Luật sư “từ thiện”

Mở công ty nhiều năm nay, luật sư Nguyễn Thế Tân (ảnh), Giám đốc Công ty Luật Đắc Tâm, không chủ trương tìm kiếm lợi nhuận mà chủ yếu thỏa mãn ham muốn giúp đời, giúp người. Nhiều người dân sau khi được luật sư Nguyễn Thế Tân giúp đỡ tìm lại “chân lý” đã đồn đại công ty luật của anh là “công ty luật từ thiện”. ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Thế Tân về những trải nghiệm thú vị trong quãng thời gian hành nghề của anh.

Mở công ty nhiều năm nay, luật sư Nguyễn Thế Tân (ảnh), Giám đốc Công ty Luật Đắc Tâm, không chủ trương tìm kiếm lợi nhuận mà chủ yếu thỏa mãn ham muốn giúp đời, giúp người. Nhiều người dân sau khi được luật sư Nguyễn Thế Tân giúp đỡ tìm lại “chân lý” đã đồn đại công ty luật của anh là “công ty luật từ thiện”. ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Thế Tân về những trải nghiệm thú vị trong quãng thời gian hành nghề của anh.

PHÓNG VIÊN: - Xin anh cho biết vì sao Công ty Luật Đắc Tâm lại hay làm “từ thiện”?

-Luật sư Nguyễn Thế Tân: - Khi còn bé, mỗi lần tôi làm sai việc gì thường cha mẹ rất ít khi đánh tôi bằng đòn roi mà hay giáo dục bằng cách chỉ ra tôi vi phạm nguyên tắc nào trong câu chuyện đó. Những lần như vậy tôi thật sự “tâm phục, khẩu phục”.

Sau những lần như thế, tôi hiểu rằng cuộc sống vốn dĩ đã có những nguyên tắc, những quy định của nó. Nếu chúng ta hiểu và biết vận dụng những nguyên tắc, quy định đó một cách phù hợp thì sẽ ít phạm sai lầm hơn và mình sẽ ít gặp rắc rối hơn. Mặt khác, qua những câu chuyện kể, qua phim và sách báo… tôi nhận thấy rằng, có những người không cần sức mạnh, sự giàu sang hay có nhiều quyền lực vẫn có thể hỗ trợ giúp đỡ cho người khác bằng những lý lẽ trong cuộc sống, bằng những kiến thức pháp luật và giải quyết các mâu thuẫn một cách triệt để, bền vững, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Vì thế, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã có tình yêu với nghề luật và ước mơ sau này sẽ làm luật sư để có thể giúp đỡ cho mọi người.

Tôi không dám nhận mình hay công ty là một công ty chuyên làm “từ thiện”. Cách làm của chúng tôi chỉ từ thiện với những người cần từ thiện, với những người có khả năng về tài chính chúng tôi vẫn tính phí bình thường để duy trì hoạt động lâu dài và bền vững. Một phần phí này chúng tôi dùng để hỗ trợ từ thiện cho những người nghèo.

- Có phải mục tiêu của anh là mang công bằng đến cho mọi người?

- Theo quan điểm của tôi, công bằng chỉ là một khái niệm chung chung, bởi việc gì đúng, việc gì sai tùy vào nhận xét của mỗi người. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự “phù hợp” trong từng trường hợp là cần thiết. Thí dụ, có một anh nọ đến văn phòng gặp tôi nhờ tư vấn pháp luật về thừa kế di sản, sau khi được tư vấn về các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật xong, anh ta nhờ tôi kiện cha mình để chia di sản của mẹ anh đã qua đời để lại trong khối tài sản chung của cha mẹ anh ta mà tài sản là căn nhà duy nhất cha anh đang sống với vợ chồng anh không quá 100m2.

Trường hợp này, về luật pháp anh được quyền yêu cầu chia di sản của mẹ anh để lại, tuy nhiên về đạo đức việc anh đòi kiện cha mình là khó có thể chấp nhận, tôi tư vấn cho anh ta không nên làm như vậy, hãy phụng dưỡng cho tốt cha mình rồi căn nhà đó sẽ thuộc về anh trọn vẹn, anh nghe ra và cuối cùng thôi không đòi kiện nữa.

- Thời gian tới, đối tượng khách hàng anh hướng đến là ai?

- Trong quá trình hành nghề, tôi đặc biệt quan tâm đến 2 thành phần: Thứ nhất là người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, người dưới 18 tuổi. Thứ hai là giới doanh nhân, DN. Với thành phần thứ nhất, do cuộc sống khó khăn nên suốt ngày hầu như họ chỉ lo đến cái ăn, cái mặc là chính. Thời gian để họ tìm hiểu và điều kiện để họ tiếp xúc với các quy định của pháp luật rất hiếm.

Do đó, nhận thức pháp luật của họ rất hạn chế, khi có vấn đề tranh chấp xảy ra họ không biết đâu là quyền, đâu là nghĩa vụ. Cho nên tôi có chương trình hỗ trợ pháp lý cho họ với nhiều hình thức như thứ 5 hàng tuần tôi dành một ngày để tư vấn, giúp đỡ miễn phí tại văn phòng công ty. Tôi còn liên hệ với các xã vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ tuyên truyền pháp luật cũng như hỗ trợ pháp lý kịp thời.

Khi người dân có việc cần, chính quyền xã sẽ liên lạc với tôi để giúp đỡ họ. Một hình thức nữa là tôi đăng ký làm cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh Tây Ninh để có điều kiện tham gia hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng này.

Với các doanh nhân, DN, vì quá bận rộn công việc sản xuất kinh doanh hàng ngày nên thời gian để họ nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật cũng hạn chế, khiến không ít trường hợp bị xâm phạm quyền lợi hay vô tình xâm phạm lợi ích của người khác mà không biết.

Do đó, tôi đặc biệt quan tâm đến đối tượng này để tư vấn, giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực họ đang làm để giúp họ vận dụng vào công việc của mình một cách phù hợp, nâng cao được giá trị, uy tín của DN, tránh được những rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể. 

- Các hợp đồng “không đồng” có khiến chi phí hoạt động của công ty gặp khó khăn?

- “Có thực mới vực được đạo” - đúng như vậy. Nếu mình còn không giúp được mình thì mong gì giúp được ai? Lúc thành lập công ty, để thực hiện mơ ước của mình tôi đã chuẩn bị trước hết là “thực” nên khi thực hiện các hợp đồng “không đồng” cho đến bây giờ không có gì trở ngại.

Chúng tôi không phải chỉ chuyên làm từ thiện nên cũng có nguồn thu. Mẹ tôi từng dạy rằng: “Cho đi càng nhiều, con được càng nhiều”. Vì vậy, thời gian qua tôi vẫn cảm thấy tôi được nhiều hơn cho.

Và tôi nghĩ rằng công ty bền vững hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tiền không phải là yếu tố quyết định tính bền vững. Tôi chỉ lo mình không giúp gì được cho mọi người mà thôi.

- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác