Trong những ngày gần đây, hàng chục hộ dân người Mông ở huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa “sập bẫy” đầu tư tiền ảo đa cấp với những lời hứa hẹn “có cánh” như chỉ cần bỏ ra 5-6 triệu đồng đầu tư thì cuối năm sẽ nhận về từ 100-200 triệu đồng.
Hay như trên địa bàn tỉnh Sơn La, chỉ tính riêng huyện Sốp Cộp, đã có hơn 100 hộ dân đầu tư tiền thật mua tiền ảo với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng, nhưng rồi cũng… trắng tay.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, mấy tháng qua, Công an đã tiếp nhận hơn 30 đơn trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các sàn giao dịch tiền ảo. Câu chuyện về đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp đã diễn ra “âm thầm” từ nhiều năm nay với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhưng điều đáng nói là loại tội phạm này đã len lỏi đến tận các bản làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, gây nhiều hệ lụy.
Liên quan đến vấn đề này, PV trao đổi với Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar.
PV: Thời gian gần đây, những vụ lừa đảo người dân đầu tư tiền thật mua tiền ảo trên các trang web, các sàn giao dịch ảo với những lời mời có cánh như sinh lời cao, hay lãi lên tới vào chục %/năm. Nhưng thực tế, lãi không thấy đâu, tiền thì mất thật. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức: Trong thực tế, các hình thức lừa đảo đều khai thác điểm yếu của con người như sự nhẹ dạ cả tin, thương người và cả lòng tham. Lừa đảo tiền ảo đã xuất hiện ở các thành phố cách đây một thời gian. Trong thời gian này, đã có nhiều vụ được cảnh báo, và nhiều người ở các khu đô thị cũng đã nhận biết được vấn đề.
Như vậy, những kẻ lừa đảo này không thực hiện được ở những khu vực đô thị, nên đã có một sự dịch chuyển tới những vùng sâu, vùng xa hơn, nơi người dân chưa thực sự tiếp xúc nhiều với thông tin, kịch bản, công nghệ mới.
Đặc biệt, khái niệm tiền ảo rất khó hiểu, và lãi suất có thể lên đến 10 lần. Người ta có thể nhìn những tài khoản của mình trên điện thoại, trên máy tính. Và những thông số đấy hoàn toàn có thể bị làm thay đổi bởi những kẻ thao túng ở phía sau, dẫn tới người dân chưa đủ tỉnh táo và chưa có đủ kiến thức nên dễ dàng bị lóa mắt trước các thủ đoạn của kẻ xấu.
PV: Như ông phân tích, người dân vùng sâu, vùng xa, họ chưa có điều kiện để tiếp cận được với công nghệ mới, qua đó có thể nhận diện được như thế nào là tiền ảo và cách thức lừa đảo như thế nào?
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức: Đây là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng, do đó hình thức dễ nhận thấy là kẻ xấu cung cấp cho chúng ta những website, hay app trên điện thoại, người sử dụng (nạn nhân) được cung cấp cho các tài khoản.
Nhưng thực chất, hệ thống này đều bị thao túng bởi những kẻ đứng đằng sau. Do đó, số liệu hoàn toàn có thể thay đổi được. Lãi suất nhìn thấy trên website hoặc app đều là con số ảo.
Lần đầu tư đầu tiên có thể chỉ là con số vài triệu đồng, ngay lập tức sau đó một thời gian ngắn có thể rút được lãi suất. Sau khi thành công, vì hám lợi, chúng ta có thể đầu tư, hoặc đi vay đầu tư nhiều tiền hơn thì sẽ bị mất tài khoản. Tôi lấy ví dụ kịch bản lừa đảo tại địa phương như sau.
Bước một, nhà đầu tư, tức là chính là những nạn nhân chuyển tiền cho trưởng nhóm để nộp vào sàn. Sau đó trưởng nhóm, chính là những kẻ đi lừa đảo, hoặc bị lợi dụng lừa đảo, gửi lại thông tin tài khoản chúng ta. Chúng ta có thể xem thông tin trên đấy.
Mỗi sàn lừa đảo có một nhóm, gọi là Ban Chuyên gia, chuyên đi đầu tư giúp cho chúng ta. Ban Chuyên gia này thực hiện các giao dịch và sau khi giao dịch thành công, lợi nhuận mà chúng ta nhìn thấy là tiền được chuyển về tài khoản của mình. Đấy là cái các bước của quy trình lừa đảo.
Vì chúng ta chỉ nhìn thấy số tiền trên app hoặc web, nên cũng không biết thực tế đằng sau đó là gì?. Thực tế, các nhóm môi giới, mời gọi người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, lợi nhuận hứa hẹn cao, có thể là vài chục % một tháng. Các dấu hiệu liên quan đến cả đa cấp.
Tức là, người này giới thiệu người sau và họ được thêm lợi nhuận của những người sau. Hình thức đầu tư thì không rõ ràng, chủ sàn thực chất có thể can thiệp vào phía sau hệ thống, giai đoạn đầu có thể chúng ta lãi, nhưng giai đoạn sau chúng ta lỗ và mất trắng tiền.
PV: Theo ông thời gian tới, người dân vùng sâu, xa, có thể họ sẽ tiếp tục là nạn nhân của cách thức lừa đảo tiền ảo mới không?
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức: Tất nhiên những hình thức lừa đảo chỉ thực hiện được 1,2 lần tại một địa phương. Hết địa phương này, nó sẽ chuyển sang địa điểm khác. Bản chất do người dân chưa có kinh nghiệm để đối phó với những thông tin đó và cũng chưa có kiến thức về tiền ảo.
Một điều nữa, ngoài việc chúng ta chưa có đủ thông tin thì lợi dụng tính đa cấp của việc mời gọi đầu tư này, sẽ dẫn đến chính người dân chủ động đi lôi kéo họ hàng, bạn bè, người thân, hàng xóm xung quanh tham gia mà ngay cả người đi mời gọi cũng không biết đó là lừa đảo, mà mục đích chỉ nhằm tăng lợi nhuận cho mình.
Khi đã tạo thành một mạng lưới, chính chúng ta cuối cùng lại trở thành người đi lừa bạn bè, người thân của mình. Dẫn đến số người ở vùng cao nghe theo rất dễ dàng.
Thậm chí có thể một vài người có uy tín ở địa phương tham gia vào đường dây này và dễ dàng lôi kéo người khác tham gia. Đó chính là hai yếu tố khiến người dân ở vùng hẻo lánh dễ bị lừa đảo.
PV: Theo ông, việc thiếu những quy định liên quan đến tiền ảo có phải là nguyên nhân khiến cho tình trạng lừa đảo tiền ảo đa cấp vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian vừa qua ?
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức: Theo tôi, việc xử phạt các đối tượng lừa đảo thực ra cũng đã có những quy định liên quan, dù là tiền ảo nhưng thực chất vẫn là lừa tiền thật. Thực tế, trên các phương tiện thông tin truyền thông, chúng ta thấy cũng có khá nhiều các vụ xử lý trường hợp điển hình một nhóm tội phạm này.
Tuy nhiên, việc cốt lõi của tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra, vẫn nhiều người bị lừa, thì bản chất nằm ở việc cần nâng cao nhận thức của người dân đối với các thủ đoạn lừa đảo mới.
Có thể 1,2 năm nay thì nó sẽ là tiền ảo nhưng sau đấy là những hình thức khác. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian hơn trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Thậm chí, có thể đòi hỏi sự tham gia tuyên truyền nhiều bên từ Trung ương đến các cấp địa phương.
PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông có thể cho biết hoạt động này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho xã hội?
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức: Những nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa, họ không có nhiều tiền khi bị lừa thì sẽ dẫn đến cảnh bị cạn kiệt tài sản. Thậm chí họ có thể đi vay bạn bè để đầu tư và trở thành con nợ.
Khi bị mất hết tiền, có thể dẫn tới tình trạng túng quẫn, mà chúng ta rất khó lường được những việc gì có thể xảy ra đối với hộ gia đình, cá nhân. Đó là chưa kể đến trong cộng đồng, địa phương, các chiêu thức lừa đảo có tính chất đa cấp.
Tức là chính chúng ta đi lừa nhau, dẫn đến xung đột giữa những người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Về sau thì mối quan hệ rất khó trở lại bình thường như trước.
Vấn đề thứ ba, tiền ảo không phải là vấn đề xấu nhưng chưa có quy định rõ ràng và có nhiều hình thức lừa đảo trong việc đầu tư này. Dẫn đến sự e dè của người dân sau với những công nghệ, giao dịch mới, qua đó hạn chế với tốc độ tăng trưởng và phát triển về mặt công nghệ cũng như các giao dịch tài chính thế hệ mới ở Việt Nam
PV: Theo ông, chúng ta cần thiết phải sớm có những quy định pháp lý để có thể điều chỉnh các hoạt động và giám sát hoạt động tiền ảo, thậm chí là các quy định này phải đi trước một bước để tạo điều kiện cho công nghệ phát triển?
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức: Qua thực tế tôi nghĩ để giải quyết vấn này, chúng ta cần thực hiện 3 hướng. Thứ nhất là vấn đề pháp lý và thực thi các quy định về pháp lý. Đầu tiên các cơ quan chức năng cần hoàn thiện sớm các quy định về tiền ảo, về đầu tư.
Chúng tôi thấy đề tài nghiên cứu của chúng ta về những quy định này đến tận năm 2023, tức là khoảng 2 năm nữa, như vậy khá chậm so với sự bước tiến phát triển của tiền ảo.
Tiếp theo là các quy định liên quan đến xử lý tội phạm lừa đảo, đặc biệt là đối lừa đảo trực tuyến. Mặc dù đã có ở Luật Hình sự, nhưng việc xử lý những tội phạm này cần răn đe nghiêm khắc đối với một vài trường hợp điển hình. Từ đó, trở thành bài học điển hình với kẻ khác có ý định lừa đảo.
Cùng với đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, cung cấp dịch vụ máy chủ, hoặc tên miền và cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin-Truyền thông cần phối hợp, triển khai các hệ thống giám sát và cảnh báo sớm, bởi các hệ thống sàn, app lừa đảo được ra đời liên tục. Như chúng ta biết, các Website, các app được sinh ra rất nhanh, khi chúng ta dập tên miền này thì ngay lập tức họ có thể dựng tên miền khác.
Chính vì vậy, hệ thống giám sát bằng công nghệ cũng là một việc rất quan trọng các nhà cung cấp dịch vụ cần phải phối hợp với nhau để triển khai. Bởi, các vấn đề về công nghệ cũng sẽ hỗ trợ cho cơ quan điều tra trong việc truy về, tìm thủ phạm.
Cuối cùng, đó là cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Bởi, thực chất là các vấn đề về pháp lý và công nghệ như tôi nói trên cũng chỉ hỗ trợ phần nào.
Nếu bản thân chúng ta được tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, hiểu biết về pháp luật của chúng ta sẽ cao hơn nên cho dù hoạt động tội phạm càng ngày càng tinh vi nhưng nếu chúng ta nắm vững một số nguyên tắc cơ bản sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ rủi ro.
PV: Xin cảm ơn ông!