Nhiều quy định đất đai đã dần sát thực tế
Thông qua diễn đàn lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, TP.HCM cho rằng, ở dự thảo luật sửa đổi lần này, nhiều quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc giao đất, cấp đất cho doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế, dần được hoàn thiện.
Cụ thể, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Dự thảo cơ bản đã làm rõ hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi cần tiếp tục cụ thể hóa vấn đề giao đất.
Theo ông Thái Như Hiệp, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề vốn vay thì khi luật không còn phân biệt việc cấp đất cho dân hay cấp cho doanh nghiệp sẽ tạo rất nhiều thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, thế mạnh của từng loại đất phục vụ phát triển kinh tế: “Luật khi bổ sung, sửa mới thì nhà nước, các tỉnh có đất nông nghiệp trong quá trình quản lý sở hữu luật đất đai khi cấp đất cho doanh nghiệp thì nên cho họ quyền sở hữu đất đai đó để họ tận dụng đất đai đúng luật pháp”.
Trong quá trình lấy ý kiến, người dân cũng bày tỏ sự quan tâm, đồng thuận với các điều luật trong dự thảo, nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất… Ví dụ, Điều 67 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với Luật hiện hành có thể thấy quy định của Dự thảo có phạm vi mở rộng hơn, cụ thể hơn.
Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi. Nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề cần bảo đảm công khai, minh bạch, trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Anh Phạm Phi Long, khu phố 3, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới.
Người dân kỳ vọng Luật đất đai khi được sửa đổi khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan. (Ảnh: Nguyễn Quang)
“Việc sửa đổi cần có tính tầm nhìn dài hạn, có dự báo để tránh xung đột lợi ích, gây mâu thuẫn dẫn tới nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Qua đó, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai…”, anh Phạm Phi Long góp ý.
Góp phần nâng cao chất lượng kế hoạch sử dụng đất
Qua thực tế giải quyết nhiều vụ việc, Luật sư Huỳnh Hữu Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại. Cũng như đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai…
Người dân quan tâm nhất khi hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vai trò của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Theo Luật sư Huỳnh Hữu Nam rất nhiều vụ việc xảy ra tại địa phương đã gây thiệt hại không nhỏ cho cả người dân, chính quyền. Trong đó, vụ việc hàng trăm hộ dân gửi đơn kêu cứu nhiều năm liên quan tới vấn đề đền bù tái định cư thuộc dự án mở đường giao thông ở phường 5, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là một điển hình.
Vai trò của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất cần được nâng cao. (Ảnh: Nguyễn Quang)
“Bà con chỉ biết là nộp thuế phi nông nghiệp hàng năm đầy đủ. Tuy nhiên, khi nhà nước thu hồi đất mở sổ ra thì lại không có phần đất ở nào. Áp giá đất cho người dân theo đất nông nghiệp là phi lý. Quan trọng là không xem xét tái định cư cho người dân. Cũng đề nghị nhà nước phải quan tâm điều chỉnh để bà con sớm an cư lạc nghiệp ổn định cuộc sống”, Luật sư Huỳnh Hữu Nam nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục hướng tới hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Luật cũng cần quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, và bỏ đất hoang...
Nhằm giúp các địa phương nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ông Phan Minh Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An cho rằng, quá trình sửa đổi cần cụ thể vấn đề bảng biểu giá đất đối với từng địa phương, vùng miền: “Bảng giá đất này sẽ là căn cứ để tính tất cả các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, kể cả thu hồi đất, cũng như giao dịch của người sử dụng đất. Còn tùy từng nơi, nhưng cụ thể thì nên giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh để cho phù hợp với địa phương”.
Đông đảo người dân mong muốn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi hoàn thiện, thông qua và triển khai phải thống nhất thông tin, dữ liệu từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực để việc thực thi được hiệu quả, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội.