(ĐTTCO) - Hoạt động từ tháng 4-2015, phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) đã trở thành điểm đến của nhiều nhóm nghệ thuật đường phố.
Các buổi tối cuối tuần, chừng 10 nhóm cùng nhau hội tụ phô diễn tài năng xiếc, nhảy, đàn hát... tạo nên không gian nghệ thuật đường phố tưng bừng giữa lòng Sài Gòn. Song vài tháng trở lại đây, các hoạt động tự phát này đã không còn xôm tụ như trước.
Níu chân khách bộ hành
Trước đây, du khách tản bộ trên phố thường đứng thành vòng tròn vây kín các nhóm nhạc để thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ trẻ. Nhiều du khách nước ngoài còn cao hứng hòa mình cùng các nhóm nhạc vừa hát, vừa nhún nhảy trong tiếng vỗ tay reo hò khiến cả con phố rộn ràng không khí hội hè hằng đêm.
Nhưng bây giờ, hiếm khi các nhóm nghệ thuật này xuất hiện, du khách chỉ tản bộ và ngắm đài phun nước, không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ trở nên đìu hiu hẳn. “Cái hay nhất của phố đi bộ là những nhóm nhạc biểu diễn hằng đêm, tạo không khí trẻ trung, vui tươi nhưng giờ không còn nữa, tôi thấy rất hụt hẫng” - Đoàn Hồng Vân (Q.7, TP.HCM) chia sẻ.
Lý giải về sự vắng mặt của mình trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, các nhóm nghệ thuật đường phố cho biết họ thường xuyên bị các lực lượng trật tự nhắc nhở, không cho phép hoạt động. Là nhóm nhạc có mặt từ khi phố đi bộ mới hình thành, nhóm Acoustic TCK luôn được khán giả chờ đợi mỗi đêm bởi những bản mashup độc đáo, trẻ trung.
Các thành viên của nhóm phần lớn là học sinh, sinh viên nên cách biểu diễn mộc mạc, luôn níu chân du khách theo dõi. Từ khi bị nhắc nhở không được phép hoạt động ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhóm phải chuyển sang khu vực Cầu Mống (Q.1) nhưng số lượng người xem rất ít và giảm hẳn sự tương tác giữa khán giả với nhóm.
“Phố đi bộ là địa điểm tốt nhất để các nhóm nhạc đường phố biểu diễn bởi ở đó vừa có không gian lại có đông du khách nên tạo sự hứng khởi cho người biểu diễn” - Phi Khanh (nhóm Acoustic TCK) bộc bạch.
Các buổi tối cuối tuần đều có mặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng rất hiếm khi nhóm nhảy Panda Bears bước ra biểu diễn như trước. Đây là nhóm nhảy hài luôn mang đến tiếng cười cho công chúng bởi các động tác nhảy lạ mắt pha lẫn những đoạn nhạc khôi hài.
Các nhóm nghệ thuật đường phố biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ từng thu hút nhiều người xem. |
Chính điều đó đã tạo cho nhóm nhảy này có một phong cách biểu diễn riêng, phù hợp với sân chơi đường phố và được khán giả đón nhận bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Vũ công trẻ Công Phúc (nhóm Panda Bears) cho biết các thành viên của nhóm đều muốn trở thành một nghệ sĩ đường phố thực thụ nên đã chọn phố đi bộ làm nơi biểu diễn.
“Từ khi bị ngăn cản, nhóm có thắc mắc thì được các đội trật tự trả lời là các nhóm biểu diễn thu hút đông người xem, dễ khiến kẻ xấu trà trộn móc túi du khách” - Phúc kể.
Muốn biểu diễn
phải được cấp phép
Lý giải về lý do không cho phép các nhóm nhạc đường phố biểu diễn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Nguyễn Thanh Tuyền - đội trưởng đội trật tự du lịch TNXP TP.HCM - cho biết nhiều nhóm nhạc ngồi bệt trên phố đi bộ để biểu diễn vào các ngày cuối tuần, cản trở không gian đi bộ.
Do đó, nhiều cơ quan cùng nhau phối hợp để nhắc nhở, chấn chỉnh nhằm tạo không gian đi bộ thoáng đãng cho người dân và du khách.
Còn theo ông Thái Đức Độ - trưởng Ban quản lý công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, không ai cấm các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, các nhóm nghệ thuật đường phố muốn biểu diễn ở khu vực này phải được cơ quan chuyên môn thẩm định nội dung.
Theo đó, các nhóm phải có người đứng ra tổ chức, có người chịu trách nhiệm, phải có danh sách các tác phẩm được duyệt biểu diễn, trang phục không phản cảm...
“Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến ca, múa, nhạc, kịch... muốn biểu diễn tại phố đi bộ phải đến Sở VH-TT TP.HCM đăng ký biểu diễn, thẩm định nội dung để được cấp phép, nếu không có giấy phép mà vẫn hoạt động, các cơ quan quản lý văn hóa và công an sẽ kiểm tra và xử lý” - ông Độ nói.
