Lực lượng lao động Việt Nam đang già hóa, bình quân 41 tuổi

(ĐTTCO) - Ngày 26-4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động.
Kết quả, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh sang những công việc mang tính ổn định, bền vững hơn...
Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm đã tăng nhiều so với trước.
Lực lượng lao động Việt Nam đang già hóa, bình quân 41 tuổi ảnh 1
Tuy vậy, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động. Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu, trong khi đó lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.
Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4 (chỉ cao hơn Indonesia và Lào).
Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Năm 2019 tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.
Do đó, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động qua đó thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, về chính sách tiền lương cho người lao động và về phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Các tin khác