Miễn dịch cộng đồng chống Covid: Từ “giấc mộng” đẹp đến thực tế phũ phàng

(ĐTTCO) - Khi đương đầu với những làn sóng Covid-19 đầu tiên trong năm ngoái, các chính phủ trên khắp thế giới đã hy vọng vào miễn dịch cộng đồng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Khi đương đầu với những làn sóng Covid-19 đầu tiên trong năm ngoái, các chính phủ trên khắp thế giới đã hy vọng vào miễn dịch cộng đồng - một “miền đất hứa” nơi virus ngừng lây lan mạnh vì đã có một tỷ lệ đủ dân số được bảo vệ. Hy vọng đó giờ đây có vẻ đã trở thành ảo tưởng, theo hãng tin Bloomberg.

Ý tưởng miễn dịch cộng đồng cho rằng đại dịch sẽ xuống thang và dần biến mất một khi có khoảng 60-70% dân số được tiêm vaccine hoặc có kháng thể thông qua việc nhiễm và khỏi bệnh. Tuy nhiên, những biến chủng mới như Delta - với tốc độ lây lan mạnh hơn và có khả năng tấn công cơ thể ngay cả khi có sự bảo vệ như vậy trong một số trường hợp - đang đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên tới mức gần như không thể đạt được.

GIỚI CHUYÊN GIA KHÔNG CÒN ĐẶT HY VỌNG VÀO MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG

Biến chủng Delta đang gây bùng dịch trên diện rộng ở nhiều quốc gia như Mỹ và Anh. Đây là những nơi đã từng bị virus hoành hành mạnh trong năm ngoái, đồng nghĩa đã có được một mức miễn dịch tự nhiên nhất định, chưa kể tỷ lệ tiêm chủng đã đạt hơn 50% dân số. Biến chủng này cũng đang tấn công mạnh những nước cho tới gần đây gần như sạch bóng Covid, chẳng hạn Australia và Trung Quốc.

Một y tá đang chăm sóc một bệnh nhân Covid nặng ở Arkansas, Mỹ, tháng 8/2021 - Ảnh: Bloomberg.
Một y tá đang chăm sóc một bệnh nhân Covid nặng ở Arkansas, Mỹ, tháng 8/2021 - Ảnh: Bloomberg.

Trong tháng 8 này, Hội Các nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) ước tính rằng biến chủng Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên hơn 80%, thậm chí là gần 90%. Giới chức y tế Mỹ, bao gồm tiến sỹ Anthony Fauci - chuyên gia cấp cao nhất về dịch bệnh ở nước này, trong 1 năm qua đã gây tranh cãi khi liên tục dịch chuyển mục tiêu bằng cách tăng con số tỷ lệ người được tiêm vaccine cần thiết để có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, tâm lý ngại vaccine và những vấn đề về nguồn cung khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới thậm chí chưa thể đạt tới mục tiêu đề ra ban đầu về tiêm chủng.

“Liệu chúng ta có thể đạt tới miễn dịch cộng đồng không? Không, rất có thể là không, nếu xét theo định nghĩa”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu vaccine của tổ chức nghiên cứu Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, Mỹ, ông Greg Poland, nhận định.

Theo ông Poland, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng lên tới 95% thì cũng chưa chắc có miễn dịch cộng đồng. “Đây là một cuộc đua sát nút giữa một bên là sự phát triển của các biến chủng có mức độ lây lan ngày càng cao, có khả năng né miễn dịch, và một bên là tỷ lệ dân số được miễn dịch”.

Và tự nhiên cũng sẽ không giải quyết được vấn đề Covid cho thế giới. Hiện chưa rõ miễn dịch tự nhiên có được từ việc mắc Covid rồi khỏi sẽ duy trì trong bao lâu, và liệu miễn dịch đó có chống lại được những biến chủng mới của virus hay không. Những biến chủng tương lai, trong đó có thể có những loại chống lại miễn dịch mạnh hơn Delta, đang đặt ra câu hỏi liệu miễn dịch tự nhiên sẽ hết sau bao lâu và hết như thế nào.