Hà Nội: thông báo trước 5 ngày
Tại Hà Nội, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm cũng thu hút sự tham gia của nhiều nhóm biểu diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên. Ba tháng nay, mỗi dịp cuối tuần, đây là nơi tìm đến không thể thiếu của người dân và du khách, vừa để vui chơi giải trí, vừa thưởng thức nghệ thuật.
Nhiều điểm biểu diễn do TP Hà Nội tổ chức cùng với những điểm biểu diễn của các nhóm nghệ thuật tự phát đã mang đến không khí sôi động cho không gian phố đi bộ: nhóm xẩm Hà Thành phía tượng đài vua Lê; nhóm chơi violon trước cửa Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm; các nhóm nhạc trẻ đương đại ở ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng; nhóm cải lương, ca trù ở gần đền Bà Kiệu.
Ngoài những chương trình biểu diễn nghệ thuật ở đây còn có không gian bán bóng nghệ thuật, trải nghiệm làm tò he, viết thư pháp, trưng bày đồ cổ, bày bán gốm sứ Bát Tràng...
“Tuy nhiên, tôi thấy việc sắp xếp các khu hoạt động vui chơi giải trí thường tập trung ở đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến tượng đài Cảm tử, đoạn còn lại gần như khá ít hoạt động.
Thường buổi sáng không gian phố đi bộ gần như không có hoạt động biểu diễn, nhưng buổi chiều lại quá nhiều nhóm cùng tham gia. Nên Sở VH-TT Hà Nội cần có lịch biểu diễn cụ thể của các nhóm và công bố để người dân và du khách biết” - chị Hồng Hạnh, một người thường xuyên đến phố đi bộ, cho biết.
Cũng vì có nhiều nhóm nhạc cùng tham gia biểu diễn nên mới đây, Sở VH-TT Hà Nội đã phải lập đoàn thanh tra để kiểm tra các hoạt động biểu diễn trên phố đi bộ. Đoàn thanh tra đã nhắc nhở các nhóm nhạc biểu diễn đúng vị trí, mở âm thanh vừa phải để không làm ảnh hưởng đến người dân...
Ông Tô Văn Động - giám đốc Sở VH-TT Hà Nội - khẳng định từ nay, các nhóm nghệ thuật muốn biểu diễn ở phố đi bộ cần phải thông báo trước đến sở về nội dung, thời gian, quy mô, địa điểm... biểu diễn. Ông Động cũng cho rằng hiện có hiện tượng một vài nơi lợi dụng hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố để xin tiền, tuy không có gì sai nhưng đôi lúc gây phản cảm. Đây là những hoạt động khó xử lý và quản lý vì các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp cụ thể để quản lý như thế nào.
Ông Trần Quốc Chiêm - phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội - nói thêm rằng không phải cá nhân thông báo nội dung đến sở là sẽ được đồng ý mà cá nhân đó phải đứng ở một tổ chức nào đó và có người chịu trách nhiệm thông báo đến sở.
“Theo quy định là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố phải thông báo đến cơ quan quản lý trước năm ngày, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến gì có nghĩa là đồng ý” - ông Chiêm phân tích cụ thể hơn.
Cũng theo ông Chiêm, trách nhiệm quản lý nghệ thuật quần chúng trên từng địa bàn lại thuộc về địa phương (quận, huyện) và các đoàn nghệ thuật biểu diễn trên đường phố phải thông báo đến chính quyền địa phương.
Nhưng trong thông báo của Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội về việc biểu diễn nghệ thuật quần chúng lại dẫn quy định trong nghị định 79/2012 nói rõ: khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài phạm vi nội bộ, phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở VH-TT nơi biểu diễn ít nhất năm ngày trước ngày biểu diễn.
Chạy lòng vòng xin phép Mong muốn được biểu diễn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhóm nhảy Sài Gòn Flavour đã đến UBND TP.HCM xin phép. Cơ quan này trả lời hoạt động biểu diễn nghệ thuật thuộc thẩm quyền của Sở VH-TT nhưng sở này lại trả lời phố đi bộ thuộc quản lý của UBND TP. “Chúng tôi được hướng dẫn đến ban quản lý phố đi bộ, tại đây một cán bộ trả lời không có văn bản nào cấm biểu diễn nghệ thuật trên phố, chỉ cấm gây rối nên các nhóm có thể chơi mà không cần giấy phép. Chúng tôi xin lòng vòng qua nhiều cơ quan nhưng cuối cùng vẫn là cái lắc đầu của đội trật tự trên phố đi bộ Nguyễn Huệ” - Hồ Ân, đại diện nhóm Sài Gòn Flavour, cho biết. |