Chính phủ gấp rút
Sau hơn 10 năm dịch vụ này ra đời trên thế giới, vào năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp (DN) viễn thông tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử.
Đến kỳ họp thường kỳ tháng 3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT-TT cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng phương án cho DN viễn thông thí điểm dịch vụ mobile money.
Đến tháng 11-2019, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt được NHNN công bố đã lần đầu tiên có định danh mobile money, kèm theo đó là các quy định liên quan đến việc cấp phép và hoạt động.
Dự thảo nói trên từng được dự báo sẽ sớm mở cánh cửa cho dịch vụ mobile money phát triển tại Việt Nam. Tuy vậy, việc này đã kéo dài đến đầu năm 2020, Chính phủ đã phải một lần nữa thúc giục NHNN về việc thí điểm mobile money vào tháng 1-2020.
Đến tháng 3, Thủ tướng yêu cầu NHNN trình ngay quyết định cá biệt về thí điểm mobile money. Và mới đây nhất tại Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ban hành ngày 29-5-2020, Thủ tướng chính thức yêu cầu cấp phép triển khai thí điểm mobile money.
Đối với Việt Nam, việc thúc giục triển khai mobile money lâu nay cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Bởi tiềm năng của mobile money tại thị trường Việt Nam rất lớn khi số thuê bao di động vượt quá dân số.
Kết thúc năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam có khoảng 129,5 triệu thuê bao. Nhìn quanh các nước đang phát triển đã từng có hiện trạng tương tự, dịch vụ mobile money đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người tiêu dùng sau khi Chính phủ tạo điều kiện cho họ tiếp cận kênh thanh toán và nhận tiền bằng điện tử hàng ngày.
Thống kê của Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), mobile money có mặt tại 90 quốc gia đã phục vụ khoảng 870 triệu tài khoản, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỷ USD.
Cần tăng cường giải pháp hỗ trợ
Cần tăng cường giải pháp hỗ trợ
Trước mắt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các DN viễn thông cũng cần nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh khách hàng, kiểm soát sim rác… |
Việc nạp tiền sẽ thực hiện thông qua các điểm nạp, rút tiền mặt và tài khoản NH, không chấp nhận nạp thẻ cào để tránh phát sinh một số nguy cơ khó kiểm soát như rửa tiền hay các hoạt động bất hợp pháp khác.
Ngoài ra, DN viễn thông cũng phải đáp ứng một số tiêu chí khác do NHNN đưa ra như về vốn điều lệ; quy trình nghiệp vụ kỹ thuật; cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán (cơ chế mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán; quy trình an toàn, bảo mật...).
Quan sát trên thế giới có thể nhận thấy 2 mô hình quản lý mobile money, nổi bật là mô hình nhà điều hành mạng di động (Mobile network operator - MNO) và mô hình quản lý kiểu NH (Bank Led Model – BLM).
Trong mô hình BLM, các nhà cung cấp dịch vụ di động có nghĩa vụ phải làm việc với NH, và theo đó chịu sự giám sát của các cơ quan tài chính của một quốc gia, tuân thủ vấn đề định danh khách hàng, các yêu cầu chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Với mô hình MNO, các nhà mạng không phải tuân theo các yêu cầu quy định giống như NH khi họ nhận tiền gửi hoặc thực hiện chức năng liên quan đến tiền gửi.
Những quy định trong dự thảo của NHNN cho thấy xu hướng nghiêng về mô hình BLM hơn. Điều này cũng không khó lý giải, bởi môi trường pháp lý cho mobile money hoạt động tại Việt Nam còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Cho đến nay, Việt Nam chưa hoàn thiện việc cấp mã công dân cũng như các quy định về giao dịch ẩn danh và cho phép nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt thiết lập các yêu cầu về định danh tối thiểu.
Hơn nữa, nếu tài khoản tiền di động chỉ được định danh qua số thuê bao khách hàng tại công ty viễn thông, trong khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại, loại hình này vẫn có thể trở thành kênh rửa tiền khi không được quản lý chặt chẽ.
Đặt trong bối cảnh như vậy, một số chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc thúc đẩy các cơ quan chức năng nhanh chóng thí điểm, Chính phủ cần sớm chủ trì việc xây dựng cơ sở hạ tầng xác thực khách hàng, để tăng cường hỗ trợ cho các giải pháp thanh toán, trong đó có thanh toán di động.
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia triển khai hệ thống căn cước công dân điện tử (eID, eKYC) được kiểm soát và tổ chức bởi Chính phủ và cố gắng đem lại nhiều tiện ích tích hợp trên một thẻ định danh duy nhất, bao gồm: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, dữ liệu sức khỏe, bảo hiểm, hệ thống thanh toán dịch vụ. Đa số sử dụng công nghệ thẻ nhựa tích hợp công nghệ Chip và tích hợp nền tảng chữ ký số (nền tảng PKI).
Thậm chí một số quốc gia với sự phát triển của công nghệ và hệ thống sinh trắc học đã bắt đầu ứng dụng sinh trắc học vân tay, mống mắt trong việc định danh và xác thực công dân. Nhờ đó, họ mới có thể thực hiện kế hoạch thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua hàng loạt giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn hiệu quả.