1 trong 3 cầu thang của tập thể 435A Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng, đến mức phải chăng dây cảnh báo ngừng sử dụng.
Sau mỗi cơn mưa lớn, từng mảng bê tông rơi xuống. Còn lan can cầu thang động vào đâu là gạch vữa rơi ra ở đó.
Nhìn bề ngoài thì khó thấy được mức độ xuống cấp của nhà C4 Giảng Võ, tòa nhà cũng có tuổi thọ hơn 40 năm giống như nhà 435A Giải Phóng. Vào bên trong thì lại khác. Nóc tường bị nứt, nhiều mối hàn bị đứt, máng thoát nước tách hẳn ra khỏi tòa nhà dẫn đến thấm dột. Nhiều gia đình phải làm trần giả ở khu phụ để chắn nước thải của tầng trên.
Đánh giá xếp hạng C tức là công trình nguy hiểm cục bộ, sự xuống cấp của các nhà tập thể cũ như 435A Giải Phóng hay C4 Giảng Võ cũng gây ra nhiều bất tiện, lo lắng cho cư dân ở đây. Nhiều người mong mỏi sớm được di dời đến nơi tạm cư an toàn hơn và chờ ngày trở lại.
Lo lắng trước sự xuống cấp ngày một nghiêm trọng của tòa nhà, hơn 70% chủ sở hữu ở chung cư C4 Giảng Võ đã chấp thuận với phương án tạm cư, tái định cư do chủ đầu tư đưa ra. Tuy nhiên, con số này vẫn là chưa đủ.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết: "Đối với dự án cải tạo chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp độ D thì trong quy định của Nghị định 69 chỉ cần 52,25% đã là đủ điều kiện để thực hiện việc thống nhất giữa các hộ dân với nhà đầu tư rồi. Với trường hợp các khu, các nhà chung cư cũ không thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại theo Luật Nhà ở thì phải thống nhất 100% theo khoản 3, Điều 110 của Luật Nhà ở. Do đó khi triển khai từng dự án cụ thể sẽ có trình tự triển khai cụ thể theo Luật Nhà ở và Nghị định 69".
Thật khó để đạt được tỉ lệ đồng thuận lên đến 100%. Thực tế tại các dự án đã triển khai trước đây và qua khảo sát điều tra xã hội ở một số khu chung cư cũ cho thấy, phần lớn ý kiến đồng thuận của các hộ dân đối với chủ trương cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ đạt tỷ lệ từ 63% đến 95%.
Cùng với việc tìm kiếm sự đồng thuận của người dân, phải kiểm định, cải tạo, đầu tư xây dựng lại chung cư cũ - đây đang là công việc rất cấp bách. Hiện Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm sự đồng thuận của người dân, đẩy nhanh các công việc này.
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ
Đơn nguyên 1, 2 của tập thể G6A Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội được đánh giá ở mức nguy hiểm, cấp độ D, tức là có thể sập bất cứ lúc nào. Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy sự nguy hiểm của nó.
Từ năm 2017, những hộ dân đầu tiên đã di dời đi nhưng cho đến nay vẫn còn 23 trong tổng số 49 hộ dân ở lại.
G6A Thành Công là 1 trong 3 nhà tập thể nguy hiểm ở Hà Nội chưa hoàn tất việc di dời dân. 2 nhà còn lại là C8 Giảng Võ và 148-150 Sơn Tây.
Hà Nội đặt ra mục tiêu hoàn tất việc di dân tại các khu nhà này trong quý 1 năm nay. Việc khảo sát hiện trạng, lập quy hoạch, hoàn thành dự kiến trong quý 2 và tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý 3.
Ngoài các nhà nguy hiểm kể trên, các nhà chung cư khác trong 10 khu được Hà Nội ưu tiên triển khai lập quy hoạch, kiểm định từ nay đến 2025 gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, chung cư Bộ Tư pháp, Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Chủ trương, kế hoạch là như vậy nhưng liệu việc triển khai có thực sự khẩn trương, đạt hiệu quả như mong muốn trong thời gian tới? Bởi trên thực tế, đã có những người dân chấp thuận di dời khỏi các khu nhà nguy hiểm đổ sập, đi ở nhà tạm cư để chờ được trở về căn nhà an toàn hơn, khang trang hơn. Thế nhưng mười mấy năm trời, họ vẫn sống thấp thỏm trong tình trạng đi ở tạm để đợi mà không có ngày hẹn trở về.
Đi tạm cư chưa có ngày trở về
Năm 2011, tòa nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng đã bị một tòa nhà bên cạnh đang xây dựng đổ vào. Một mé tóa nhà đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và 19 hộ dân đang sinh sống tại đây đã phải di dời khẩn cấp trong đêm để chuyển về khu nhà tạm cư của thành phố, chờ phương án giải quyết. Người dân cho biết, trong khoảng thời gian hơn chục năng nay, có một vài doanh nghiệp đến để nghe ngóng tâm tư nguyện vọng của người dân, nhưng vẫn không có hướng xử lý giải quyết. Với lý do với chính sách như hiện nay của thành phố Hà Nội, nếu xây lại tòa nhà, tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thì không có lợi nhuận nên họ không làm.
Còn tòa nhà Chung cư 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội, năm 2009 đã từng bị sập 1 phần khu nhà. 20 hộ dân sống tại đây đã phải di dời khẩn cấp trong đêm, chuyển về khu nhà tạm cư tại Đại Kim do thành phố Hà Nội quản lý để chờ phương án giải quyết.
Bà Tú Anh cho biết đã 13 năm kể từ khi sự cố sập nhà, bà và nhiều hộ dẫn vẫn phải sống tại khu nhà tạm cư thành phố Hà Nội bố trí và không biết đến bao giờ mới có cơ hội trở về khu nhà cũ.
Trong khi các hộ dân phải chuyển ra khỏi tòa nhà nguy hiểm, hàng ngày mong ngóng thông tin về ngôi nhà của mình. Thì chính tại các tòa nhà được xác định là nguy hiểm này, bên trong vẫn có các hộ dân dọn vào ở, tự ý cải tạo, quây tôn làm kho bãi bên trong. Và nguy hiểm sẽ còn tiếp tục rình rập cuộc sống của cả những người dân sống quanh những tòa nhà này bởi nó có thể sập bất cứ lúc nào không báo trước.