Trong bối cảnh này, với mong muốn xây dựng hành lang pháp lý khoa học, chặt chẽ, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định về quản lý, tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, sự lúng túng, chưa phân định rõ các loại hình lễ hội trong dự thảo, đã khiến các điều khoản quy định thiếu sức thuyết phục.
Nhiều quy định chưa rõ
Nghị định quy định về quản lý, tổ chức lễ hội ra đời vào thời điểm này xuất phát từ thực trạng các vấn đề diễn ra ở nhiều lễ hội từ trước đến nay gây phản cảm ở các mức độ, cách hiểu lệch lạc về lễ hội. Đây là những quy định cần thiết đối với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo đó phải có chế tài quản lý, văn bản luật, hành lang pháp lý chặt chẽ để các lễ hội diễn ra đúng mục tiêu đã định, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. Nghị định sẽ là khung pháp lý cụ thể giúp nhà quản lý văn hóa các cấp bớt lúng túng triển khai quản lý, tổ chức lễ hội phù hợp với thực tiễn địa phương.
Điểm mới của việc quản lý lễ hội được các cơ quan quản lý nhà nước phân cấp mạnh mẽ hơn, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống cho UBND các địa phương. Điều này chưa từng được đề cập đến trong các văn bản đã ban hành trước đây về tổ chức, quản lý lễ hội. Một nội dung cũng được nhiều người quan tâm là việc đăng ký và tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội.
Cụ thể, các lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề quy mô cấp quốc gia hoặc cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức định kỳ hàng năm phải được thông báo cho Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch trước khi tổ chức. Các lễ hội truyền thống có quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề quy mô cấp tỉnh diễn ra định kỳ cần phải thông báo với UBND cấp tỉnh.
Người tham gia lễ hội phải tuân thủ nội quy, quy định của ban quản lý, ban tổ chức lễ hội; đặt tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao, hồ; cài tiền lên tay tượng và các hành vi phản cảm khác. Đặc biệt, người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội, trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng cần phải xác định rõ đối tượng điều chỉnh của nghị định là lễ hội mới, lễ hội du nhập hay lễ hội truyền thống, làng xã… để có những quy định phù hợp. Nếu quy định về lễ hội chung chung như vậy sẽ không tránh khỏi những lúng túng trong việc thực hành, đặc biệt đối với loại hình lễ hội truyền thống đã tồn tại trong cộng đồng nhiều đời nay.
Phát triển các lễ hội dân gian nhằm bảo tồn di sản của cha ông để lại.
Tránh can thiệp quá sâu
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc quản lý lễ hội cần hết sức cẩn thận khi đề cập đến việc loại bỏ, thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Bởi lẽ, trên thực tế việc áp đặt mệnh lệnh hành chính với những thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt trong sinh hoạt tín ngưỡng rất khó.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản lý Nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính quốc gia, chia sẻ: “Khung pháp lý của việc quản lý lễ hội vừa đưa ra không quy định rạch ròi với từng loại hình lễ hội, mà cần là khung quy định chung. Trong quá trình thực hiện, các nhà quản lý phải vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Thí dụ, với các lễ hội truyền thống, diễn ra định kỳ hàng năm không cần thiết phải xin phép tổ chức, nhưng cũng nên thông báo để cơ quan quản lý biết đến chương trình, kịch bản của lễ hội. Việc này góp phần tránh sự can thiệp, điều chỉnh, làm sai lệch mục tiêu lễ hội”.
GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng văn bản nhà nước không thể hiện cẩn thận sẽ dễ bị hiểu nhầm là cấm đoán, áp đặt, gây phản ứng trong cộng đồng. Cái cốt yếu nằm ở cách làm, văn hóa dân gian cần được hiểu đúng và thực hiện đúng tinh thần sẽ tránh được phản cảm. Dư luận vừa qua sôi sục với lễ hội chọi trâu, đâm trâu, chém lợn nhưng hầu hết mọi người mới nhìn thấy cái bề nổi của nó mà không hiểu được bản chất của sự việc. Và nếu việc quản lý tạo thành một vùng cấm cho các lễ hội dân gian sẽ dẫn đến việc bảo tồn di sản của cha ông trở nên khó khăn.
Với một lĩnh vực rộng như lễ hội, cần có định nghĩa lễ hội, song các quy định mới hoàn toàn bỏ qua phần định nghĩa. Cần xác định rõ đối tượng điều chỉnh là lễ hội mới, lễ hội du nhập hay lễ hội truyền thống, làng xã để có những quy định phù hợp. Việc không phân định rõ sẽ xảy ra tình trạng lễ hội làng xã cũng phải cấp phép, như vậy vô hình trung sẽ tạo nên sự rườm rà về thủ tục cho những hoạt động được coi là di sản văn hóa quần chúng. TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam |