Lừa đảo phụ huynh 'chuyển tiền cấp cứu': Có dấu hiệu lộ lọt thông tin cá nhân nghiêm trọng

(ĐTTCO)-Tiến sỹ- Thượng tá Lê Quang Toàn, Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá, vấn đề lộ lọt thông tin của Việt Nam đang rất nghiêm trọng.
Lừa đảo phụ huynh 'chuyển tiền cấp cứu': Có dấu hiệu lộ lọt thông tin cá nhân nghiêm trọng

Thời gian gần đây, công an các địa phương liên tiếp nhận đơn trình báo của phụ huynh học sinh nhận được cuộc gọi từ đối tượng lạ tự xưng là giáo viên thông báo con, người thân bị tai nạn tại trường, đang đi cấp cứu tại bệnh viện. Các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật sau đó chiếm đoạt tài sản.

Gần đây nhất, ngày 14/3, công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của chị V.T.H (SN 1978, Hoàng Mai, TP.Hà Nội) về việc khi chị đang làm việc tại công ty ở KCN Từ Liêm thì nhận được điện thoại từ số +84707118406 tự xưng là giáo viên nhà trường đến số điện thoại cá nhân của chị. Người lạ trên thông báo con chị là cháu L.G.B đang học lớp 10A1 trường chuyên KHTN bị ngã từ tầng 3 của trường, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Tin lời đối tượng chị đã chuyển cho chúng 200 triệu đồng. Theo các chuyên gia, thủ đoạn này không phải là mới, tại sao lại có nhiều phụ huynh học sinh bị lừa.

Về vấn đề này, PV trao đổi với Tiến sỹ- Thượng tá Lê Quang Toàn, Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân.

PV: Quan sát những vụ việc phụ huynh bị lừa đảo bởi chiêu trò "con đi cấp cứu", Thượng tá có đánh giá thế nào về thủ đoạn của các đối tượng?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Theo tôi, thủ đoạn này không mới, tuy nhiên lại có rất nhiều người mắc bẫy. Thậm chí có những người đã chuyển hằng trăm triệu đồng cho các đối tượng.

Thủ đoạn này gây mất an ninh trật tự, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý phụ huynh cũng như các em học sinh. Qua đó, chúng ta thấy rằng, cần phải có ngay các biện pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

PV: Như Thượng tá vừa trao đổi, thủ đoạn này không phải mới, nhưng tại sao vẫn có nhiều phụ huynh “mắc bẫy”?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Nguyên nhân thứ nhất, xuất phát từ sự tinh vi của các đối tượng. Bởi, nó không phải thủ đoạn mới, nhưng với người mới biết thì đúng là nó rất tinh vi. Họ rất dễ dàng tin tưởng các đối tượng và thực hiện theo yêu cầu của bọn chúng.

Cụ thể, khi các đối tượng đánh đúng tâm lý của các nạn nhân, thông báo con của họ đang được cấp cứu, rất nguy hiểm đến tính mạng cần được chuyển tiền ngay để cứu các cháu. Do nóng lòng, muốn cứu con, lo cho con, các bậc phụ huynh thiếu quan sát, đánh giá, dễ dàng chuyển tiền ngay cho các đối tượng.

Nguyên nhân thứ hai, xuất phát từ chính các nạn nhân. Bởi, trong trường hợp này họ tỏ ra mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin. Một người lạ gọi điện đến cho mình, không biết họ là ai, nhưng lại sẵn sàng giao một số tiền rất lớn. Thậm chí lên tới hằng trăm triệu đồng.

Quan trọng nữa là họ thiếu kiến thức về phòng chống tội phạm, cũng như sự thiếu hiểu biết về các thủ đoạn phạm tội. Bởi, các thủ đoạn này xuất hiện trên mạng internet rất nhiều, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa rất nhiều.

Tuy nhiên, họ không tìm hiểu cũng như không nắm được các thủ đoạn đó. Cho nên, khi họ rơi vào tình trạng này, họ trở lên bị động và dễ dàng tin tưởng các đối tượng.

Nguyên nhân thứ 3, đó là sự lộ lọt thông tin cá nhân. Lộ lọt từ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, con học trường nào,…. Chính vì vậy, khi được gọi điện thoại đến, những người này dễ dàng tin tưởng đó là giáo viên của nhà trường và con mình đang bị tai nạn thật. Cho nên, họ yên tâm chuyển tiền cho đối tượng để cứu con mình.

PV: Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, Thượng tá có nói đến nguyên nhân lộ lọt thông tin của học sinh. Vậy, ông có thể chia sẻ cho độc giả biết, việc quản lý dữ liệu cá nhân của học sinh đang được thực hiện thể nào?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Tôi đánh giá vấn đề lộ lọt thông tin của Việt Nam đang rất nghiêm trọng và các chuyên gia đã cảnh báo như thế. Chúng ta có rất nhiều vấn đề về lộ lọt thông tin trên mạng internet. Ngay bản thân tôi, thi thoảng cũng nhận được cuộc gọi, anh có phải là phụ huyng của cháu này, học trường này không? Ban đầu tôi cứ tưởng cháu gặp vấn đề gì?...

