Lợi thế Việt Nam có ít nhất 3 cửa khẩu lớn với Trung Quốc, giao thông thuận lợi, nên các DN du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hàng không… đã chuẩn bị sẵn sàng từ phòng nghỉ, đường bay, sản phẩm du lịch... để đón khách du lịch quốc tế, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, đã hoàn toàn thất vọng. Xem ra mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 vô cùng khó, các DN du lịch, hàng không sẽ tiếp tục khó khăn. Thực ra không chỉ với Việt Nam, mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là nguồn khách không thể thay thế.
Với ngành hàng không sẽ tác động trực tiếp đến khả năng phục hồi sau một thời gian dài “đóng băng” vì đại dịch Covid-19. Thực tế, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc thông báo danh sách 20 điểm du lịch nhưng vắng bóng Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo về sự thất vọng, vì Vietnam Airlines đã khôi phục 9/10 chặng bay đến Trung Quốc sau gần 3 năm Covid-19.
Hiện tại số khách trên các chuyến bay kết nối 2 nước Việt - Trung chỉ trông chờ vào lượng nhỏ khách thăm thân nhân, công vụ và chuyến bay thuê. Nếu tình hình tháng 3 tới không cải thiện, Vietnam Airlines vẫn sẽ cố gắng duy trì các đường bay nhưng sẽ trong tình trạng rất khó khăn. Và Vietjet Air cũng nằm trong cảnh tương tự.
Một lãnh đạo Vietravel cho biết, mọi kế hoạch chuẩn bị đón khách Trung Quốc đang phải tạm gác, còn kế hoạch phục hồi khách Trung Quốc được dời sang tháng 4-2023. Và Vietravel kỳ vọng phục hồi dòng khách Trung Quốc từ mùa hè, khi lãnh đạo ngoại giao hai nước có tiếng nói chung để nối lại hoạt động du lịch.
Trong khi Việt Nam đang hoang mang thì Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia - những đối thủ cạnh tranh trong khu vực, đều đang ra sức đón khách Trung Quốc. Thái Lan với dòng khách Trung Quốc đổ bộ, sẽ càng tự tin với mục tiêu đón 25 triệu khách quốc tế trong 2023.
Trước thực tế trên, các chuyên gia về du lịch cho rằng, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và tính đến giải pháp cụ thể. Thứ nhất, việc Trung Quốc chưa nối lại tour theo đoàn đến Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có “hàng rào kỹ thuật”. Đó là khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam cần phải xin visa nhập cảnh và phải xin qua các công ty lữ hành, chứ chưa thể xin visa tự túc. Do vậy các DN du lịch đang chờ những “hàng rào kỹ thuật” được tháo gỡ sớm để ngành du lịch lẫn ngành hàng không, dịch vụ khách sạn, ăn uống, mua sắm… phục hồi.
Thứ hai, vẫn biết đón khách du lịch Trung Quốc có thể là cơ hội lớn giúp ngành và các DN phục hồi nhanh. Tuy nhiên, đối với thị trường khách Trung Quốc cần sự định hướng rõ ràng để hướng tới những đối tượng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Và đây cũng là dịp tốt để du lịch Việt Nam nhìn lại mình, có chiến lược phát triển và định hướng thị phần phù hợp. Trung Quốc luôn là thị trường đông nhất, nhưng chưa bao giờ là thị phần ổn định, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác.
Thứ ba, nếu không có khách Trung Quốc thì phải chuyển hướng theo chất lượng, nâng tầm thương hiệu du lịch Việt, giảm thiểu hình thức tour du lịch “0 đồng”. Mặt khác, dù Trung Quốc thông báo mở cửa, nhưng để hoàn toàn mở cửa Trung Quốc vẫn cần thời gian để hoàn thiện các quy định liên quan như vấn đề về visa, kiểm soát dịch bệnh... Trung Quốc cũng cần thông qua các kênh ngoại giao để xem các nước đã sẵn sàng để đón khách Trung Quốc chưa.
Thống kê qua các năm cho thấy, lượng khách Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nhưng ngay cả khi khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch trở lại thì thị trường cũng chưa thể khôi phục ngay lập tức. Do vậy đây cũng là khoảng thời gian phù hợp để các DN du lịch, công ty hàng không sắp xếp, làm mới các sản phẩm của mình và đào tạo hệ thống nhân sự thêm chất lượng.
Được biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, kiến nghị việc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn.