Công quốc Monaco là một quốc gia có chủ quyền tại châu Âu, thực chất là một thành phố tọa lạc tại một eo biển nhỏ trên bờ Côte d’Azur; trải dài khoảng 3km, bề rộng chỉ từ 200-300m, cách Italia 16km. Là một đất nước ba mặt giáp với nước Pháp, mặt còn lại hướng ra biển Địa Trung Hải nên muốn mở rộng diện tích, Monaco chỉ có thể lấn biển. Và sau hàng thập niên lấn biển, Monaco đã mở rộng diện tích lên được 2,05km2; là quốc gia bé hàng thứ nhì thế giới, chỉ trên Vatican (0,44km2). Monaco cũng là quốc gia bé hàng thứ nhì thế giới theo nền quân chủ lập hiến, đang trì vị bởi Hoàng thân Albert II.
Monaco là trung tâm thương mại sầm uất của thế giới từ thời kỳ La Mã. Đến thế kỷ thứ 12, người Genova đã đến đây xây dựng thành lũy bảo vệ đất đai, sau đó dòng họ Grimaldi liên tục ngự trị lãnh thổ này từ năm 1297. Đến năm 1346 Công quốc Monaco ra đời. Là quốc gia trong biên giới của Pháp nhưng vì rất gần Italalia nên 2 nước này luôn tìm cách thâu tóm.
Monaco chịu thăng trầm qua nhiều giai đoạn lịch sử, là xứ bảo hộ của Tây Ban Nha (1524-1641), rồi đến Pháp (1642-1793), sau đó bị sáp nhập vào Pháp. Đến năm 1861 Monaco mới giành độc lập và mãi đến năm 1918 mới được thừa nhận quyền đại diện ngoại giao của vương quốc. Monaco gia nhập Liên hiệp quốc năm 1993 và vẫn duy trì hiệp định chung về thuế quan với Pháp. Hiện nay Monaco là thành viên Liên minh châu Âu (EU), sử dụng đồng tiền chung châu Âu EUR.
Là một đất nước bé nhỏ nhưng Monaco tỏa sáng thu hút khách thập phương bằng nhiều cái nhất: Là nơi sinh sống của nhiều nhà tỷ phú thế giới; thu nhập bình quân đầu người cao nhất (215.163USD/người). Monaco có mật độ dân số cao nhất thế giới (15.000 người/km2) nhưng thành phố phóng khoáng, sạch sẽ tinh tươm. Người dân có tuổi thọ bình quân cao nhất (90 tuổi) và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Do diện tích nhỏ bé, toàn đá nham thạch cằn cỗi nằm ven biển, không được ưu đãi nguồn tài nguyên thiên nhiên nào ngoài mặt nước biển xanh biếc vùng Địa Trung Hải nên Monaco phát triển kinh tế bằng các mũi nhọn: Casino, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, đua xe...
Từ đó, giới nhà giàu khắp thế giới đổ xô về vùng “thánh địa giải trí” này để tiêu tiền hoặc kiếm tiền, thử vận may. Các sòng bạc được xây dựng từ năm 1856, thiết kế cầu kỳ theo kiểu kiến trúc cung điện, phong cách trang nhã, điêu khắc tinh vi mang đậm tính chất nghệ thuật... chứ không đơn thuần là chỗ để sát phạt nhau. Nơi đây có đủ các loại hình bài bạc từ truyền thống đến trò chơi cá cược điện tử hiện đại, sẵn sàng moi tiền các “thượng đế”.
Trên quảng trường phía trước sòng bạc Monte Carlo nhộn nhịp du khách, đủ loại shop thời trang thời thượng hoặc các mặt hàng trang sức đắt giá dành cho các tỷ phú. Trên phố nối đuôi các loại xe hơi sang trọng, đắt tiền nhất thế giới, dưới cảng là các du thuyền chen kín có giá hàng trăm triệu USD... làm choáng ngợp khách tham quan.
Sau Thế chiến thứ 2, sau khi mất vai trò độc tôn casino vì sự cạnh tranh của những trung tâm cờ bạc khác trên thế giới phát triển mạnh, Monaco đã chuyển hướng các ngành nghề khác. Dịch vụ du lịch và tài chính ngân hàng trở thành ngành kinh tế trọng yếu. Monaco miễn thuế hoàn toàn đối với người dân, nhưng cấm người dân đánh bạc, sòng bài mở ra chỉ dành cho khách du lịch; ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng chỉ cho phép phát triển các ngành nghề không hủy hoại cảnh quan, môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao... Nhờ đó, ngày nay Monaco định hình các ngành chế tạo mỹ phẩm, điện tử, đóng tàu, xây dựng... đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng cao.
Một góc Monaco, trên cao ốc dưới du thuyền. |
Giá đất đắt nhất hành tinh, Monaco phải xây nhà lấn biển, lấn núi. |
Tác giả (bên phải) bên tượng Grimaldi, dòng họ trị vì lãnh thổ này từ năm 1297. |
Khách du lịch tham quan thành phố. |
Lâu đài Hoàng gia. |
Sòng bạc Monte Carlo. |
Khách du lịch thư giãn với tượng Adam-Eva. |
Bảo tồn vũ khí phòng ngự thời lập quốc. |
Cuộc sống an nhàn của cư dân. |