Mất cân đối huy động, cho vay

Không chỉ tăng mạnh lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng lên đến 13%/năm, tại nhiều NHTM còn có tình trạng lách trần lãi suất kỳ hạn ngắn với biên độ lãi suất chi ngoài 1,5-2,5%/năm, tùy vào từng món tiền và kỳ hạn gửi. Vấn đề đặt ra là dòng vốn các NHTM đang hút vào sẽ chảy vào đâu trong bối cảnh tín dụng vẫn tăng trưởng chậm?

Không chỉ tăng mạnh lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng lên đến 13%/năm, tại nhiều NHTM còn có tình trạng lách trần lãi suất kỳ hạn ngắn với biên độ lãi suất chi ngoài 1,5-2,5%/năm, tùy vào từng món tiền và kỳ hạn gửi. Vấn đề đặt ra là dòng vốn các NHTM đang hút vào sẽ chảy vào đâu trong bối cảnh tín dụng vẫn tăng trưởng chậm?

Từ sức ép thanh khoản

Các số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất thấp, đến tháng 9 chỉ ở mức 1,8%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động lại cao hơn hẳn khi vượt 11%. Lý giải sự mất cân đối giữa huy động và cho vay, lãnh đạo một NH cổ phần cho rằng, khi một số NH lớn đẩy lãi suất lên cao ở các kỳ hạn dài để giữ chân khách hàng, các NH nhỏ phải chạy đua tăng lãi suất theo.

Trước đây các ông chủ NH tăng vốn điều lệ không dùng vốn của mình mà dùng chính NH mình để cho vay công ty con, công ty liên kết… rồi các công ty mua cổ phần NH đáp ứng tỷ lệ vốn điều lệ theo quy định của NHNN. Bởi vậy không ít vốn điều lệ của các NHTM là vốn ảo. Thời điểm này, khi vấn đề sở hữu chéo, giám sát dòng vốn vay chặt chẽ được đặt ra, các NHTM tăng vốn ảo trước đây phải chạy đua huy động để bù đắp thanh khoảnvà tín dụng cho những khoản vay cũ.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
chuyên gia NH

Hơn nữa, giao dịch trên thị trường liên NH không còn dễ dàng như trước, đã buộc các NHTM nhỏ phải tăng huy động trên thị trường tiền gửi dân cư để bù thanh khoản. Riêng với những NHTM thừa thanh khoản, có vốn huy động được không cho vay ra nền kinh tế mà mua trái phiếu chính phủ dù lãi suất có thấp, cuối năm có thể sử dụng để thế chấp vay vốn trên liên NH giải quyết nhu cầu thanh khoản.

Đầu tuần này, NH Dầu khí Toàn cầu (GPBank) áp dụng lãi suất huy động 13%/năm kỳ hạn 13 tháng và 12,5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Saigonbank đưa lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng đến 12,7%/năm. WesterBank đưa các sản phẩm siêu lãi suất, lãi suất linh hoạt khá cao so với thị trường. Trước đó, một số NH như ACB, Sacombank, VietBank, BacABank, DaiABank… cũng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài với mức trần tương tự.

Số liệu mới đây từ Hiệp hội NH Việt Nam cho biết, trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, dư nợ tín dụng chiếm 91,91%, còn lại để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp 6,37% và cho vay ủy thác 1,72%. Trong đó dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh tăng cao và các lĩnh vực không khuyến khích giảm mạnh, nhất là cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản, cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán...

Những số liệu này cho thấy dòng vốn tín dụng không còn đổ nhiều vào những lĩnh vực “nóng” của nền kinh tế, nhưng lại khiến nợ xấu ở các lĩnh vực tín dụng này có xu hướng tăng lên. Số liệu từ NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của các NHTM từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng, trong đó các ngành có nợ xấu cao hơn mức trung bình là vận tải kho bãi, kinh doanh bất động sản.

Đến cầu thật

Theo nhiều chuyên gia, các NHTM chạy đua huy động để bù những khoản cho vay cũ. Luật cấm trường hợp dùng vốn vay để tăng vốn điều lệ chiếm hữu NH, nhưng khó có thể giám sát được dòng vốn vay của các ông chủ NH đổ vào đâu.

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Thực tế trong báo cáo tài chính của các NHTM, những tháng đầu năm nay cũng thể hiện vốn cho vay doanh nghiệp và nền kinh tế thấp hơn so với cho vay liên NH, gửi vào NHNN và các hoạt động đầu tư tài chính khác. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp nên các NHTM khó có thể mở rộng thị phần cung tín dụng.

Thời điểm này, bản thân các doanh nghiệp cũng không mạnh dạn đầu tư dài hạn vì thấy tiềm năng dài hạn của thị trường chưa có. Các số liệu cũng cho thấy tín dụng trung, dài hạn của các NHTM đang giảm mạnh. Như vậy, không loại trừ các NHTM dùng vốn huy động để kinh doanh tiền tệ, đầu tư mua trái phiếu, ủy thác đầu tư, đặc biệt thực hiện đảo nợ cho khách hàng vay, nhất là khi NHNN mở ra cơ chế cho phép các NHTM cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay vốn.

Việc cơ cấu nợ và không chuyển nhóm nợ có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, vượt qua khó khăn, nhưng nó đang làm tăng nguy cơ rủi ro cho hệ thống NHTM do không trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ không chuyển nhóm nợ. “Khi hiện nay chưa có quy định cụ thể để kiểm soát hiệu quả dòng chu chuyển vốn tín dụng, lãi suất thị trường khó có thể ổn định trong một thời gian dài như cam kết của NHNN hồi đầu năm” - một chuyên gia NH nhận định.

Các tin khác