Mở van tín dụng, dòng chảy phải an toàn

(ĐTTCO) - Tín dụng đang được bơm mạnh trong nửa đầu năm 2025, với kỳ vọng tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8% như kế hoạch.

Mở van tín dụng, dòng chảy phải an toàn

Tuy nhiên, đằng sau “van tín dụng” được mở rộng là áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng (NH), khi tỷ trọng dư nợ trên GDP đạt mức 134% và chất lượng tài sản còn chưa cải thiện nhiều.

Tín dụng tăng nhanh, tạo lực đẩy cho nền kinh tế

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây cho thấy, tính đến ngày 18-6-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, và tăng tới 18,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một mức tăng trưởng rõ rệt về tốc độ và quy mô tín dụng.

Số liệu được một số NHTM hé lộ cũng cho thấy dư nợ tín dụng có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo lãnh đạo Vietinbank, dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024, nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9% so với cuối năm 2024. Tại Vietcombank, dư nợ tín dụng tăng trên 5%, với cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển theo hướng an toàn, bền vững.

Trong khi đó, theo dự báo đến cuối quý II-2025, tăng trưởng tín dụng (TTTD) của Eximbank có thể đạt 13%, VPBank có thể đạt khoảng 12%, LPBank khoảng 10%, Sacombank và Techcombank dự báo đạt khoảng 9%, ACB, BIDV, VIB dự báo đạt khoảng 8%, OCB khoảng 7%... Môi trường lãi suất thấp tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn tiếp tục là động lực chính của tín dụng trong quý II-2025.

Việc tín dụng được đẩy mạnh thời gian qua phản ánh định hướng chính sách nhất quán của Chính phủ, trong việc hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu điều hành TTTD phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống NH; trong đó nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu TTTD cho các NH theo thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu các NH cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, tín dụng cho các dự án, công trình trọng điểm khả thi...

Hiện nay, nhiều gói tín dụng khủng cũng đang được các NH tung ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có gói tín dụng nông lâm thủy sản 100.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở 145.000 tỷ đồng, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số vừa được triển khai.

Tín dụng cho vay bất động sản kinh doanh sẽ tăng trở lại, trong khi tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng sẽ duy trì mức tăng trưởng hiện tại. Tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp (chiếm 17,1% tổng dư nợ) sẽ được đẩy mạnh theo định hướng, là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong 2025.

Các ngành nghề như thương mại, vận tải và viễn thông, chiếm tổng 28,2% tổng dư nợ tín dụng, có thể sẽ chậm lại trong 2025 do xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ…

Cân bằng giữa tăng trưởng và an toàn

Tín dụng tăng mạnh, dòng vốn đang chảy là một tin vui đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đà tăng tín dụng mạnh hiện nay càng tạo ra độ lệch lớn giữa tín dụng và huy động. Hiện nay, đa số các NH đều duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, nhưng ngược lại phải tăng cường phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu TTTD.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6, tổng giá trị trái phiếu các NH phát hành khoảng 114.000 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kỳ vọng của VIS Rating, các NH Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu thứ cấp trong giai đoạn 2025-2026, để đáp ứng nhu cầu TTTD và duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Cụ thể, dự báo các NH cần phát hành hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp trong 2025 và 2026.

Mặt khác, theo số liệu công bố tại phiên chất vấn Quốc hội gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 5 năm qua, TTTD trung bình khoảng 14-15% mỗi năm. Đến cuối năm 2024, tỷ trọng dư nợ trên GDP đạt mức 134%, tăng mạnh so với mức 130% vào năm 2023. Tỷ trọng dư nợ trên GDP như vậy là rất cao so với thông lệ quốc tế. Tại nhiều nền kinh tế phát triển, tỷ lệ này dao động quanh mức 100-110%.

Một chuyên gia tài chính chia sẻ, việc tín dụng tăng nhanh hơn GDP khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính trong nền kinh tế ngày càng cao, trong khi nguồn lực NH là hữu hạn. Nếu các doanh nghiệp và người dân tiếp tục phụ thuộc vào tín dụng NH làm kênh vốn chủ đạo, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng vốn dài hạn - ngắn hạn, và hệ thống tài chính sẽ khó bền vững. Một yếu tố khác cần lưu ý là chất lượng tín dụng chưa chắc tương xứng với tốc độ tăng trưởng.

Bà Alka Anbarasu, Giám đốc Điều hành Cấp cao phụ trách Khối Tổ chức Tài chính tại Moody’s Ratings, nhận định hệ thống NH Việt Nam tiếp tục được duy trì xếp hạng triển vọng “ổn định”, bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều bất định.

Động lực chính hỗ trợ triển vọng tích cực này là nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng nội địa vững, dòng vốn FDI ổn định và cấu trúc xuất khẩu đa dạng, những yếu tố giúp Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng tích cực, bà cũng lưu ý về áp lực đối với chất lượng tài sản trong phân khúc tín dụng tiêu dùng và nguy cơ gia tăng rủi ro tín dụng do bất ổn kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, Moody’s cũng bày tỏ lo ngại về việc một số NH đã giảm mạnh trích lập dự phòng trong giai đoạn 2022-2024, khiến "đệm vốn" bảo vệ trước rủi ro tín dụng bị mỏng đi. Một số NH nhỏ có mức dự phòng thấp, tiềm ẩn rủi ro trong trường hợp các khoản vay bất động sản chuyển thành nợ xấu. Điều này đồng nghĩa với dư địa còn lại để hấp thụ thêm các tổn thất về chất lượng tài sản đang ở mức tương đối hạn chế.

Trước thực tế trên, một số chuyên gia cho rằng việc mở rộng tín dụng nên đi kèm với các giải pháp cấu trúc lại thị trường vốn, nhằm san sẻ áp lực vốn dài hạn cho hệ thống NH trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản, nhà ở xã hội…

Điều này có thể được thực thi qua việc đẩy nhanh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, minh bạch thông tin và đa dạng hóa nhà đầu tư, tăng cường vai trò của các quỹ đầu tư hạ tầng, quỹ tiết kiệm nhà ở, tái cấu trúc các chương trình cho vay ưu đãi để có cơ chế phân bổ vốn hiệu quả hơn, thay vì “dàn trải” theo phong trào.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo, nếu tín dụng tăng quá nhanh và phụ thuộc nhiều vào hệ thống NH, trong khi thị trường vốn còn yếu, nền kinh tế sẽ dễ tổn thương trước những cú sốc thanh khoản và lãi suất.

Các tin khác