phiếu.

Để thông tin đến với nhà đầu tư được rõ ràng, chính xác hơn, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nhà quản lý cần mạnh tay với những doanh nghiệp thường xuyên sai phạm để đảm bảo tính răn đe, giúp thị trường chứng khoán ngày một minh bạch hơn. 

Các tin khác