Nhiều hội thảo, tọa đàm đã chỉ ra các nguyên nhân như thời hạn visa ngắn; nhiều địa điểm hấp dẫn như Sapa, thác Bản Giốc nhưng không có sân bay ở các tỉnh Đông và Tây Bắc; điều kiện ăn ở chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản cho các cộng đồng lớn trên thế giới như người Hồi giáo; hạn chế tiếng Anh của người Việt… Các nguyên nhân này đều đúng, nhưng thật ra chúng ta chưa thấm nhuần trong tư tưởng và hành động “toàn dân làm du lịch”.
Nhìn từ “bạn hàng xóm”: Thái Lan
Toàn dân làm du lịch có nghĩa từ các bộ phận liên quan trực tiếp, đến người làm du lịch như Tổng cục Du lịch, Hải quan, tài xế, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch… và cả người dân luôn có ý thức rằng, mọi cử chỉ, thái độ, hành động của mình sẽ tác động đến khách du lịch từ nơi xa đến.
Tiếng vang về sự tử tế, thân thiện, chu đáo, nhiệt tình, trách nhiệm sẽ quyết định đến việc người nước ngoài có quyết định đến Việt Nam hay không, họ có quay trở lại không, có ở lâu không và có chịu bỏ tiền ra chi tiêu không?
Người Thái Lan quan niệm rất rõ ràng: 1USD rơi vào bất kỳ người Thái nào, công ty nào đều là tài sản chung của quốc gia. Trong đó có phần trực tiếp hay gián tiếp họ được hưởng lợi qua các kênh khác nhau như thuế, phúc lợi xã hội thu được từ du lịch, được thụ hưởng các công trình xây dựng phục vụ du lịch, chí ít họ cũng được hưởng tiếng thơm mà hình ảnh quốc gia mang lại.
Mặc dù thỉnh thoảng có những cuộc biểu tình giữa các phe phái chính trị, nhưng Thái Lan cố gắng không làm ảnh hưởng đến du lịch. Chính vì thế, họ không có kiểu cạnh tranh xấu trong kinh doanh, không bóp chẹt hay lừa đảo du khách.
Xin nêu một số thí dụ. Tỷ giá đổi tiền trong sân bay, ngoài ngân hàng hay các điểm đổi lẻ trên đường phố như nhau. Các hàng hóa như đồ điện, hàng tiêu dùng, đồ ăn thức uống phổ thông bán trong sân bay hay ngoài siêu thị như nhau, nếu có cao hơn chút đỉnh do thuế. Họ cùng nhau vào làm du lịch với tinh thần làm sao để khách quốc tế móc tiền ra cho đến đồng cuối cùng vẫn không tiếc và còn muốn quay lại.
Có thời gian nắm bắt được nhu cầu của người Việt chuộng hàng điện tử như tivi, đầu máy, xe máy… của Thái Lan, thế là họ bán hàng ngay tại sân bay với giá thấp hơn và đóng gói, vận chuyển phục vụ tận tâm, đến mức chỉ việc về đến sân bay nhận hàng không phải trả thêm một đồng nào.
Và thật buồn khi nhìn lại chúng ta
Trong khi đó, ở Việt Nam hiện tượng chèn ép, bắt chẹt khách du lịch nước ngoài vẫn còn, cho dù so với cách nay chừng 10 năm có giảm bớt. Những tiêu cực này tồn tại dai dẳng đang làm xấu hình ảnh bức tranh du lịch nước nhà. Phổ biến nhất là các tài xế taxi, xe khách, “chém” khách du lịch không nương tay.
Gần đây nhất, vào ngày 17-12-2022, một nữ du khách Hàn Quốc đi taxi từ sân bay Đà Nẵng về khách sạn bị tài xế thu 2,1 triệu đồng, cao gấp 10 lần tiền cước phí cho quãng đường chưa đến 2km.
Tiếp sau đó vào ngày 30-12-2022, tại sân bay Nội Bài, một gia đình Nhật Bản bị tài xế “trấn lột” 1 triệu đồng cho quãng đường 900m từ nhà ga T1 sang T2, lẽ ra gia đình người Nhật này di chuyển bằng Shuttle bus miễn phí nếu có ai đó chỉ cho họ. Thật xấu hổ khi nhiều người kinh doanh nghĩ rằng khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ 1 lần, cho nên tranh thủ “chém” khi có cơ hội. Họ đến rồi họ đi, mình làm điều sai quấy không ai biết, nhất là họ không biết tiếng Việt.
Chuyện người bán dừa dạo ở TPHCM “chém đẹp” du khách 200.000 đồng 1 trái dừa, trong khi giá của nó chỉ 12.000-15.000 đồng; hay chuyện du khách bị ép mua móc khóa, bản đồ với giá cao; rồi du khách phải trả giá cao ngất ngưởng khi đánh một đôi giày ở Bờ Hồ (Hà Nội); hoặc chuyện khách ăn một món ăn như nhau mà phải trả giá gấp 3 lần so với người bản địa; thậm chí nhiều trường đại học thay vì giúp gia hạn visa cho chuyên gia mình mời đến làm việc, lại tranh thủ thu thêm phí dịch vụ cao gấp 2-3 lần để hưởng lợi… là chuyện rất buồn lòng.
Ngay cả ở các cơ quan công quyền, tổ chức nhà nước liên quan đến người nước ngoài, cũng có không ít trường hợp nếu có bồi dưỡng mọi chuyện hanh thông hơn. Đó là chuyện tham nhũng vặt vãnh và nhiều đại biểu quốc hội cũng đề cập trên nghị trường.
Có nhiều người cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần khắc phục là xong. Nhiều người khác nói những hành vi tiêu cực đó là thiểu số nhỏ nhoi. Nhưng đó là cách hòa giải giữa người Việt với nhau cho đề huề, còn với du khách nước ngoài đó là “hình ảnh quốc gia”. Không ai có thể giải thích với từng vị khách nước ngoài rằng hành động xấu đó là “cá biệt”, là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Du khách nước ngoài đến Việt Nam không quan tâm đến những lời thanh minh đó. Với họ tất cả chỉ phản ánh một hình ảnh “Việt Nam” và những hệ quả sẽ đọng lại rất lâu trong ký ức họ, và hơn thế nữa nó được lan truyền sâu rộng trong bạn bè người thân của họ. Họ bị đối xử không đúng mực, ngay lập tức thông tin và hình ảnh được đưa lên zalo, facebook, email… với vô vàn bình luận và ca thán tràn ngập mạng xã hội. Điều đó làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh quốc gia.
Là người làm nghiên cứu lâu năm và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi hiểu được tại sao hơn 80% người nước ngoài đến Việt Nam chỉ 1 lần và không bao giờ trở lại. Và tại sao trên các trang web hướng dẫn du lịch quốc tế có hàng chục điều cảnh báo, trong đó nói về nạn móc túi, “chặt chém” hành khách ở Việt Nam.
Muốn cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, tinh thần “toàn dân làm du lịch” phải được thấm sâu vào trong mỗi công chức và mỗi người dân, nếu không mục tiêu ngang bằng với họ mãi xa vời.