Mở ra nhiều hướng đi để phát triển kinh tế thời hậu dịch COVID-19

(ĐTTCO)-Để quyết liệt đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau những tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị sáng 10.4, các giải pháp hỗ trợ tổng thể hiện nay cần được nỗ lực triển khai với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và người dân trong cả nước.
Mở ra nhiều hướng đi để phát triển kinh tế thời hậu dịch COVID-19

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Tín hiệu tích cực với đầu tư công

Các tín hiệu tích cực bước đầu từ việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là sau nhiều năm phải đối mặt với tình trạng đầu tư công giải ngân chậm. Xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế và phát huy trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Cần nghiên cứu định hướng và các giải pháp mạnh mẽ để cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách công nghiệp đủ tập trung và khả thi, tư duy lại về chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi giá trị khỏi Trung Quốc. Đồng thời nghiên cứu các chính sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, trong đó có các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, các cơ hội kinh doanh (thương  mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, v.v...), khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt CPTPP và sắp tới là EVFTA.

Ông Lương Văn ThưởngPhó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên:

Doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn hỗ trợ nhanh nhất

Nhiều doanh nghiệp đang phải dừng hoạt động đến tháng thứ 2, trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp đều phải vay vốn ngân hàng. Việc cần nhất hiện nay là hỗ trợ lãi suất và giãn nợ, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bằng trách nhiệm và sự chia sẻ. Hiện lãi suất đang giảm từ 0,5% đến 1,5% nhiều doanh nghiệp chỉ được giảm 0,5% nhưng có người không thuộc đối tượng giảm vì món vay không trong thời điểm miễn giảm… là không thuyết phục. Vì hiện sau ngày 15.4 chưa thể phục hồi ngay sản xuất kinh doanh được mà phải từng bước, việc hỗ trợ phải mang tính dài hạn và gói hỗ trợ của Chính phủ hiện chưa đến được với doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, rõ ràng, cụ thể cùng gỡ vướng mắc để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất nguồn hỗ trợ.

Đỗ Thị Hoài - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CHC:

Vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”

Khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là vốn, do đó cần phải khảo sát thực sự các doanh nghiệp làm ăn thật sự và đang thiếu vốn để tạo điều kiện hỗ trợ chứ không đưa các thủ tục và tiêu chí rườm rà khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Hiện rất nhiều doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhưng lại khó tiếp cận vì vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” khi Chính phủ và các Bộ, ngành rất quyết liệt về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng khâu thực thi còn chậm so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định các dự án vay cụ thể như đến từng địa phương họp cùng các doanh nghiệp tìm hiểu khó khăn để rót vốn. 

TS Nguyễn Trí Hiếu:

Cần nhiều biện pháp cụ thể hơn

Để hỗ trợ doanh nghiệp nếu như tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, Chính phủ cần phải có những biện pháp cụ thể hơn để giải cứu như tung ra một gói tương tự như các chính phủ nước khác, tức là một gói từ ngân sách. Hiện tại ở Mỹ có gói 2.000 tỉ USD, chiếm khoảng 10% GDP của Mỹ. Năm 2019, GDP của Việt Nam theo cách mới là 300 tỉ USD nên Việt Nam có thể nghiên cứu đưa ra một gói hỗ trợ ít nhất cũng phải là 2% GDP, xấp xỉ 140 - 150 nghìn tỉ đồng, trong đó dùng tiền để hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp. Theo đó tất cả những doanh nghiệp đang mất, giảm khả năng chi trả sẽ được Chính phủ cho vay hỗ trợ với những điều kiện thật dễ dãi cùng với thời gian ân hạn rất dài, có thể đến 1 năm mà không phải trả gốc lẫn lãi. Việc đưa tiền cho các doanh nghiệp như thế có thể thông qua hệ thống ngân hàng, tức là hệ thống ngân hàng được ủy thác một số tiền của Chính phủ để có thể giúp các doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương:

Thúc đẩy đầu tư công

Cần thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm. Đây là một lượng tiền lớn nhưng việc giải ngân nguồn tiền này đang còn chậm. Chính vì vậy, cấp thiết phải giải ngân nhanh. Theo ông Thành, việc giải ngân nhanh không phải là câu chuyện phát triển trong tương lại mà ở đây kéo theo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể các doanh nghiệp được kéo theo như doanh nghiệp trong ngành sắt thép, cát sỏi, ximăng. 

Các tin khác