Chờ đợi thương vụ “khủng”
Không chỉ vụ M&A nói trên, thị trường cũng đang ngóng thêm một thương vụ “khủng” hơn vào cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là đầu năm 2020. Đó là Vietcombank chào bán 6,5% cổ phần, tương ứng với gần 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng). Thương vụ được đánh giá sẽ diễn ra thuận lợi vì hiện ngân hàng này được rất nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm.
Bởi lẽ, Vietcombank là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam (Big 4), luôn dẫn đầu lợi nhuận với con số lên đến chục ngàn tỷ đồng và dự kiến trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên cán mốc lợi nhuận tỷ USD vào cuối năm nay.
Với VietinBank, do room vốn ngoại không còn nhiều nên VietinBank đã đề xuất được thí điểm giảm sở hữu nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020, để tăng vốn. Thời gian qua, cổ đông chiến lược của VietinBank là Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cũng liên tục bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần mới, nhằm nâng tỷ lệ góp vốn vào VietinBank từ mức gần 20% hiện nay lên 50%.
Không chỉ các NHTM cổ phần nhà nước mà các NHTM tư nhân cũng hấp dẫn vốn ngoại không kém. NCB gần đây liên tục làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Singapore cho đợt phát hành tăng vốn điều lệ sắp tới.
Cùng với đó, sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các NHTM yếu kém trong nước, không ít nhà đầu tư của các nước trong khu vực liên tục đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và ngỏ ý tham gia tái cơ cấu các ngân hàng Việt. Cụ thể, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là J Trust tỏ ý muốn tham gia tái cấu trúc CCBank, nhà đầu tư của Singapore cho biết muốn mua lại NHTM trong diện tái cơ cấu Ocean Bank…
Lý giải về việc thị trường kỳ vọng M&A ngân hàng sẽ “dậy sóng” thời gian tới, lãnh đạo một quỹ đầu tư của Mỹ tại Việt Nam cho rằng, hiện nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn cấp một (vốn chủ sở hữu) của các NHTM rất lớn và thị trường ngân hàng Việt Nam lại rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nên cung - cầu sẽ gặp nhau, hứa hẹn có nhiều thương vụ M&A đình đám trong ngành ngân hàng.
“Việc Chính phủ Việt Nam không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020, cộng với NHNN Việt Nam đang có lộ trình giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh cũng là những lý do khiến M&A ngành ngân hàng sẽ sôi động hơn trong thời gian tới”, vị này cho hay.
Sáp nhập ngân hàng yếu kém
Theo Đề án Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020, bên cạnh các ngân hàng yếu kém và kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng nhỏ cũng cần tái cấu trúc. Hiện có khoảng 9 NHTM nhỏ, có vốn điều lệ thấp hơn 4.000 tỷ đồng. Các NHTM có thể tự chọn các phương án như tìm cổ đông mới, hoặc phải tăng vốn và trong trường hợp cuối cùng sẽ phải sáp nhập với ngân hàng khác.
Thực tế cho thấy, các NHTM nhỏ nhiều năm qua đã có kế hoạch tăng vốn nhưng chưa mấy ngân hàng thực hiện được. Mới đây, GPBank - một trong 3 ngân hàng được NHNN mua bắt buộc với giá 0 đồng 4 năm trước - đã phải thông báo chính thức trên trang web của mình về việc tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực tham gia cơ cấu lại GPBank.
Riêng NHTM bị kiểm soát đặc biệt DongA Bank, tại đại hội cổ đông vào tháng 10-2019, các cổ đông đã không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ nhằm đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng, theo yêu cầu của NHNN. Do vậy, HĐQT DongABank phải báo cáo với NHNN để xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, M&A vẫn là giải pháp phù hợp cho các NHTM nếu không thể tự tái cơ cấu. Tuy nhiên, để M&A trong lĩnh vực ngân hàng sôi động, qua đó giúp đẩy mạnh việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn tới, Chính phủ cần sớm sửa đổi, hoàn chỉnh các luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng…) để tháo gỡ các vướng mắc, xóa bỏ chồng chéo, cắt giảm chi phí thủ tục tham gia thị trường, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Nhất là các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động M&A cần phải rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với NHTM yếu kém, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết nhằm xử lý các khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, giá bán không được thấp hơn mức giá tổ chức tư vấn định giá, không được thấp hơn giá thị trường, phải được kiểm toán nếu cần. Từ thời điểm bắt đầu đàm phán cho đến thời điểm chốt giá thì giá thị trường có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi, làm phá vỡ kế hoạch tài chính của đối tác nước ngoài, dẫn đến khó thương lượng. Do đó, quy định trên cần sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút khối ngoại. TS CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV |