Tuy nhiên, số người bị thương tật vì pháo lại tăng, nhất là ở mấy tỉnh sát biên giới Lào, Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 34,3%; số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 45%; số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 350%.
Có thể nói chủ đạo tết năm nay là hướng nội. Mọi người tụ tập trong nhà, thu hẹp trong nhóm bạn nhỏ, ngay cả ở nông thôn cũng không có cảnh những nhóm người rồng rắn từ nhà này qua nhà khác chúc tết, cụng ly. Điều thú vị là trên mạng hình thành những nhóm chơi rất tao nhã, nhiều nhất là ở miền Bắc. Nhóm ngâm thơ, bình thơ cổ do một nhà hán nôm nổi tiếng ở Kinh Bắc khởi xướng, đã thu hút hàng ngàn người theo dõi. Hay nhóm chèo do hai mẹ con nghệ sĩ chèo danh tiếng ở Thái Bình biểu diễn được hàng ngàn người hưởng ứng. Hoặc ở Huế có Câu lạc bộ thơ xứ Huế hoạt động xôm tụ trong dịp Tết Nhâm Dần; rồi nhóm họa sĩ, điêu khắc gia giới thiệu tác phẩm mới, nhiều nhất là về hổ.
Bên cạnh đó, có những nhóm giới thiệu ẩm thực cho mọi người. Theo đó, nghệ nhân cao tuổi giới thiệu những mâm cỗ cúng giao thừa, mâm ngũ quả được coi là chuẩn truyền thống với những ý nghĩa bất biến theo dòng thời gian. Người trẻ hơn giới thiệu các món ăn mới sáng tạo đầy ngẫu hứng như bánh chưng không xanh mà đỏ rực với màu của gấc, mứt chôm chôm ăn cả hạt, chocolat nhân vỏ bưởi và cả những đặc sản độc đáo mỗi vùng quê như thịt trâu gác bếp Tây Bắc, cá kho Vũ Đại, thịt chua Phú Thọ, bánh cáy Thái Bình, bánh ngải Lạng Sơn…
Tết Nhâm Dần khác hẳn với các tết khác, là lần đầu tiên mọi người có vẻ già đi, trầm hơn và lắng lại sau 2 năm biến cố đau thương do dịch covid. Lần đầu tiên mọi người đi chùa không ồn ào, náo nhiệt, ai cũng lặng lẽ vào chính điện, lắng nghe bước chân mình, thả hồn theo tiếng chuông, đếm từng nhịp mõ và suy ngẫm thật sâu về sự hữu hạn của đời người, về thân phận, tham vọng, danh vị, tiền tài, về ngày mai. Những ngôi chùa tôi viếng không còn thấy tay Phật bị nhét tiền, không còn thấy bá tánh tranh nhau chỗ tốt, các mâm lễ cúng đơn giản hơn, vàng mã ít đi không còn phô phang, khoe mẽ. Năm mới rất nhiều người không lì xì cho con trẻ tiền, thay vào đó là sách, chậu cây xanh và cả những bài thơ. Nhiều nhà trí thức cao tuổi cho đây là cơ hội để giảm bớt các hủ tục, chỉ e rằng sau khi hết dịch, trở lại cuộc sống thường nhật đâu lại vào đấy.
Quả thật với người Việt Nam, tết là mùa đoàn tụ, là mùa hy vọng nhưng cũng đồng nghĩa với gánh nặng đè lên chính quyền và người dân. Năm nào cũng vậy, từ tháng 9 các tỉnh thành đã lên kế hoạch tích trữ hàng hóa lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chỉ để phục vụ cho mấy ngày tết. Sau tết số hàng hóa không tiêu thụ hết bị hư hỏng bỏ đi khá lớn. Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc đưa vào lưu thông hàng ngàn tỷ đồng tiền mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người dân khiến lạm phát tăng. Rồi cứ đến tết là hàng hóa bị đẩy giá lên cao hơn 5-10%, như mới đây bát phở 40.000 đồng lên 60.000 đồng… Mỗi thứ một tý đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, hình thành nên mặt bằng giá mới ngay sau tết.
Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp dù lời hay lỗ cũng phải gồng mình lên chạy cho được lương tháng 13, tiền thưởng tết, quà tết cho công nhân và các đơn vị có quan hệ. Về phía người dân cũng vậy, gia đình nào cũng dành dụm tiền cho ba ngày tết, nhất là bà con làm ăn xa phải chuẩn bị trước nửa năm mới đủ tiền cho một chuyến về quê vui tết cùng gia đình. Trước tết các bà, các chị kéo nhau ra chợ, siêu thị mua sắm chả thiếu món nào rồi tống vào tủ lạnh, cho dù mùng 2 tết các siêu thị đã mở cửa trở lại. Chưa kể như một điều thường niên, là những chiếc bánh chưng còn nguyên bị mốc meo, nồi thịt kho đầy ứ chảy nước đổ bỏ mà thấy xót.
Việc cải tiến tết theo hướng giản dị, nhưng ý nghĩa đã được khởi xướng và đã gặt hái được thành công nhất định. Cứ mỗi dịp tết chính quyền Trung Quốc bị áp lực bởi các cuộc “xuân vận”, lịch sử ghi nhận năm 2009 có đến 480 triệu người (30%) tham gia xuân vận chỉ trong 15 ngày. Hai chục năm gần đây, Trung Quốc phát triển kinh tế giữa các vùng đồng đều hơn nên lượng dân xuân vận đã giảm. Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản thành công trong việc đón tết giản dị, ấm cúng.
Đặc biệt, Nhật Bản đã xóa sổ Tết Âm lịch, quyết định đón năm mới theo lịch của người châu Âu. Người Nhật quây quần đón tết vào đêm 30, cùng nhau ăn vài món ăn truyền thống như mì Toshikoshi Soba (mì trường thọ) lắng nghe chuông chùa gióng lên 108 tiếng tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo triết lý của Phật giáo. Sáng sớm cả nhà cùng nhau ra chùa đánh một tiếng chuông cùng lời nguyện ước cho năm mới. Thật bình yên, thanh cao và tinh tế.
Việc cải tiến tết Việt trở nên đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn văn minh, lịch thiệp đã được đặt ra từ lâu. Nhiều nhà nghiên cứu đề xuất như gộp hai tết làm một, nghỉ ngắn ngày, phát triển kinh tế địa phương để giữ người lao động ở quê, bỏ bớt các nghi lễ quá rườm rà giữ lại những những nét đẹp… không biết có thành công hay lại giống như hô hào cải tiến đám cưới, càng cải tiến càng mệt hơn. Dù sao cũng hy vọng sau covid, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều và tự ý thức được sự thay đổi ở từng gia đình. Mong sao bớt dần lời ca thán “khổ vì tết”.