Như đã biết ở Kỳ 1, hoạt động rửa tiền bằng mậu dịch (TBML) đang ngày càng phổ biến và rất khó phát hiện, trong khi có thể tạo ra những bất ổn lớn cho xã hội như tiếp tay tội phạm, tài trợ khủng bố… Vì vậy, chống TBML là một ưu tiên của các chính phủ.
Những thủ thuật
Gian lận trong kê khai hàng hóa/dịch vụ là biện pháp phổ biến nhất của các nhóm TBML. Ngoài biện pháp thổi phồng hóa đơn như đã nêu trong Kỳ 1, các nhóm TBML còn dùng một biện pháp khác liên quan đến hóa đơn, đó là nhân hóa đơn. Biện pháp này không thổi phồng hoặc hạ giá các hàng hóa hoặc dịch vụ được xuất khẩu.
Thay vào đó, bọn tội phạm sẽ dùng một mạng lưới giao dịch phức tạp để khiến 1 món hàng/dịch vụ được lập hóa đơn nhiều lần, thay vì 1 lần. Trong cách này, bọn tội phạm thường dùng nhiều tổ chức tài chính khác nhau để chuyển tiền giao dịch.
Ngay cả khi việc nhân hóa đơn bị phát hiện, những kẻ rửa tiền vẫn có thể biện hộ nhiều cách khác nhau, thí dụ do điều khoản thanh toán cơ sở, các điều chỉnh đối với các hướng dẫn thanh toán trước, hoặc thanh toán lệ phí trả trễ…
Một thủ thuật khác trong TBML là kê khai quá hoặc giảm số chuyến hàng hoặc dịch vụ. Thậm chí, trong thực tế không có việc giao hàng, mà chỉ có trên giấy tờ.
Thí dụ, năm 2006, một nhóm tội phạm đã xuất khẩu một lô hàng kim loại phế liệu nhỏ ra khỏi Australia, nhưng khai báo chuyến hàng nặng vài trăm tấn. Hóa đơn thương mại, vận tải đơn và các chứng từ kho vận khác đều được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ giao dịch gian lận. Khi hàng hóa được bốc lên tàu, các quan chức hải quan phát hiện thân tàu vẫn nổi cao hơn nhiều so với mức choáng nước lẽ ra phải tương xứng với trọng lượng được khai báo của lô hàng.
Tàu hàng sau đó đã bị kiểm tra và gian lận bị phát hiện. Ngoài ra, các nhóm TBML còn dùng thủ thuật khai hàng hóa/dịch vụ này thành hàng hóa/dịch vụ khác. Thủ thuật này thường áp dụng cho các loại dịch vụ như cố vấn tài chính, nghiên cứu thị trường…
FATF, một cơ quan chống tội phạm tài chính quốc tế, cho rằng TBML là một công cụ nguy hiểm, nó không chỉ giúp hợp thức hóa những đồng tiền bẩn kiếm được từ các hoạt động phi pháp, mà có thể giúp tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Những đặc điểm của hoạt động mậu dịch càng khiến TBML hấp dẫn đối với bọn tội phạm rửa tiền. Chuỗi cung cấp bao gồm nhiều liên kết, từ giao thông vận tải đến bảo hiểm và tài chính…
Nhiều mối liên kết đồng nghĩa với cơ hội rửa tiền thành công lớn hơn. Mậu dịch quốc tế cũng liên quan đến các hệ thống pháp luật khác nhau, thủ tục khác nhau và thường là ngôn ngữ khác nhau. Tất cả những sự khác biệt này đều có thể tạo ra nhiều kẽ hở cho bọn TBML lợi dụng và khiến các nỗ lực chống rửa tiền và thực thi pháp lý khó khăn hơn.
Và một điều hết sức quan trọng là cho đến nay đa số các chính phủ vẫn ngó lơ các hoạt động TBML. Tính đến năm 2009, chỉ duy nhất Hoa Kỳ có các cơ quan thực thi pháp luật chuyên trách chống TBML là ICE và BINLEA.
Nỗ lực chống TBML
Năm 1990, FATF lần đầu tiên đưa ra 40 khuyến nghị chống rửa tiền. Những khuyến nghị này được sửa đổi lại vào các năm 1996, 2003 và được sửa tiếp vào năm 2012. Năm 2008, FATF cho ra đời tài liệu hướng dẫn chống TBML gọi là FATF 2008a. Mục đích của tài liệu này là giúp các cơ quan chức năng cải thiện khả năng thu thập dữ liệu mậu dịch, cả trong nước lẫn quốc tế, từ đó tăng khả năng phát hiện những vụ rửa tiền.
FATF và hầu hết các chuyên gia đều cho rằng điểm mấu chốt trong hoạt động chống TBML là “minh bạch mậu dịch”. Để đạt được điều này, các cơ quan hải quan, các nhà điều tra và cơ quan thực thi pháp luật của các nước phải có sự chia sẻ dữ liệu về mậu dịch, cũng như hợp tác trong việc phân tích các dữ liệu đó.
Thí dụ, dữ liệu từ các dịch vụ hải quan 2 nước A và B cho thấy có những điểm chênh lệch về giá trị khai báo của lô hàng tủ lạnh xuất khẩu từ quốc gia A và trị giá khai báo của chúng khi đến quốc gia B. Rõ ràng, giá xuất khẩu kê khai phải phù hợp với giá nhập khẩu khai báo. Dù trong một chừng mực, người ta công nhận một biến số giữa 2 nước, nhưng sự khác biệt này không thể quá lớn. Nếu có sự khác biệt một trời một vực giữa giá xuất khẩu và giá nhập khẩu, hiển nhiên lô hàng có vấn đề.
Mọi nước trên thế giới đều có dịch vụ hải quan dùng để theo dõi những gì được xuất khẩu và nhập khẩu. Trong thực tế, thuế hải quan còn là nguồn thu ngân sách đầu tiên của các chính phủ. Vì vậy, cho dù có những khác biệt giữa hải quan các nước, nhưng vẫn có đủ điểm tương đồng để có thể phân tích và phát hiện các giao dịch thương mại TBML.
![]() |
Một tàu hàng cập cảng ở Hoa Kỳ. |
Có 3 yếu tố cơ bản để có thể phát hiện TBML, gồm: (1) Tiếp cận được dữ liệu xuất nhập khẩu. Nếu dữ liệu mậu dịch có thể được tăng cường bằng cách kết hợp hoặc bao gồm với các dữ liệu khác như tài chính, du lịch, thực thi pháp luật…, các hoạt động đáng ngờ sẽ dễ bị phát hiện hơn. (2) Khả năng trao đổi dữ liệu kịp thời với các nước khác. (3) Có đội ngũ chuyên môn để phân tích và điều tra TBML.
Từ năm 2004, để giúp chống lại TBML, Bộ Nội an Hoa Kỳ đã thành lập Đơn vị Minh bạch mậu dịch (TTU) đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã hỗ trợ nhiều nước như Argentina, Brazil, Paraguay, Colombia, Panama, Mexico và các nước khác thành lập TTU.