Lên kế hoạch kích cầu, giảm giá
Trong đề xuất gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về các giải pháp gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ VH-TT và DL đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19.
Với kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, ngành tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn giảm có thời gian giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí thăm quan), tập trung phân khúc du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, kiến nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng.
Với kịch bản Việt Nam và một số nước khác công bố hết dịch (dự kiến các nước khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm), ngành du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phát động chương trình “Việt Nam an toàn và hấp dẫn”, công bố các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Bộ VH-TT và DL cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam thông qua miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Với kịch bản khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai rộng rãi nhiều gói kích cầu với khách nội địa và quốc tế. Kiến nghị Chính phủ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực…
Có thể thấy, dù là kịch bản nào việc kích cầu, giảm giá cũng là nội dung được nhấn mạnh nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch. Thực tế không chỉ riêng Bộ VH-TT và DL tính đến phương án này, nhiều địa phương, các sở, hiệp hội du lịch và DN cũng đang có sự chuẩn bị rất tích cực.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Lê Hồng Thanh, đại diện Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, cho biết các kế hoạch cụ thể đang được hiệp hội xây dựng nhưng trọng yếu vẫn là kích cầu giảm giá, trước mắt để thu hút khách du lịch nội địa. Hiện các DN trong tỉnh đang phối hợp để có thể tung ra nhiều chương trình hấp dẫn du khách.
Tương tự, TPHCM cũng sẽ tung ra những chương trình liên kết với các địa phương, kích cầu, giảm giá. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đang rất trông chờ vào thời điểm có thể tung ra các chương trình ưu đãi. Nhiều đơn vị chấp nhận giảm giá 30, 40 thậm chí 50% so với mức giá thông thường để kích thích người dân đi du lịch. Hiệp hội cũng có những chương trình kết nối các đơn vị đào tạo nhằm hỗ trợ DN cấu trúc nhân sự sau dịch Covid -19.
“Sau dịch nhu cầu du khách trong và ngoài nước chắc chắn sẽ thay đổi nên ngành du lịch không vội vàng mà sẽ làm từng bước. Việc phát triển thị trường cũng đi theo hướng kích cầu du lịch nội địa, sau đó hướng đến thị trường khách gần khu vực châu Á, cuối cùng mới hướng đến thị trường xa hơn khi dịch được khống chế trên diện rộng” - bà Khánh cho biết thêm.
Vẫn rất gian nan vì tâm lý khách du lịch
Có thể thấy việc Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch Covid -19 là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch. Tuy nhiên các phương án kích cầu, giảm giá liệu có phát huy được hiệu quả vẫn chưa thể trả lời ngay. Giám đốc một DN du lịch tại TPHCM cho biết, việc phát triển thị trường theo hướng kích cầu du lịch nội địa là thỏa đáng.
Song cũng phải nhìn vào thực tế, dịch đã làm thay đổi phần nào tâm lý người dân ngại đến chỗ đông người. Vì thế khi cuộc sống quay lại sau dịch cần có thời gian để người dân hòa nhập lại. Dịch cũng khiến thu nhập của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên dù có kích cầu, giảm giá cũng chưa chắc khiến du khách thực sự muốn chi tiêu thêm sau dịch.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực kiểm soát tốt dịch, chắc chắn họ cũng sẽ tung ra những gói kích cầu du lịch. Đặc biệt Thái Lan, Philippines hay Indonesia sẽ không bỏ qua lượng khách du lịch Trung Quốc khổng lồ. “Ngành du lịch chắc phải đến hết năm 2021 mới có thể phục hồi và quay trở lại tăng trưởng vào năm 2022. Năm nay chúng ta có thể kéo được 1/3 lượng khách cũng đã là nỗ lực đáng ghi nhận” - vị này cho hay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng giám đốc Công ty du lịch Images Travel (chuyên thị trường khách châu Âu), kích cầu giảm giá lúc này thích hợp với du khách trong nước và khách châu Á, còn thị trường khách châu Âu có lẽ phải sang năm mới có thể phục hồi. Bởi hiện tại dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp ở châu Âu. Nếu được kiểm soát cũng chưa thể kích thích người dân khu vực này đi du lịch ngay.
Điều này cho thấy, những việc ngành du lịch Việt Nam cần làm không chỉ tính đến sau dịch, mà còn phải tính đến đường đi lâu dài. Đó là cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam, như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến thị trường quốc tế, miễn thị thực đối với nhiều thị trường, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Thực tế, mỗi năm lượng khách chúng ta đón đều tăng nhưng lại thiếu tính bền vững. Thí dụ, năm 2009, khi du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A (H1N1), Tổng cục Du lịch đã thành lập nhóm kích cầu và ngành du lịch đã vượt qua khó khăn. Tuy nhiên khi mọi thứ trở lại bình thường, chương trình kích cầu cũng hết.
Đánh giá về điều này ông Phạm Việt Anh, chuyên gia tư vấn tăng trưởng DN, cho rằng: “Liên minh kích cầu nên là chuyện của bốn mùa trong năm kể cả lúc thị trường đang phát triển, không nên chỉ khi khủng hoảng mới tìm đến nhau. Đó là sự lãng phí nguồn lực và chính sách”.
Dịch đã làm thay đổi phần nào tâm lý người dân ngại đến chỗ đông người. Dịch cũng khiến thu nhập của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên dù có kích cầu, giảm giá cũng chưa chắc khiến du khách thực sự muốn chi tiêu thêm sau dịch. |