Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện làn sóng tẩy chay sản phẩm BHNT, vì cho rằng mua là bị lừa, tiền vào dễ chứ lấy ra rất khó. Mất niềm tin vào sản phẩm BHNT là cảm giác của không ít người. Thế nhưng, cũng cần nhìn lại để hiểu cái gốc của BHNT là gì, nó có thực sự “xấu” như nhiều người đang nghĩ hay không.
Thật ra BHNT là loại hình sản phẩm bảo đảm an sinh xã hội mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới đang thực hiện, nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Đơn giản là người tham gia thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty BH, sẽ đóng đúng những khoản phí đều đặn vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý, để được chi trả số tiền nhất định khi không may gặp rủi ro hoặc đến thời điểm đáo hạn.
Rủi ro thì có thể đến bất cứ lúc nào và thiệt hại thì thường không biết trước, nên bản chất của BHNT là cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai. Tại nhiều quốc gia tỷ lệ người dân sở hữu BHNT rất cao như Mỹ là 90%, Singapore là 80%, Malaysia 50%...
Và Việt Nam đến nay hầu hết những thương hiệu công ty BH trên toàn cầu đã có mặt, nhưng thị phần sau hơn 25 năm cũng chỉ chiếm 11%. Ở Việt Nam, mỗi năm ngành bảo hiểm cũng chi trả hàng chục ngàn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi BH cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ý nghĩa như vậy, nhưng lý do nào khiến BHNT chưa phổ biến ở Việt Nam và hiện nhiều người đang có cái nhìn không thiện cảm với các sản phẩm này? Trước hết phải thấy rằng, BHNT có mặt hàng trăm năm trên thế giới nhưng ở Việt Nam hơn 25 năm, nên để người tiêu dùng hiểu và mua sản phẩm không dễ dàng.
Cũng chính vì không dễ nên trong quá trình chạy đua mở rộng thị phần các doanh nghiệp đã không ngừng tung ra nhiều cách thức, trong đó có những cách gây phản cảm như gọi điện liên tục mời chào hay gần đây là liên kết bán sản phẩm qua ngân hàng để rồi ép người vay tiền phải mua sản phẩm BHNT…
Chưa hết, còn đẩy người mua lệch hướng sang đầu tư sinh lời hơn là chú trọng vào giá trị cốt lõi là bảo vệ, dự phòng rủi ro. Thực tế các sản phẩm BH nói chung và BHNT nói riêng là để quản lý rủi ro, nhưng đang bị các công ty mà trực tiếp là các tư vấn viên “bẻ lái” sang đầu tư lợi nhuận hơn là giá trị bảo vệ.
Từ đây dẫn đến nhiều hiểu lầm. Và sản phẩm đang khiến nhiều người “tá hỏa” hiện nay chính là BHNT liên kết đầu tư, vì thời gian hợp đồng quá dài đến 60, 70 năm, thậm chí đến cả 100 năm. Tất nhiên thời gian đóng phí không dài, chỉ khoảng 15, 20 năm. Sau khi kết thúc thời gian đóng phí, người mua vẫn được công ty bảo vệ nhưng chưa nhận lại được tiền, vì khi đó tiền được mang đi đầu tư.
Trong trường hợp không có rủi ro đến với người mua BH, thì họ chỉ nhận được tiền theo cam kết trong hợp đồng khi đáo hạn (thí dụ 60 năm) chứ không phải sau khi kết thúc thời hạn đóng (thí dụ 20 năm). Trong khi đa phần lúc tư vấn các tư vấn viên sẽ thường khiến người mua hiểu lầm là sau 20 năm đóng phí sẽ nhận được số tiền theo hợp đồng bao gồm cả tiền đóng là lãi đầu tư.
Đã đến lúc cần có sự minh bạch trong cách thức tiếp cận khách hàng, trong tư vấn bán sản phẩm và trong môi trường bán BH. Chỉ khi minh bạch thì niềm tin của khách hàng mới được củng cố. Tất nhiên khi đã bàn đến lỗi của ai khiến niềm tin vào sản phẩm BHNT lung lay nghiêm trọng thì không chỉ riêng các tư vấn viên, của các doanh nghiệp, mà ngay cả người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm.
Bởi khi mua sản phẩm phần nhiều tin người nhà, người quen, nên đã quên tự tìm hiểu rồi mua theo kiểu ủng hộ hơn là tự nguyện. Trong khi sản phẩm BHNT cũng là một dạng sản phẩm tài chính phức tạp nên phải tìm hiểu kỹ.