Lúng túng xác định tiêu chí hàng Việt Nam

(ĐTTCO)-Ngày 27-9, tại TPHCM, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. 
Lúng túng xác định tiêu chí hàng Việt Nam
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, cho tới nay Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy định một sản phẩm như thế nào được xem là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại. Với hàng hóa lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”. Vì vậy, nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. 

Do đó, sau 1 năm trao đổi với các bộ, ngành về cơ sở pháp lý, Bộ Công thương đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức thông tư. Thông tư này đưa ra chuẩn mực, có thể soi vào đánh giá với hàm lượng, quy trình sản xuất, để giúp doanh nghiệp có thể tự tin dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay chưa.

Theo chuyên gia Nguyễn Duy Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, dự thảo thông tư quy định hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam, làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, thì được coi là hàng hóa Việt Nam. “Vậy trong trường hợp đặc thù một số ngành hàng nhập khẩu toàn bộ linh kiện, phụ tùng rồi về lắp ráp công đoạn gia công, chế biến cuối cùng thì có được xem là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam?”, ông Nam đặt vấn đề. 

Đại diện một doanh nghiệp khác nêu thắc mắc: “Điều 10 Chương 3 quy định, các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Nhưng dự thảo thông tư không quy định trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa của ai?”.

Ngoài ra, một trong những tiêu chí được các đại biểu quan tâm là “Hàm lượng giá trị gia tăng - VAC” để xác định hàng Việt lại không được thể hiện trong dự thảo thông tư. Giải thích vì sao không đưa ra con số VAC phần trăm cụ thể, ông Trần Thanh Hải cho biết nhằm để “linh hoạt” khi đánh giá, xác định từng sản phẩm, hàng hóa đặc thù cụ thể. Bởi hiện nay, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, một số nội dung trong dự thảo thông tư chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, do đó cần được xem xét lại một cách thận trọng hơn theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng khi đi vào thực tế.

Các tin khác