Ngay sau đó, các bạn có giới thiệu, em ở Trung tâm ngoại ngữ này, trung tâm ngoại ngữ kia, có chương trình này, chương trình kia,… Tôi có hỏi tại sao lại có thông tin của tôi như vậy? Nhưng họ lảng tránh không trả lời. Thế như vậy, họ đã lấy được thông tin của tôi và khá nhiều người khác.

Có rất nhiều nguyên nhân gây lộ lọt thông tin. Ví dụ, trường học quản lý thông tin của rất nhiều học sinh, lên tới con số hàng nghìn. Trong thông tin đó, có cả thông tin của phụ huynh, zalo, địa chỉ gia đình,…Nếu như công tác quản lý thông tin này có vấn đề như: không bảo mật, bị hacker tấn công, hoặc chính người quản lý thông tin đó thiếu kỹ năng, ý thức bảo mật không cao thì hoàn toàn bị lộ lọt.

Thứ hai, từ ý thức cá nhân. Hằng ngày có rất nhiều người lên mạng xã hội, up ảnh, cập nhật thông tin,… Từ việc mình ở đâu, làm gì, số điện thoại, giấy khen của con và các thông tin khác.

Và chỉ cần xâu chuỗi lại sẽ biết được người này cư trú ở đâu, số điện thoại là gì, và con học trường nào?... Cho nên yếu tố lọ lọt thông tin cũng xuất phát từ yếu tố cá nhân nhiều.

Từ tình trạng trên, theo tôi, các cá nhân, một mặt nâng cao ý thức cảnh giác trong việc bảo mật thông tin của mình.

Thứ hai, các đơn vị lưu trữ tại trường học, cũng phải tính toán đến các phương án đảm bảo công tác bảo mật, đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức của cán bộ trong việc bảo mật thông tin đó.

Thông báo của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tới phụ huynh, cảnh giác chiêu thức lừa đảo mới.

PV: Rõ ràng lộ lọt thông tin để lại nhiều hậu quả khác nhau. Nhưng cũng từ vụ việc này, cho chúng ta thấy việc thiết lập các đường dây duy trì liên lạc giữa gia đình và nhà trường là thực sự cần thiết?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, giáo dục các em học sinh.

Thông qua các vụ việc trên, chúng ta thấy rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đó, chính là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường trong trường hợp này còn hạn chế. Cụ thể, trong trường hợp này, nếu phụ huynh liên lạc được với nhà trường, liên hệ được với cô giáo chủ nhiệm thì họ sẽ biết chính xác con mình không bị tai nạn. Con họ vẫn đang học tại trường, thì chắc chắn họ sẽ không chuyển tiền cho đối tượng.

Cho nên, từ đây cũng đặt ra yêu cầu, các nhà trường cần thiết lập được một kênh liên lạc với các bậc phụ huynh.

Cụ thể, cần thiết lập được một đường dây nóng, có 1 hoặc 2 số điện thoại, phải trực thường xuyên, để khi xảy ra trường hợp đột xuất phụ huynh có thể gọi vào đó, kiểm tra thông tin về con mình. Và kiểm tra được chính xác, liệu con mình có đang gặp nguy hiểm như vậy hay không?

Và khi phát hiện ra thông tin đó không phải là thật thì họ sẽ không bị mắc bẫy.

Thứ hai, các trường cũng nên có cơ chế cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp. Cụ thể, ví dụ như xảy ra trường hợp các học sinh bị tai nạn thì ai sẽ là người thông báo cho cha mẹ học sinh

Ở đây, theo tôi, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) của học sinh là người quyết định và quan trọng trong vấn đề này. Ví dụ, chẳng may có vấn đề xảy ra tai nạn ở trường, sau khi làm các thủ tục sơ cứu cấp thiết trước, thì GVCN thông báo cho phụ huynh. Bởi, họ có thông tin của phụ huynh, và họ biết nhau trước.

Cho nên, khi có một người có số nằm trong danh bạ điện thoại, đã biết nhau trước thì các bậc phụ huynh yên tâm đây là thông tin chính xác.

Cùng với đó, giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm phải có mối liên hệ thường xuyên trao đổi qua lại.

PV: Thông qua vụ việc này, Thượng tá có khuyến cáo cụ thể thế nào?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Thứ nhất, phải nâng cao ý thức cảnh giác, không nhẹ dạ, cả tin, tin tưởng vào những đối tượng không quen biết. Khi có số điện thoại của người lạ chúng ta không dễ dàng tin tưởng được.

Thứ hai, cần cập nhật kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống tội phạm. Đặc biệt, là những thủ đoạn liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thứ 3, bố mẹ cần quan tâm đến việc học hành của con, thường xuyên có sự giao tiếp, trao đổi với nhà trường để có thông tin cần thiết.

Về phía nhà trường, nếu thông tin lộ lọt từ nhà trường, thì trước tiên nhà trường phải có biện pháp quản lý thông tin cá nhân chặt chẽ. Ngoài ra, trên các website của các trường đó, hoặc không có website cũng cần phải có biện pháp nhắn tin trực tiếp đến phụ huynh thông qua cô giáo chủ nhiệm để cùng nhau có biện pháp phòng tránh.

PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tá!./.

Các tin khác