Gần 3 năm thi công và tiêu tốn hơn 31 tỷ đồng ngân sách, cầu cảng mới tại xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi đang lộ rõ những bất cập trong thiết kế, khi không thu hút được tàu thuyền cập cảng.
Sợ lật khi vào cảng
Đang cuối mùa đi biển, tàu thuyền của huyện Lý Sơn gần như neo bờ. Thế nhưng, cầu cảng Lý Sơn - nơi trước đây các phương tiện và ngư dân tấp nập kéo về xôm tụ - chỉ lèo tèo vài ba chiếc tàu cá.
Loay hoay vật lộn, chống chọi một hồi lâu với những con sóng dữ cứ liên tiếp ập tới, cuối cùng ngư dân Nguyễn Thanh Long ở thôn Tây, xã An Vĩnh, chủ tàu cá QNg 10595 TS hành nghề vây rút chì cũng đưa được tấm lưới từ tàu lên mặt cảng.
Gió lạnh, nước biển bắn xối xả, nhưng khuôn mặt ông Long lại đỏ gắt, nói cộc lốc: “Tưởng rằng sửa chữa xong cầu cảng, tàu thuyền sẽ quay về bến cũ, nơi neo đậu an toàn trước đây, không phải đi xa, không phải chạy vào đất liền nữa. Vậy mà từ ngày cảng đưa vào sử dụng đến nay chỉ lèo tèo một vài tàu thuyền vào trú tránh khẩn cấp khi có gió lớn và cũng vào một lần rồi… mất hút vì quá nguy hiểm do sóng trong lòng cảng quá lớn”.
Cơn bão số 9 quét qua huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hồi năm 2009 đã đánh sập toàn bộ mặt cầu cảng hình chữ T tại xã An Vĩnh - nơi giao thương hàng hóa và vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo và ngược lại. Để khắc phục, tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Lý Sơn trên 31 tỷ đồng làm cảng mới. Sau gần 3 năm thi công, cảng mới khiến ngư dân và giới chủ tàu thất vọng.
Cầu cảng cá trên đảo Lý Sơn vắng bóng tàu thuyền. |
“Chúng tôi không biết họ thiết kế kiểu gì mà từ ngày đưa vào sử dụng đến nay không thể cho tàu vô neo đậu được. Cảng cũ khi chưa bị bão tàn phá có hệ thống tiêu sóng tốt, nên dù gió cấp 6 cấp 7 tàu thuyền vẫn có thể neo đậu, nhưng nay sóng cấp 4 cấp 5 là không dám đưa tàu vào vì nếu bất cẩn sóng biển sẽ đánh bể tàu” - ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ tàu cá ở thôn Tây, xã An Vĩnh, than trong lúc đang cố gắng mở những mối dây neo để đưa con tàu của mình tránh những con sóng dữ tại cảng.
Thời điểm này, tuy thời tiết thuận lợi nhưng mỗi ngày tại cầu cảng chỉ có vài tàu thuyền công suất nhỏ của ngư dân địa phương ra vào để vận chuyển ngư cụ. Tàu chở khách, tàu vận tải và hàng trăm tàu cá công suất lớn không dám ra vào neo đậu tại đây vì sợ bị sóng biển nhấn chìm bất cứ lúc nào, phải tìm nơi neo đậu ở cảng tạm tại xã An Vĩnh, xa hơn cầu cũ khoảng 6km, tiêu tốn thêm thời gian và chi phí đi lại.
Không phù hợp thực tế
Dự án sửa chữa cầu cảng cá Lý Sơn do UBND huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư, CTCP XD Thành An 96 thi công. Theo kế hoạch, công trình được hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, do thi công chậm nên mãi đến tháng 10 năm nay mới xong.
Sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, cầu cảng Lý Sơn lộ dần những bất hợp lý trong khâu thiết kế khi tàu vận tải, tàu chở khách và tàu cá của ngư dân không thể neo đậu tại đây như những năm trước. Do chức năng của hệ thống đệm chống va đập bị hạn chế, hệ thống phá sóng không đáp ứng nên mỗi khi sóng lớn đánh vào bị cản lại, lực dội ra rất mạnh gây nguy hiểm cho tàu thuyền.
Ông Võ Minh Thánh - Giám đốc BQL cảng cá Lý Sơn nhận định: “Do thiết kế không sát với thực tế vị trí địa lý, vì cầu cảng vĩnh cửu như thế này chỉ có thể áp dụng tại các cửa sông, lòng hồ hay vịnh chứ ở nơi chơi vơi ngay giữa biển như tại đây thì không thể áp dụng được. Chúng tôi đã kiến nghị tình hình trên với các cơ quan chức năng”.
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho rằng vì thiết kế thân cảng là thân đặc, có độ bền và tuổi thọ cao để chịu được sóng trên cấp 12, nên khả năng tiêu sóng không cao như cầu cũ là đương nhiên (cầu cũ thân rỗng, sóng biển đánh vào có thể luồn qua các khe).
“Trước khi thi công, chúng tôi đã mời các đơn vị chuyên môn của Sở GT-VT Quảng Ngãi góp ý cùng với đơn vị tư vấn, thiết kế của liên danh 2 công ty thuộc Trường đại học GT-VT TPHCM. Đơn vị thi công đã thực hiện đúng như thiết kế, trong biên bản bàn giao các đơn vị liên quan cũng đã xác nhận”- ông Nguyên cho biết.
Để tránh thiệt hại cho người dân, UBND huyện Lý Sơn đã thông báo kể từ ngày 11-11-2011 đến hết tháng 2-2012, tất cả phương tiện tàu chở khách, vận chuyển hàng hóa sẽ chuyển địa điểm từ cầu cảng cá Lý Sơn (An Vĩnh) xuống vũng neo trú tàu thuyền An Hải để tiện việc ra vào bến của các phương tiện và an toàn cho hành khách khi đi lại trên tuyến giao thông Lý Sơn - Sa Kỳ trong mùa mưa bão.
"Về những kiến nghị của bà con ngư dân, sắp tới chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn giám sát để kiểm tra, đánh giá lại để có hướng xử lý. Trường hợp nếu hệ thống chống va đập không đảm bảo yêu cầu như thiết kế, hoặc như thiết kế mà không phù hợp sẽ phải thay thế bằng hệ thống khác. Với khả năng tiêu sóng của cầu cảng, nếu ảnh hưởng đến ngư dân nhiều, thì phải bổ sung hạng mục để tiêu, phá sóng” - ông Nguyên nói.