“Thật tuyệt nếu bạn mắc Covid một lần rồi có miễn dịch cả đời. Nhưng tôi không nghĩ câu chuyện đơn giản như vậy”, ông S.V. Mahadevan, người phụ trách nghiên cứu y tế khu vực Nam Á thuộc Trung tâm Y khoa, Đại học Stanford, nhận định.  

Đã có những dấu hiệu cho thấy một số người, ở một số quốc gia như Brazil hay một vài nước Nam Mỹ khác, bị mắc Covid lần thứ hai do những biến chủng mới.

CHIẾN LƯỢC KHÁC NHAU CỦA CÁC QUỐC GIA

Nếu không có miễn dịch cộng đồng, virus Sars-CoV-2 có thể tồn tại thêm nhiều thập kỷ ở một dạng nào đó, buộc các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh chiến lược về mở cửa biên giới và nền kinh tế. Đến nay, các nước theo đuổi chiến lược rất khác nhau.

Một số nước như Trung Quốc đang có chính sách rất chặt, được gọi là “không Covid”, nỗ lực triệt tiêu lây nhiễm. Rốt cục, những nước như vậy có thể sẽ phải chuyển sang một lập trường nới lỏng hơn. Một số nước khác như Mỹ và Anh đã mở cửa trở lại, bất chấp lây nhiễm lại nổi lên và đặt ra nguy cơ những làn sóng bệnh dịch nối tiếp nhau.

Một nhân viên giao hàng đưa hàng thiết yếu đến một khu cư dân bị phong toả ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 3/8 - Ảnh: Bloomberg.
Một nhân viên giao hàng đưa hàng thiết yếu đến một khu cư dân bị phong toả ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 3/8 - Ảnh: Bloomberg.

Cho tới hiện tại, vaccine không phải là giải pháp nhanh chóng mà nhiều người từng hy vọng. Israel, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, đã bắt đầu tiến hành tiêm mũi tăng cường vì có những bằng chứng cho thấy sự miễn dịch hiện có không mang lại mức độ bảo vệ như hy vọng. Tuần trước, cơ quan chức năng Mỹ đã phê chuẩn mũi tiêm nhắc lại cho người có hệ miễn dịch yếu.

Một số vaccine, đặc biệt là những loại sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và của Moderna, được cho là mang lại mức độ bảo vệ cao. Tuy nhiên, lây nhiễm đột phá (những ca nhiễm dù đã tiêm đủ vacine) vẫn là điều có thể xảy ra ở những người được tiêm các vaccine này. Những vaccine khác, bao gồm vaccine do Trung Quốc sản xuất, vacine của AstraZeneca và của Johnson & Johnson có thể mang lại mức độ bảo vệ thấp hơn.

Miễn dịch cộng đồng là một điều có thực, bảo vệ phần lớn của thế giới khỏi những mối đe doạ từ virus từ bệnh sởi tới bệnh bại liệt. Các nhà khoa học cũng cho rằng miễn dịch cộng đồng đã xoá bệnh đậu mùa. Việc đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng đã giúp thế giới kiên trì thực hiện những biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, nhưng cũng tạo ra một cách hiểu sai.

“Theo quan điểm của tôi, tập trung vào miễn dịch cộng đồng là khá nguy hiểm”, nhà dịch tễ học William Hanage thuộc Trường Sức khoẻ Cộng đồng T.H. Chan, Đại học Harvard, nhận định. “Điều đó đại diện cho một tầm nhìn phi thực tế về việc đại dịch sẽ đi đến kết thúc như thế nào, mà không tính đến sự tiến hoá của virus hay bản chất bệnh ở những trường hợp tái nhiễm”.

Những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất thế giới hiện nay.
Những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất thế giới hiện nay.

Vài quốc gia đã ngộ ra những hạn chế của chiến lược miễn dịch cộng đồng, theo một cách không hề dễ dàng. Lúc đầu, Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn đặt miễn dịch cộng đồng là mục tiêu chính để chống Covid, cho rằng một tỷ lệ nhất định dân số Anh sẽ có được miễn dịch tự nhiên thông qua mắc và khỏi bệnh, trước khi virus có thể lan rộng hơn.

