Thực tế, việc này không đại diện cho chính sách thắt chặt tiền tệ, bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả ngành NH trong năm 2020 vẫn không đổi ở mức 14%. Hơn nữa, đây cũng là hoạt động bình thường, đặc biệt trong 3 năm gần đây NHNN đều có khuynh hướng đặt mục tiêu ban đầu về tăng trưởng tín dụng cho từng NH thấp hơn hạn mức tăng trưởng của cả ngành, sau đó NHNN sẽ đánh giá lại tình hình hoạt động nửa đầu năm của từng NH.
Điều này có nghĩa, tùy thuộc vào các chỉ số thận trọng, cũng như mức độ tuân thủ với những quy định và chính sách của từng NH, NHNN sẽ quyết định tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NH theo từng trường hợp cụ thể. Có thể tăng thêm 3-4% cho các NH mạnh như đã từng thực hiện trong 2017-2018.
Về việc hạn mức tín dụng ban đầu của từng NH được đặt ra khá thấp, nên hiểu là tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Vì thế, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH thấp hơn, trong khi vẫn cung cấp một khoản hợp lý cho các NHTM tăng trưởng và cũng cho phép NHNN duy trì việc giám sát các NH địa phương.
Nghĩa là yêu cầu các NH quản lý chặt hơn chất lượng tài sản, tuân thủ các quy định, và hỗ trợ chính sách của NHNN. Thí dụ, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu này đã được đặt ra từ trước khi bùng phát dịch Covid-19, hiện đang trở nên hành động cấp thiết được Chính phủ và NHNN kêu gọi các NH thực hiện.
Với hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu được đặt ra thấp cho các NH này (đa số là NH lớn và mạnh), có nghĩa hạn mức cho các NH nhỏ hơn có thể còn thấp hơn. Cùng với thanh khoản hiện đang dư thừa, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp giảm mức độ cạnh tranh về tăng huy động giữa các NH, đặc biệt là các NH nhỏ.
Điều này sẽ góp phần ổn định, thậm chí có thể giảm lãi suất tiền gửi, mở ra lộ trình cho các NH giảm lãi suất cho vay. Đối với hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn, các NH sẽ phải lựa chọn ngành/khách hàng tốt hơn để cho vay, giúp kiểm soát tốt chất lượng tài sản.
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng của NH, theo tôi vẫn duy trì kịch bản cơ sở là dịch bệnh có thể được kiểm soát vào cuối tháng 4-2020. Từ đó xem xét tới hành động, cũng như hướng dẫn của NHNN đối với các NH về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi tin rằng chất lượng tài sản của NH (tỷ lệ nợ xấu) sẽ duy trì tốt.
Về tăng trưởng tín dụng, ở kịch bản cơ sở, chúng ta có thể kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 ở mức 12,5-13%. Trước đó, chúng tôi cũng đã dự báo tăng trưởng trong khoảng 13-14% khi xem xét đến cho vay mảng thế chấp nhà ở và xây dựng sẽ tăng trưởng chậm lại. Mục tiêu đến cuối tháng 4 mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Trong trường hợp đó, sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho vay thế chấp tài sản, bù đắp cho nhu cầu tín dụng chậm lại trong các ngành do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Về lựa chọn CP NH để đầu tư, cách tiếp cận của chúng tôi là luôn chọn những NH có lợi thế cạnh tranh rõ ràng, có khả năng duy trì tăng trưởng, có khả năng sinh lợi trong dài hạn và khả năng “chống sốc” trong ngắn hạn. Theo tiêu chí này, trước tiên và trên hết là xem xét tỷ lệ nợ xấu (NPL) và khả năng dự phòng rủi ro nợ xấu.
Vì thế, ở thời điểm hiện tại, dù thị trường gặp nhiều bất lợi, nhưng chúng tôi vẫn khuyến nghị vào một số mã CP NH, với điều kiện NH đó phải có tài sản chất lượng và tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu tốt. Đây là tỷ lệ cho phép NH “thẩm thấu” cú sốc khi NPL tăng 100%, có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020 từ 20-26% và lợi nhuận trên vốn (ROE) từ 21-23%.
Hải Hồ (ghi)
Hải Hồ (ghi)