Lợi nhuận vẫn dựa vào tín dụng

(ĐTTCO) - Vài năm gần đây, các NH cho biết chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động đã giảm mạnh ảnh hưởng đến lợi nhuận nên phải cải thiện dịch vụ để tăng nguồn thu. 
 
Nhưng theo báo cáo tài chính của các NH, cho đến nay thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính giúp các NH bù đắp chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro và đáp ứng các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Thu nhập lãi bù đắp mọi chi phí
 Trên thế giới, trong cấu phần lợi nhuận của các NH, khoảng 70-80% là thu từ dịch vụ, còn thu từ tín dụng chỉ chiếm 10-15% và tỷ lệ còn lại là thu khác. Đây là xu hướng các NH Việt Nam cũng cần hướng đến, nên về lâu dài các NH cần đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ, NH điện tử, ủy thác... để thay đổi cơ cấu doanh thu, phát triển ổn định và bền vững, thay vì tập trung vào dịch vụ tín dụng nhiều rủi ro như hiện nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
 chuyên gia NH
6 tháng đầu năm 2017, một số hoạt động kinh doanh của VietinBank ghi nhận sự sụt giảm nhẹ như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 7%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 30%.
Tuy nhiên, NH này lại có mức thu nhập lãi thuần tăng trưởng đến 19,7%, đạt 13.484 tỷ đồng, nên dù chi phí hoạt động tăng 18% lên 3.559 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh 77% lên 2.778 tỷ đồng nhưng VietinBank vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế lên đến 4.813 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong quý II-2016, chi phí hoạt động của ACB tăng 50% lên 1.748 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến lên 359 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ, song NH vẫn đạt 667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51% so với cùng kỳ. Bởi trong kỳ, thu nhập lãi thuần tăng đến 18%, đạt 2.019 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ACB đã đạt 3.927 tỷ đồng, tăng 19%, tổng lợi nhuận trước thuế tăng đến 52%, đạt 1.262 tỷ đồng. Còn tại Techcombank, dù cho vay khách hàng chỉ đạt 131.000 tỷ đồng, tăng trưởng âm 7,7% so với đầu năm, song thu nhập từ lãi vẫn tăng 4,5%, đạt 4.406 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 2.734 tỷ đồng và sau thuế đạt 2.184 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.

Ngược lại, tại Eximbank, 6 tháng đầu năm nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng ghi nhận mức tăng tốt như lãi thuần từ dịch vụ đạt 149 tỷ đồng (tăng 14,6%), hoạt động khác đạt 50 tỷ đồng (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 22 tỷ đồng (cùng kỳ 2016 lỗ hơn 2 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 146 tỷ đồng (tăng gần 20%). Song với thu nhập lãi thuần quý II chỉ đạt 683 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đạt 1.369 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 17,6% so với cùng kỳ năm trước, tổng lợi nhuận trước dự phòng của Eximbank quý II năm nay và 6 tháng đều thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Tương tự, VietCapitalBank trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 266 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 3% và các hoạt động kinh doanh đóng góp lãi thuần không đáng kể trong khi chi phí hoạt động tăng nhẹ lên 142 tỷ đồng và phải dự phòng rủi ro 18 tỷ đồng, nên nửa đầu năm nay chỉ đạt 14,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 
Lợi nhuận vẫn dựa vào tín dụng ảnh 1 ACB là một trong những NH phát triển mạnh mảng dịch vụ. Ảnh: LONG THANH 
Dịch vụ vẫn chưa được ưu tiên
Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Còn lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,7-6%/năm. Tổng giám đốc một NHTM cho biết để có được mức lãi vay này, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay tối đa. 

Theo đó, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các NHTM cũng giảm mạnh về mức khoảng 2-2,2%/năm, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Với NIM khá thấp như vậy, lãi suất cho vay khó có thể kéo giảm hơn nữa, nếu kéo giảm sẽ tác động đến lợi nhuận của các NHTM cũng như để đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động.
Để cải thiện cơ cấu thu nhập, vài năm gần đây các NH đã nỗ lực tăng tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ, giảm phụ thuộc vào tín dụng. Tuy nhiên, nguồn thu từ dịch vụ tăng chưa đáng kể vì sự cạnh tranh về phí dịch vụ giữa các NH khá gay gắt, cộng với các công ty fintech (công nghệ tài chính) cũng đang thâm nhập vào các dịch vụ truyền thống của NH. Do đó, tâm lý chung của các NH vẫn tập trung đẩy mạnh tín dụng để nhanh chóng đạt được những chỉ tiêu kinh doanh đề ra.

Trong bối cảnh như vậy, các NH vẫn đang cho thấy nỗ lực cải thiện thu nhập lãi theo cách riêng. Như 6 tháng đầu năm, MB ghi nhận tổng dư nợ cho vay tăng 14,6% so với đầu năm, đạt 172.678 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) tăng lên mức 84,9% so với mức 77,4% vào cuối năm 2016.
Đồng thời, NIM tăng 0,85% so với cùng kỳ lên 4,3%. Những con số này đã đẩy thu nhập lãi thuần của NH tăng đến 41,7%, đạt 5.138,6 tỷ đồng. Cùng với sự bứt phá nguồn lãi dịch vụ với mức tăng gần 137% so cùng kỳ năm trước với 661 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 2.524 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 55,7% kế hoạch cả năm. 

Còn tại VIB, do nguồn vốn phụ thuộc vào kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường nên tỷ lệ NIM giảm 0,21% so với cùng kỳ, xuống 2,8%. Nhưng để tăng thu nhập lãi thuần, VIB đã tăng tỷ lệ LDR từ mức 102% vào cuối năm 2016 lên mức 111% vào cuối quý II-2017, tăng tín dụng lên đến 15%, trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 31,6% so với đầu năm.
Điều này đã giúp thu nhập lãi thuần tăng 23,1% so với cùng kỳ, đạt 1.467 tỷ đồng, đưa lợi nhuận trước thuế của VIB tăng 24,5% so với cùng kỳ, đạt 380,1 tỷ đồng. 

Các tin khác