Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt; Dầu tăng lên cao nhất trong 4 tháng

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào thứ Sáu (5/4) sau phiên tồi tệ nhất trong hơn 1 năm của Dow Jones, khi nhà đầu tư hân hoan trước báo cáo việc làm mạnh mẽ hơn dự báo và bỏ qua đà tăng của lãi suất. Giá dầu ghi nhận mức tăng mạnh trong tuần này, khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông với việc Israel đóng cửa đại sứ quán vì mối đe doạ từ Iran.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt; Dầu tăng lên cao nhất trong 4 tháng

Dow Jones ghi nhận tuần tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay

Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 307.06 điểm, tương đương 0.8%, lên 38,904.04 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1.11% lên 5,204.34 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite thêm 1.24% lên 16,248.52 điểm.

Bất chấp đà phục hồi trong phiên, cả 3 chỉ số chính đều giảm trong tuần này. Dow Jones mất 2.27%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong năm 2024. S&P 500 sụt 0.95% trong tuần, còn Nasdaq Composite hạ 0.8%.

Vào thứ Sáu, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức tăng trưởng việc làm đạt tổng cộng 303,000 việc làm trong tháng 3, cao hơn so với dự báo tăng 200,000 việc làm từ Dow Jones. Tiền lương tăng 0.3% trong tháng trước và tăng 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái, cả 2 đều phù hợp với dự báo.

Nhà đầu tư đang bị giằng co giữa mong muốn một nền kinh tế mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp hơn nữa và mong muốn một thị trường lao động yếu hơn sẽ giúp Fed bật đèn xanh để bắt đầu hạ lãi suất.

Jamie Cox, Đối tác quản lý tại Harris Financial Group, cho rằng: “Thị trường đang bối rối là điều dễ hiểu, nhưng hoàn cảnh kinh tế cơ bản là chuỗi dữ liệu thực tế được công bố như báo cáo việc làm tiếp tục khẳng định 2 điều: tăng trưởng việc làm mạnh mẽ… và nền kinh tế không tiến gần suy thoái.”

“Vào cuối quý, thị trường tăng giá nhiều hơn mức cần thiết, vì vậy sẽ có một số áp lực bán trong tuần này”, ông Cox nói, đồng thời cho biết thêm rằng đợt bán tháo trong tuần này được đẩy nhanh do lo ngại về sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông và những bài phát biểu không nhất quán từ nhiều diễn giả Fed.

Dầu tăng hơn 4% trong tuần qua

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 32 xu, tương đương 0.37%, lên 86.91 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu Brent nhích 52 xu, tương đương 0.57%, lên 91.17 USD/thùng.

Theo đó, dầu WTI đã tăng vọt 4.5% trong tuần này, còn dầu Brent tăng 4.2%.

Israel đã đóng cửa 28 đại sứ quán trên khắp thế giới trong bối cảnh lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa từ Iran, theo nhiều báo cáo trên phương tiện truyền thông Israel. Iran đã đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công tên lửa vào lãnh sự quán nước này ở Damascus khiến 1 tướng hàng đầu của Iran thiệt mạng. Israel chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Dầu WTI và dầu Brent đã bước vào “điểm giao cắt vàng” (golden cross) trong tuần này, đó là khi đường trung bình động ngắn hạn (50 ngày) cắt lên trên đường trung bình động dài hạn (200 ngày). Nhà đầu tư thường xem điểm giao cắt vàng là dấu hiệu của động lực tích cực và khả năng tăng giá hơn nữa.

Đường trung bình động 50 ngày của dầu WTI là 79.07 USD/thùng, cao hơn một chút so với đường trung bình động 200 ngày là 79.02 USD/thùng. Đường trung bình động 50 ngày của dầu Brent là 83.74 USD/thùng, cao hơn đường trung bình động 200 ngày là 83.54 USD/thùng.

Tamas Varga, Chuyên gia phân tích tại PVM, cho biết căng thẳng địa chính trị leo thang lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc tấn công của Hamas vào dân thường Israel vào ngày 07/10/2023.

Trong khi đó, các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu thô và sản lượng.

Giá dầu thô đã tăng vọt trong năm nay với dầu WTI leo dốc gần 21.2% và dầu Brent vọt 18.3% do căng thẳng địa chính trị gia tăng và kỳ vọng thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Các tin khác