Nhìn lại hơn 3 tháng chỉ huy công tác chống dịch, ông Võ Khắc Thái (Bí thư quận 7) nhiều lần nhắc đến cụm từ “đi xin”.
Từ xin ý kiến, xin chủ trương đến xin hỗ trợ trang thiết bị, những nỗ lực đó đã góp phần giúp quận 7 trở thành một trong 2 địa phương đầu tiên của TP.HCM tuyên bố kiểm soát được dịch và được chọn để thí điểm bình thường mới sau ngày 15-9.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đầu tháng 8 khi đến thăm mô hình của quận 7 ca ngợi việc quận đã "xé rào" để làm những việc chưa có tiền lệ, vượt khỏi quy trình. Ông cũng khuyến khích các cơ sở nên có những mô hình chủ động, sáng tạo như này trong quá trình chống dịch.
Zing chia sẻ những giải pháp được ông Võ Khắc Thái đúc kết sau 100 ngày cùng người dân và hệ thống chính trị dập dịch.
Đi xin test nhanh để bóc tách F0
Kể từ năm 2020 tới tháng 5-2021, quận 7 có số ca nhiễm rất ít. Nhưng khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chúng tôi hiểu rằng việc phòng chống dịch là trận chiến lâu dài, đòi hỏi hệ thống vận hành theo cơ chế khác.
Thay vì hình thức, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chỉ gói gọn ở khối UBND. Ngày 23/6, quận thành lập Ban Chỉ huy thống nhất để cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Quận ủy trực tiếp vào cuộc, tập trung lãnh đạo từ đầu.
Điểm bùng phát lớn nhất của quận 7 là Khu chế xuất Tân Thuận. Đầu tháng 7, nơi đây bắt đầu xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 và ngày càng gia tăng. Đỉnh điểm là một công ty trong khu chế xuất có 300 F0.
Quận lập tức phong tỏa 3 phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Bình Thuận (nơi hơn 2/3 công nhân của khu chế xuất cư trú). Quyết định này được đưa ra chỉ 6 giờ trước yêu cầu áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố (9-7). Nhận định tình hình ở 3 phường phức tạp, quận quyết siết chặt hơn một bậc so với Chỉ thị 16.
Nhìn lại, nếu quận và ban quản lý thống nhất phong tỏa cả khu chế xuất ngay từ đầu tháng 7, tình hình có thể đã tốt hơn.
Để đánh trận này, điều quan trọng là phải đánh giá đúng tình hình nên phải xét nghiệm. Ngay từ giữa tháng 7, chúng tôi chủ trương không phân biệt xét nghiệm PCR với xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh). Lúc đó, xét nghiệm PCR kết quả không kịp thời, phải chờ mấy ngày. Nếu cứ chờ như thế, F0 ở cộng đồng sẽ lây nhiễm hết.
Rút kinh nghiệm, tôi chỉ đạo anh em cứ lấy que test nhanh ra thử, nếu dương tính thì bóc hết ra khỏi cộng đồng. Que test nhanh khi đó quận "vác bị đi xin" cả nước. Từ ngày 9-7 đến 20-8, quận vận động được 240.000 test nhanh từ nguồn xã hội hóa, gấp 6 lần số test nhanh mà thành phố cấp cho các quận/huyện.
Một là chúng tôi cũng run. Hai là lúc đó thành phố không có đủ chỗ tập trung F0 theo hướng dẫn của Bộ, nên nếu tiếp tục bóc F0 thì phải để ở nhà. Quận khi đó mới dừng lại một thời gian.
Chính ra lúc đó nếu chúng tôi ráng thêm một chút, can đảm thêm một chút cứ tiếp tục quét thật nhanh rồi "xé rào" thêm một bước cho điều trị ngay tại nhà, hoặc nơi cách ly tập trung, thì có lẽ sẽ không bị tử vong nhiều và kiểm soát được sớm hơn. Ví dụ lúc đó bóc hết, tổng F0 trên địa bàn có thể lên chừng 7.000 là có thể kiểm soát được căn bản.
Đến 21-8, TPHCM yêu cầu xét nghiệm 3 đợt cả 4 vùng đỏ, cam, vàng, xanh để bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng. Quận tiếp tục xét nghiệm thêm một lượt nữa. Nhờ đã sàng lọc nhiều lần trước đó, tỷ lệ dương tính vùng đỏ, cam ở đợt lấy mẫu thứ 2 (29-8 đến 1-9) chỉ còn 0,86%.
Hạn chế tử vong nhờ thiết lập mô hình tam giác
Ngay từ cuối tháng 7, ngoài vùng xanh, vàng, cam, đỏ mà thành phố quy định, quận có thêm vùng nguy cơ đặc biệt cao. Khu vực nào có tỷ lệ dương tính trên tổng dân số cao hơn 5% là siết chặt.
Ngày 26-7, quận 7 có 41 vùng nguy cơ rất cao (tỷ lệ F0 3-5%) và đặc biệt cao (tỷ lệ F0 trên 5%), có những vùng mở ra xét nghiệm xong đóng lại liền.
