Những người chơi chim cảnh và muốn sở hữu chiếc lồng chim đẹp ở TPHCM không ai không biết đến anh Nguyễn Hoàng Châu, bởi lồng chim do anh làm ra đều đạt 3 tiêu chuẩn: đẹp, bền và sang trọng. Sản phẩm của anh “hút hồn” người sành chơi bởi độ tinh xảo, sắc nét trong từng chi tiết, từ khâu làm nan đến chạm trỗ hoa văn, làm đế… Không chỉ người chơi ở TPHCM mà khắp các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài cũng tìm đến anh đặt hàng.
Đôi tay tài hoa
Anh là Nguyễn Hoàng Châu (ngụ tại 320 đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM) được mọi người gọi với cái tên thân mật “Châu chạm”. Mọi người ngưỡng mộ “Châu chạm” bởi những nét khắc tinh xảo, những chi tiết tưởng chừng vụn vặt nhất được anh thể hiện đầy giá trị nghệ thuật trên những chiếc lồng chim nhỏ bé.
Chỉ cho tôi xem những chiếc lồng chim đang thực hiện dang dở, anh giải thích: “Nguyên liệu chính để làm lồng là tre và gỗ pơ-mu. Gỗ pơ-mu dùng làm mặt dưới của lồng cũng là nơi thể hiện tác phẩm nghệ thuật vì chúng có màu hợp với lồng tre. Còn chân lồng được làm bằng loại tre lồ ô có tuổi thọ lâu năm. Tre lồ ô thường già, có độ dẻo hơn tre khác. Chơi lâu lên nước đẹp, không bị mọt. Để có được những nguyên liệu này tôi phải lên tận Lạng Sơn, các tỉnh Tây nguyên, nhờ người dân bản địa ở đó tìm kiếm mua lại. Khi đục, khắc phải làm thật tỉ mỉ, khéo léo, uốn theo từng thớ thịt, nếu không gỗ dễ bị gãy, tác phẩm sẽ hỏng”.
Mặc dù chỉ là những chiếc lồng chim, nhưng với Hoàng Châu khi đã thực hiện anh dồn tất cả tâm huyết, niềm đam mê vào đó qua quá trình chạm trổ, uốn nắn tinh tế để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vượt lên trên giá trị sử dụng. Cũng vì thế, giới chơi chim nhà nghề thường tìm đến anh để đặt mua lồng, đôi khi chỉ cần nói đang nuôi chim gì cũng có thể mua được lồng chim phù hợp, hoặc nhiều khách hàng yêu cầu kiểu mẫu riêng.
Ngoài những chiếc lồng chim truyền thống, Hoàng Châu còn sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng lồng phong phú, theo điển tích như: Thập bát La hán (18 ông la hán), ngũ phúc dơi (5 con dơi), bát tiên (8 ông tiên). Dân chơi nếu muốn đặt những chiếc lồng mô phỏng theo hình trái cây quả đào, quả cầu, lá vả hay theo điển tích để nuôi chim gáy, anh đều đáp ứng. Dưới bàn tay của anh, mỗi chiếc lồng đều có họa tiết chạm trổ tinh xảo, để nuôi những chú chim quý hoặc đơn giản chỉ để dùng treo trong nhà hay bày biện trong những không gian sang trọng.
“Ấn tượng nhất trong mười mấy năm làm nghề của tôi là lần thực hiện tác phẩm “Ngũ phúc” bằng ngà voi cho vị khách ở Hà Nội, trị giá hơn 500 triệu đồng. Lúc đầu, tôi từ chối vì không kiếm được ngà để thực hiện. Cũng may, thông qua một người quen, tôi mua được chiếc ngà của con voi ở Đắk Lắk bị bệnh chết có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương. Tôi thực hiện tác phẩm ròng rã trong 2 năm. Khi hoàn thành, chủ nhân rất hài lòng” - anh Châu kể.
Được anh cho xem chiếc lồng tên gọi “Tam Tạng thỉnh kinh” của một vị khách ở quận 1, dù không phải dân chơi lồng chim, tôi cũng bị hút hồn bởi tác phẩm của anh. Chiều cao của lồng khoảng 1m, đường kính 8 tấc, phía trên đỉnh chạm trổ tỉ mỉ hình Đường Tăng cùng các đồ đệ đi thỉnh kinh gói gọn trong tay cầm, chân và cửa lồng… Chỉ với những mảnh gỗ nhỉnh hơn đầu ngón tay, bằng đôi tay khéo léo, anh đã thể hiện được khung cảnh hùng vĩ thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh qua những đường chạm nổi lên trên mặt gỗ.
Gian nan với nghề
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề chạm trổ, Nguyễn Hoàng Châu thừa hưởng những tinh hoa trong nghề từ ba anh, cũng là người thầy. Dù mới 36 tuổi nhưng anh đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề chạm trổ.
Anh Châu tâm sự: “Trước đây ba tôi là một nghệ nhân chạm trổ nổi tiếng ở Sài Gòn. Từ khi học lớp 5 tôi đã được làm quen với chiếc đục trong xưởng mộc của ba tôi rồi đam mê và gắn bó với nghề này từ đó cho đến nay. Lúc nhỏ, tôi thường phụ ba đục những con ốc trên ghế Louis cho khách hàng. Lâu dần, mê luôn bộ đồ nghề sắc nhỏ này lúc nào không hay. Vật đầu tiên tôi chạm cho riêng mình là cây kiếm gỗ. Chỉ với những nét khắc đơn giản hình carô trên tay kiếm nhưng bạn bè cùng xóm cứ khen đẹp, chiều nào cũng phải đem kiếm ra sân để cho ngắm”. Khi ấy, cơ sở gia đình anh làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rất đông thợ.
Anh Nguyễn Hoàng Châu đang chế tạo tác phẩm. |
Nhưng sau đó, do sản phẩm không xuất khẩu được những người thợ lần lượt bỏ nghề. Ba anh cũng bán luôn xưởng. Bẵng đi một thời gian, anh phát hiện nhiều người dân thành phố thích chơi chim cảnh. Sẵn niềm đam mê chim cảnh từ nhỏ, anh Châu nghĩ đến việc chạm trổ lồng chim để ngoài việc nhốt chim quý mọi người còn được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.
Anh thử làm chiếc lồng đầu tiên. Khó khăn đầu tiên là trước đây anh chỉ chạm trên sản phẩm diện tích lớn, trong khi lồng chim chỉ có thể chạm những nơi rất nhỏ tại đế, cửa lồng và dụng cụ đựng thức ăn cho chim…
Thế nhưng, với sự quyết tâm và tay nghề vững vàng, anh Châu đã thành công với những tác phẩm nghệ thuật trên lồng chim. Lồng chim của anh Châu chạm khắc thủ công từng đường nét nên giá bán cao nhưng khách hàng ở TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế... vẫn tìm đến. Lồng chim của anh Châu được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đặt mang sang Hoa Kỳ, Pháp.
Thắc mắc vì sao trong xưởng không có chiếc lồng nào nguyên vẹn, anh hồ hởi: “Tôi làm xong chiếc lồng nào khách đến lấy liền. Và tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng, chiếc này gối đầu chiếc kia. Dù mỗi chiếc lồng giá rất cao, trung bình 50-100 triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng tùy theo độ khó dễ khách hàng yêu cầu.
Nhiều người mới nghe qua giá vài chục triệu đồng tưởng không ai mua nổi nhưng thực tế đơn hàng rất nhiều làm không xuể. Lắm lúc cũng phải từ chối vì sợ nhận làm không kịp, mất uy tín. Để hoàn thành tôi phải mất khoảng 4-5 tháng để chạm trổ từng chi tiết nhỏ trên chiếc lồng”.
Chỉ tay vào chiếc lồng có tên “Thập bát La hán” anh cho biết một khách hàng ở Biên Hòa đặt hơn 3 tháng nay nhưng chỉ mới làm xong phần đế và đỉnh đầu. Anh Châu cho biết đang dự định chạm khắc lồng chim tái hiện lại các thời kỳ, giai đoạn lịch sử, trận đánh lớn, truyền thuyết của Việt Nam như: Lạc Long Quân-Âu Cơ, trống đồng Đông Sơn, trận đánh trên sông Bạch Đằng, danh tướng Trần Hưng Đạo…
“Ngồi tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ nhất, gian nan là thế nhưng khi thấy sản phẩm của mình làm ra được nhiều người thích và trân trọng tôi cảm thấy rất hạnh phúc” - anh Châu tâm sự.