Mobile money: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam

(ĐTTCO)-Mobile money (MM) là dịch vụ thanh toán di động với mục tiêu hướng đến hỗ trợ người dân ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, những nơi có mật độ phủ sóng NH thấp, hoặc các cá nhân không đủ điều kiện để mở tài khoản NH. Tuy nhiên, MM tiềm tàng các rủi ro, các quốc gia luôn cẩn trọng trong quá trình triển khai.
Mobile money: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam
Bởi lẽ hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tài khoản MM và vấn đề không thể kiểm soát việc định danh khách hàng (KYC). Vì lẽ đó, quy định nạp/rút tiền và KYC là 2 trong số các yếu tố quan trọng cần quan tâm trong việc phát triển dịch vụ MM nhằm tránh các rủi ro. 

Siết chặt làm chậm tốc độ phủ sóng
Kenya là quốc gia có MM rất phát triển nhờ các chính sách cởi mở đối với dịch vụ này trong thời gian đầu. MM tại Kenya phát triển theo mô hình nhà mạng cung cấp dịch vụ. Vì vậy, tất cả hoạt động có liên quan đều được thực hiện tại nhà mạng, hoặc các đại lý do nhà mạng ủy quyền. Việc nạp/rút tiền cho phép thực hiện theo cả 2 hình thức qua thẻ điện thoại và qua các đại lý.
Giai đoạn đầu, chính phủ Kenya không đưa ra các định mức về giao dịch. Đến năm 2016, quy định về định mức giao dịch được ban hành. Theo đó, 1 tài khoản chỉ được phép giao dịch tối đa 140.000 KSH (1.400USD) 1 ngày, mỗi lần giao dịch tối đa 70.000KSH (700USD). Đây là mức cao khi so với GDP bình quân/người khoảng 1.410USD.
Để hạn chế ảnh hưởng của Covid-19, trong tháng 3-2020, NHTW Kenya đã giảm phí giao dịch, đồng thời tăng hạn mức giao dịch tối đa mỗi lần lên 150.000KES (1.500USD), tăng hạn mức giao dịch tối đa mỗi ngày lên 300.000KES (3.000USD). 
Tương tự, Bangladesh cũng là quốc gia được đánh giá là thành công trong việc phát triển đại lý MM, thay vì ở số lượng người sử dụng dịch vụ. Theo đó, nạp/rút tiền được chính phủ cho phép thực hiện thông qua các đại lý. Trong giai đoạn đầu phát triển, Bangladesh quy định định mức chuyển tiền tối đa trong 1 ngày 10.000 Taka và 1 tháng 25.000 Taka. 
Trong khi đó, Philippines là quốc gia có dịch vụ MM phát triển nhưng không ổn định. Quy trình nạp/rút tiền được tiến hành tại các đại lý được ủy quyền, máy ATM, tại các tổ chức tài chính vi mô, dịch vụ đổi tiền. Giá trị ở mỗi lần giao dịch không được vượt quá 500.000PHP/tài khoản. Ngoài ra, nước này cũng đưa ra quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đối với các đại lý được ủy quyền không phải là NH.
Tại Việt Nam, theo dự thảo quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (MM) của NHNN, tài khoản MM sẽ không được phép nạp tiền từ thẻ cào, người dùng phải tiến hành nạp, rút tại tài khoản NH đăng ký và hạn mức không quá 10 triệu đồng/tháng.
Nhìn chung, hạn mức giao dịch đưa ra khá tương đồng với các quốc gia khi so với mức GDP bình quân/người ở giai đầu phát triển MM. Còn quy định việc nạp/rút tiền tại tài khoản NH có thuận lợi là hạn chế các hoạt động phi pháp, nhưng điều này có thể gây khó khăn cho những đối tượng không có hoặc không đủ điều kiện mở tài khoản NH.
Ngoài ra, nạp tiền chỉ duy nhất qua NH có thể gây trở ngại việc phát triển các đại lý ủy quyền, đồng thời tốc độ phủ sóng của MM có thể bị chậm.
Mobile money: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam ảnh 1
Giải quyết những trở ngại trong KYC
Theo thống kê của NH Thế giới, Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập internet 67% và số điện thoại di động 147/100 người, cao hơn mức bình quân của thế giới (50% và 106). Đây là điều kiện giúp tỷ lệ thanh toán di động tăng từ 37% vào năm 2018 lên 61% vào năm 2019.
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu tài khoản NH tại Việt Nam vẫn thấp so với mức trung bình chung của thế giới. Đây là hạn chế đối với các hoạt động thanh toán qua NH và ví điện tử, nhưng là điều kiện thuận lợi cho MM, hình thức thanh toán không qua tài khoản NH phát triển. Phát triển dịch vụ MM sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán phi tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện, nhưng Việt Nam cũng cần thận trọng trong việc thực hiện KYC.
Kenya yêu cầu các nhà mạng bắt buộc định danh tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ MM. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ MM, khách hàng trực tiếp đến các đại lý được nhà mạng ủy quyền và cung cấp giấy tờ tùy thân như thẻ công dân hoặc hộ chiếu cá nhân.
Về cơ bản, tất cả dân Kenya đều có thẻ công dân nên quy trình đăng ký diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Ngoài ra, Kenya cũng đã xây dựng Hệ thống đăng ký dân số tích hợp (IPRS) để xác minh danh tính của công dân và người cư trú. Các NH, nhà cung cấp MM và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác có thể truy cập cơ sở dữ liệu này để xác thực danh tính của khách hàng. 
Tại Bangladesh, khách hàng muốn sử dụng dịch vụ tài chính di động phải đăng ký và nộp đầy đủ giấy tờ theo quy định định danh của cơ quan phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. NH sẽ là bên chịu trách nhiệm trong việc thực hiện KYC.
Ngoài ra, quy định về KYC không cho phép thanh toán ngang hàng giữa người có tài khoản với người không có tài khoản MM, nhằm hạn chế vấn đề người không có tài khoản vẫn có thể nhận và rút tiền.
Với Philippines - quốc gia bị liệt kê vào danh sách tài trợ khủng bố cần theo dõi (năm 2001) - KYC được kiểm soát chặt chẽ. Khách hàng bắt buộc phải đến đăng ký trực tiếp và xuất trình 1 trong 20 loại giấy tờ tùy thân có dán ảnh hợp lệ. Các đại lý phải tham gia và hoàn thành khóa tập huấn về quy định chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Năm 2018, chính phủ Philippines ban hành luật thành lập hệ thống nhận dạng mới dựa trên sinh trắc học. Đồng thời, NHTW cũng ban hành các quy định về KYC dựa trên công nghệ để giải quyết vấn đề không hiệu quả của KYC, dựa trên hồ sơ giấy, nhưng điều này khiến dịch vụ không thu hút khách hàng thanh toán nhỏ, lẻ.
Hiện tại ở Việt Nam, KYC được thực hiện chủ yếu theo hình thức truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ trong KYC cũng đã được thể hiện trong dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Tuy nhiên, trường hợp định danh điện tử chỉ được áp dụng đối với giá trị thanh toán nhỏ của cá nhân và doanh nghiệp, với hạn mức không quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng. 
Vì thế, để triển khai MM tại Việt Nam, liên quan đến vấn đề KYC, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung các vấn đề có thể gây trở ngại cho hoạt động KYC, như thiếu khung pháp lý rõ ràng; yêu cầu KYC không linh hoạt; thiếu đổi mới, ứng dụng công nghệ; quy định chồng chéo (chẳng hạn yêu cầu KYC đối với việc đăng ký SIM và tài khoản MM tách biệt); thiếu hệ thống nhận dạng quốc gia mạnh. Ngoài ra, Việt Nam còn hạn chế và cần cải thiện ở các điểm như KYC, mạng lưới đại lý, môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng.
-----------
(*) Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ NH Trường Đại học Kinh tế - Luật

Các tin khác