Ví dụ, một khu vực 900 dân mà mới "đánh" 3 ngày liên tiếp ra hơn 300 ca nhiễm, tức hơn 30%. Tôi thấy vậy không dám xét nghiệm nữa, phải đóng lại, coi như vùng đó toàn bộ là F0.
Sau khi đánh giá được tình hình thì phải điều trị được, muốn trị thì phải trị từ rễ lên, không thể trị ở trên xuống. Ý thức điều đó, quận 7 thiết lập hệ thống y tế cơ sở thật vững chắc. Đây là nơi đầu tiên lập các tổ y tế tự quản, sau này là tổ y tế cộng đồng.
Quận thiết kế 2 lớp để cơ bản phủ hết y tế cho người dân. Thứ nhất, từ ngày 23-8, cứ 30-50 hộ, chúng tôi lập một tổ y tế tự quản. Đến nay, quận có có 803 tổ ở 10 phường. Thứ hai là 44 trạm y tế (trong đó có 34 trạm y tế lưu động) trên 57 khu phố. Trước đây, một phường/trạm y tế thì nay gần như mỗi khu phố/trạm.
Khi đã có lớp nền vững chắc, chúng tôi nhận thấy bệnh viện dã chiến không thể chỉ là nơi “chứa” F0. Lúc đầu nhận “tá lả âm binh”, đưa hết F0 vào một khu, người không triệu chứng thành có triệu chứng, người nhẹ thành nặng. Hệ thống y tế không đáp ứng kịp nên tỷ lệ tử vong mới cao.
Sau đó, việc chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên ngày càng khó khăn, liên tục tắc nghẽn. Quận tính đến phải tự thành lập một khu cấp cứu để cứu bệnh nhân, sau nâng lên thành bệnh viện dã chiến.
Quận giờ hiện có 3 bệnh viện điều trị là Bệnh viện dã chiến Quận 7 số 1, Bệnh viện Tân Hưng và Bệnh viện Quận 7 với tổng số 690 giường. Tầng cao hơn có Bệnh viện dã chiến số 16 và các bệnh viện tư nhân như Bệnh viện FV, Tâm Đức…
Số ca tử vong từ 10-12 ca/ngày giai đoạn cao điểm, giảm xuống chỉ còn 2-3 ca/ngày vào cuối tháng 8.
Từ 1-9 đến nay, nhiều ngày, quận không ghi nhận ca tử vong.
Dùng bồn oxy của nhà máy đóng tàu
Ví dụ như lúc đầu, quận đem về 400 bình oxy 40 lít. 7 giờ là bệnh nhân thở hết một bình, rồi bình nặng, không có người khiêng. Phải tìm cách khác!
Lúc đó tại sao quận làm bồn oxy 32 m3, trong khi các bệnh viện chỉ làm 5 m3, 10 m3? Do chạy cả thành phố không ai có bồn oxy như ở bệnh viện! Tình cờ, quận biết một đơn vị cung cấp oxy công nghiệp chứ không phải oxy y tế. Họ có bồn oxy nhưng là cho nhà máy đóng tàu.
Quận thấy rằng xe bồn này dùng được lâu, chỉ cần làm thêm hệ thống để chuyển từ oxy lỏng qua oxy khí. Bồn lớn quá nên phải để trên xe tải, đặt ngoài bệnh viện, rồi làm hệ thống đường ống để đưa oxy vào.
Sau khi đã có bồn oxy rồi thì xuất hiện thêm nhu cầu về hàng loạt vật tư y tế khác, từ thứ nhỏ như đầu cắm để nối hệ thống oxy, đồng hồ, cho đến thứ lớn như máy thở, máy chụp X-quang… Nhiều thứ rất khó mua ở TPHCM, có thiết bị quý hơn vàng, kiếm một cái không ra. Quận phải nhờ đặt mua từ các tỉnh, thậm chí nước ngoài.
Nhân dân ủng hộ, mình tự tin làm
Nhìn lại đợt dịch này, tôi nhận thấy bộc lộ ra mấy khiếm khuyết về cơ chế.
Khiếm khuyết lớn nhất là thu về một mối. Ngành y tế nên giao cho quận/huyện để hình thành hệ thống y tế từ dưới xã/phường, lên đến quận/huyện thật vững chắc, trở thành "pháo đài".
Quan điểm ngay từ đầu của Ban Thường vụ quận 7 thống nhất chống dịch là việc của mình nên bằng mọi cách phải lo cho dân, lo không được mới cần bên trên giúp. Công tác chống dịch phải chủ động, tùy tình hình thực tiễn của địa phương để đề ra giải pháp. Cấp trên cũng chỉ cho khung, mình làm sao đừng làm sai khung đó, còn hướng đi thì mình chọn.
Trong cuộc chiến, tướng ra trận toàn quyền quyết. Quan điểm của tôi là thế.
Có nhiều việc diễn biến tình hình tại địa phương khác cái chung. Ăn thua sao là bám sát chủ trương, hệ thống chính trị đồng lòng, nhân dân ủng hộ thì mình tự tin làm, miễn sao cứu được dân.