Nhiều người dân cho biết, họ cảm thấy lạ và cũng thú vị do hiện tượng ít gặp này. Một số người đã nhanh tay chụp lại khoảnh khắc này và chia sẻ lên mạng xã hội.
Trước đó,, vào ngày 18-4 hiện tượng này cũng từng xuất hiện ở tỉnh Lạng Sơn. Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng mặt trời có một vòng tròn sáng bao quanh đồng tâm như trưa 21-5 ở Hà Nội được gọi là mặt trời quầng. Lâu nay trong tự nhiên thường chỉ xuất hiện các hiện tượng "quầng" và "tán" ở mặt trăng, ít gặp ở mặt trời.
Theo kinh nghiệm của dân gian, khi mặt trăng có vòng tròn rộng bao quanh thì gọi là "quầng" - báo hiệu trong thời gian tới sẽ ít mưa, nắng nóng và khô hạn. Còn khi trăng tán thì có thể sắp mưa to. Đối với mặt trời thì hiện chưa có nhiều kinh nghiệm để so sánh và chứng nghiệm. Người xưa quan sát các hiện tượng tự nhiên này để đưa ra dự báo thời tiết với độ chính xác tương đối.
Theo một chuyên gia thuộc Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, quan niệm trên không phải lúc nào cũng đúng. Có những thời điểm, mặt trăng hoặc mặt trời xuất hiện quầng là dấu hiệu có mưa và ngược lại.
Chuyên gia thuộc Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, cho biết hiện tượng mặt trời hoặc mặt trăng có quầng, có tán không phải là hiện tượng hào quang có thực sinh ra xung quanh mặt trời hoặc mặt trăng, mà chỉ là hiện tượng ánh sáng của mặt trời hoặc mặt trăng bị khúc xạ qua lớp hơi nước trên trời hoặc bầu khí quyển có lớp hạt băng (mây) hoặc hơi nước, khi truyền xuống mặt đất tạo ra hiệu ứng quầng hoặc tán tùy theo mật độ, điều kiện không khí lúc đó.
Hiện tượng mặt trời quầng như ở miền Bắc trưa 21-5 có thể do bầu khí quyển có nhiều hơi nước với độ ẩm cao đã gây khúc xạ ánh sáng.
>> Một số hình ảnh do người dân chia sẻ: