Khách khó, tài xế cũng khổ
Đề mãi mà xe máy không khởi động được ngay sát cuộc hẹn quan trọng, chị T.X (ngụ TP.HCM) vội vàng mở ứng dụng Grab đặt xe từ cơ quan tới điểm hẹn cách đó khoảng 3 km.
Sau nhiều bước xác nhận chọn loại xe và số lượng người đi phù hợp quy định mới, chị X. được báo giá 54.000 đồng cho cuốc xe, gần gấp đôi so với giá thường ngày chị đặt trước giai đoạn dịch Covid-19.
Đáng nói, sau khoảng 4 phút quay vòng vòng, tài xế nhận cuốc ở cách điểm đón hơn 2 km liền gọi lại chị X. hỏi có thể chờ khoảng 10 phút không vì đang ở quá xa. Thời gian chờ quá lâu, chị đành hủy cuốc, đặt lại xe khác. Thế nhưng, chờ tới 6 phút, ứng dụng vẫn báo chưa tìm được tài xế.
Lật đật mở thêm ứng dụng Be, chị X. cũng phải chờ rất lâu, mới có tài xế nhận cuốc. Chuyến đi này giá 42.000 đồng, tăng khoảng 20% so với mặt bằng chung giá cước của ứng dụng Be thời điểm trước.
Cũng gặp tình cảnh tương tự, nhưng chị Ngọc Mai (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) còn khổ hơn vì phương tiện di chuyển chủ yếu trước đây là Grabbike. Từ ngày TP.HCM chính thức mở cửa, cơ quan của chị (trụ sở tại Q.1) đã tổ chức đi làm trực tiếp trở lại, nhưng chị Mai vẫn đăng ký làm online tại nhà.
Chị Mai phân trần: “Tôi không biết đi xe máy, giờ xe ôm công nghệ chưa cho chạy lại nên bó tay. May mà cơ quan vẫn có cơ chế cho một lượng nhân viên nhất định đăng ký tiếp tục làm tại nhà”.
Xe ít, giá cước tăng, người dân khó. Song, tài xế công nghệ chạy xe giai đoạn này cũng không hề dễ dàng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Đoàn Thanh Đức, tài xế đang chạy cho Hãng Grab, bộc bạch: 4 tháng nghỉ không chạy xe, không có thu nhập nên ngay từ khi TP dự kiến kế hoạch mở cửa trở lại, anh đã lập tức liên hệ nhờ làm tấm màn ngăn hạn chế lây nhiễm.
May mắn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, trang bị đầy đủ dụng cụ phòng dịch theo đúng yêu cầu của hãng, anh Đức là một trong số ít tài xế được chọn hoạt động ngay sau khi TP.HCM chính thức cho phép taxi công nghệ trở lại. Ít xe nên gần như lúc nào cũng có khách nhưng thu nhập của anh Đức cũng không tăng lên nhiều do chi phí cũng tăng theo.
“Theo quy định cứ 7 ngày, tài xế phải xét nghiệm Covid-19 một lần và gửi kết quả về cho hãng, mỗi lần 90.000 đồng. Ngoài ra, tài xế phải tự chuẩn bị xịt khuẩn, mua thêm khẩu trang dự phòng cho khách... Đã vậy, giai đoạn này giá xăng còn tăng phi mã. Chạy tầm này khách đông, không kẹt xe nhưng cuốc ngắn.
Trước chạy 20 cuốc phải được 2 triệu đồng, giờ chỉ được hơn 1,1 triệu. Mà mỗi lần khách gọi, phải chạy quãng đường khá xa, tốn nhiều xăng hơn. Những người xe nhà còn đỡ, anh em nào vay ngân hàng mua xe thì thời gian qua đúng khốn khổ, tiền đâu mà trả lãi”, bác tài này chia sẻ.
Đủ điều kiện để mở lại bình thường
Hệ thống y tế của TP.HCM đã qua giai đoạn quá tải. Cho phép các hoạt động kinh doanh trở lại, cho phép người dân sinh hoạt trở lại thì cũng cần nhanh chóng mở lại các dịch vụ gọi xe một cách bình thường, không giới hạn số lượng để phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân. Đây cũng là hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy rất lớn sự hồi phục, phát triển kinh tế của TP.HCM giai đoạn sau dịch. Mở hàng quán, mở cho xe buýt, xe khách chạy lại rồi mà vẫn siết xe công nghệ là quá vô lý. Bác sĩ Trương Hữu Khanh |
Đáng nói, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, taxi công nghệ cùng các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu thủy được yêu cầu ngưng hoạt động đầu tiên. Xe ôm công nghệ nhờ ưu thế không gian thoáng, giảm nguy cơ lây nhiễm, nên vẫn được tiếp tục hoạt động cho tới khi TP chính thức áp dụng Chỉ thị 16.
Thế nhưng, khi TP mở cửa trở lại, hệ thống xe buýt từ hôm nay (15.11) cũng có thêm 30 tuyến được tái hoạt động. Song, dịch vụ xe 2 bánh vẫn chưa có dấu hiệu được “hồi sinh”. Taxi công nghệ thì dù đã lăn bánh được 1 tháng, nhưng vẫn chưa được gỡ giới hạn số lượng.
Sở GTVT TP.HCM lý giải Sở đang chờ UBND TP ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết, khi đó sẽ quy định rõ hoạt động trở lại đối với xe ôm cũng như taxi công nghệ.
Dưới góc độ y tế, chuyên gia dịch tễ - bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định TP.HCM đã hoàn toàn đủ điều kiện để có thể mở lại bình thường các hoạt động giao thông, vận chuyển, không cần chờ thêm nữa.
Cụ thể, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 ở người lớn đã 100%, hơn 83% tiêm mũi 2; Học sinh từ 12 - 17 tuổi đã tiêm gần xong. Trong đó, 100% cả tài xế 2 bánh và 4 bánh đã tiêm vắc xin, theo quy định hiện nay thì vẫn phải xét nghiệm định kỳ.
Khi mọi người đều đã tiêm đủ liều vắc xin, đi ô tô hay xe máy, xe buýt hay taxi, xe ôm thì cũng đều như nhau. Cũng như tới quán ăn, gặp gỡ bạn bè, tài xế và hành khách chỉ cần tuân thủ đúng 5K.
TP.HCM khôi phục thêm 30 tuyến xe buýt Từ hôm nay (15.11), TP.HCM tiếp tục cho 30 tuyến xe buýt hoạt động trở lại. Trong đó, có 29 tuyến buýt trợ giá và 1 tuyến không trợ giá (số 94 - Bến xe Chợ Lớn - Bến xe Củ Chi). Trong 29 tuyến buýt trợ giá hoạt động trở lại, Hợp tác xã vận tải 19/5 là đơn vị đảm nhận nhiều nhất, gồm 9 tuyến: 150, 19, 33, 41, 48, 78, 85, 107 và 145. Như vậy, sau hơn 3 tháng tạm ngưng vì dịch Covid-19, từ ngày 5.10 đến nay, TP.HCM đã khôi phục 85 tuyến xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. |