Đập thủy điện làm chậm mùa lũ
Về nguyên lý, các đập thủy điện không tự gây ra tình hình khô hạn nhưng có thể làm chậm thời gian của dòng chảy. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “Trong những năm có đủ lượng mưa, các đập thủy điện trên dòng Mê Công ít ảnh hưởng đến lượng nước và thời gian nước chảy về ĐBSCL. Còn những năm thiếu nước thì các đập sẽ tích nước trong hồ chứa đủ cho mình trước, rồi mới xả ra phát điện. Đập trên tích nước thì đập kế tiếp bên dưới phải đóng lại để chờ đến khi đập trên xả mới có nước để tích và đập kế tiếp phải chờ… Như vậy, nước đi qua một chuỗi đập sẽ mất thời gian và gây nên tình trạng mực nước thấp ở phía hạ lưu”.
Hàng năm, nông dân huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) khai thác thủy sản mùa nước nổi để mưu sinh
Đầu mùa mưa năm 2021, các đập đã giữ lại phần lớn lượng nước mưa, làm cho khởi đầu của mùa lũ 2021 rất thấp so với điều kiện tự nhiên. Theo thông tin từ Dự án giám sát đập Mê Công (MDM) cập nhật đến tháng 8-2021, đến thời gian này lẽ ra mùa lũ đã xuất hiện trên sông Mê Công nhưng vẫn chưa có. Một số cột nước của Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC) cho thấy, mực nước thấp kỷ lục do lượng mưa thấp ở phần hạ lưu vực Mê Công và do sự tích nước của các đập trong toàn lưu vực, trong đó có sự tích nước quan trọng ở đập Nouzhadu (Trung Quốc). Mô hình dòng chảy tự nhiên (Natural Flow Model) của Tổ chức Eyes on Earth ước lượng thiếu hụt 26% so với dòng chảy tự nhiên ở trạm Chiang Saen (Thái Lan), 20% ở Vientiane (Lào)... Lượng nước này có thể sẽ được giữ lại đến mùa khô mới được xả ra để phát điện.
Cụ thể, các đập ở Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng 1,4 tỷ m3 nước trong tuần; đập Nuozhadu giữ 1,15 tỷ m3 trong tuần làm dâng mực nước trong hồ lên 5m. Hầu hết 34 đập ở Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan cũng đã giữ lại nước trong tuần qua để dự trữ nước trong hồ với tổng cộng 633 triệu m3. Sự tích nước này diễn ra hàng năm vào đầu mùa lũ nhưng năm nay lượng mưa đầu mùa trong lưu vực lại thấp hơn trung bình nhiều năm; từ đó gây ra tác động lớn đến mực nước sông Mê Công, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thủy sản tự nhiên vì thiếu nơi sinh sản và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở một số nơi trong lưu vực.
Còn quá sớm để dự báo hạn mặn
Đối với ĐBSCL, sự vận hành đóng và mở của các đập ở Trung Quốc có ảnh hưởng về mực nước nhưng không nhiều, bởi phần lớn nước về ĐBSCL do ảnh hưởng mưa ở đoạn trung lưu sông Mê Công, nhất là ở Lào. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Ngoài vấn đề làm chậm thời gian đầu mùa lũ của các đập thủy điện thì tình hình thời tiết liên quan đến chu kỳ ENSO mới là yếu tố quyết định lượng nước về ĐBSCL. Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng Hoa Kỳ cập nhật đến ngày 12-8 vừa qua cho thấy, thời tiết vẫn đang trong trạng thái ENSO trung tính, có 60% khả năng kéo dài trong giai đoạn tháng 8, tháng 9 và có khả năng xuất hiện La Nina (mưa nhiều) trong giai đoạn tháng 9, tháng 10 với 70% xác suất kéo dài sang giai đoạn tháng 11 đến tháng 1-2022.
Như vậy, đến nay vẫn còn quá sớm để có thể dự báo tình hình hạn mặn ở ĐBSCL vào mùa khô năm 2022 ở mức nào. Nếu La Nina không xuất hiện thì các đập sẽ tiếp tục tích nước đến mùa khô mới xả ra, theo đó mùa lũ năm nay sẽ thấp. Tuy nhiên, trong tình huống này đến mùa khô khi các đập đã đầy trên toàn lưu vực và xả ra phát điện thì hạn mặn sẽ không gay gắt. Còn nếu La Nina xuất hiện sớm và mạnh thì trong tháng 9 và tháng 10 tới, mưa có thể nhiều, các đập sẽ đầy sớm và bắt đầu xả ra từ tháng 10. Do đó, mùa lũ năm nay có thể thấp nhưng tình hình hạn mặn của mùa khô vẫn chưa rõ. Vì vậy, vùng ĐBSCL vẫn cần theo dõi tình hình có xuất hiện La Nina hay không trong thời gian tới…
ENSO là một chu kỳ khoảng 2 - 7 năm của khí hậu, liên quan đến sự dao động nhiệt độ nước biển và áp suất không khí ở vùng Đông và trung tâm của Thái Bình Dương. Trong đó, El Nino là pha nóng và La Nina là pha lạnh của chu kỳ ENSO, giữa các pha nóng và pha lạnh là giai đoạn ENSO trung tính. |