Một số nước khác thậm chí thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, điển hình là Indonesia. Đất nước đông dân thứ tư thế giới đã xác định rõ không thể ngăn sự lây lan của virus ngay cả khi toàn dân có được tiêm chủng đi chăng nữa. Từ bỏ mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Indonesia nhân đôi nỗ lực kêu gọi người dân đeo khẩu trang và thực thi giãn cách xã hội, đồng thời đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng còn ì ạch.

Kiểm tra nhiệt độ cơ thể tại một cơ sở tiêm chủng ngừa Covid ở Jakarta, Indonesia, hôm 4/8 - Ảnh: Bloomberg.
Kiểm tra nhiệt độ cơ thể tại một cơ sở tiêm chủng ngừa Covid ở Jakarta, Indonesia, hôm 4/8 - Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, Singapore và Australia đang tiến tới mở cửa một cách thận trọng, dựa trên tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt được.

HY VỌNG NÀO CHO THẾ GIỚI?

Nhưng mặc những dấu hiệu cho thấy đạt tới miễn dịch cộng đồng là việc khó, thậm chí không thể, nhiều quốc gia vẫn không sẵn sàng từ bỏ mục tiêu như vậy. Các chính phủ vẫn đang tập trung vào việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng của nước mình.

Tuy nhiên, chiến lược riêng lẻ của nhiều nước, cộng thêm sự khan hiếm vaccine, đang dẫn tới một vấn đề toàn cầu. Nguy cơ của virus đối với toàn thế giới vẫn tồn tại, chừng nào còn có một quốc gia nào đó chứng kiến sự bùng dịch.

Các chuyên gia cho rằng thế giới khó có thể vượt qua được đại dịch cho tới ít nhất năm 2022. Mục tiêu đó hoàn toàn có thể bị đẩy lùi nếu xuất hiện biến chủng mới lây mạnh hơn hay kháng vaccine mạnh hơn. Có người đặt hy vọng vào những vaccine mới hay phương pháp mới có thể chặn lây nhiễm, nhưng tất cả đều chưa được thử nghiệm trên người. Có lẽ phải mất vài năm nữa những vaccine và phương pháp như vậy mới trở thành khả năng có thật.

Thay vào đó, virus có khả năng cao sẽ tiếp tục bám rễ trên toàn cầu, gây ra những đợt bùng dịch. Giới chuyên gia hy vọng rằng những đợt dịch như thế có thể được làm dịu nhờ tiêm vaccine, đeo khẩu trang, và các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng khác.

“Biến chủng Delta không phải là thứ mà chúng ta có thể xoá bỏ”, ông Hanage nói. “Thậm chí xoá biến chủng Alpha cũng là việc khó. Tuy nhiên, với một mức miễn dịch đủ, lý tưởng nhất là thông qua tiêm chủng, chúng ta có thể hy vọng Covid sẽ trở thành một căn bệnh nhẹ hơn nhiều”.

Y tá chăm sóc bệnh nhân trong đại dịch cúm Tây Ban Nha ở Massachusetts, Mỹ, năm 1918 - Ảnh: Getty.
Y tá chăm sóc bệnh nhân trong đại dịch cúm Tây Ban Nha ở Massachusetts, Mỹ, năm 1918 - Ảnh: Getty.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 cho thấy đại dịch Covid có thể diễn biến như thế nào - theo chuyên gia Poland của Mayo Clinic. Có thể, các biến chủng mới sẽ tiếp tục xuất hiện, dẫn tới phải tiêm nhắc lại vaccine, thậm chí tiêm định kỳ.

“Tiếp đó, nếu chúng ta may mắn, điều có thể xảy ra là Covid sẽ trở thành một căn bệnh giống như cúm, một thứ luôn có trên thế giới”, ông Poland phát biểu. “Đó sẽ là một căn bệnh theo mùa và chúng ta sẽ phải duy trì việc tiêm chủng”.

Các tin khác