Theo đó, Ủy ban đề xuất kiến nghị các giải pháp để Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét. Trong đó có 2 kiến nghị liên quan đến vấn đề tín dụng.
Thứ nhất, Ủy ban đề nghị Bộ Tài chính, NHNN xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho các doanh nghiệp (DN) vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số TĐ, TCT.
Thứ hai, NHNN sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các TĐ, TCT sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
ĐTTCO ghi nhận ý kiến của TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Trước tiên nói về đề xuất thứ nhất, quan điểm của ông như thế nào về việc Ủy ban đề nghị cơ chế khoanh nợ, kéo dài thời hạn vay, cơ cấu thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, miễn lãi và gốc trả chậm trong thời gian nợ và tiếp tục cho vay với các TĐ, TCT trong thời gian dịch?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Theo tôi, đề xuất này có lẽ hợp lý cho tất cả DN chứ không chỉ cho DNNN. Tại thời điểm này tất cả DN đều rơi vào khó khăn. Trong thực trạng khó khăn chung này, việc hoãn nợ, ân hạn cả lãi và gốc trong vòng 1 năm, không chuyển nhóm nợ cho tất cả món nợ của DNNN hay DN tư nhân đều là chính sách chung, chế độ chung.
Bởi tại thời điểm này, do nền kinh tế đứng trước khủng hoảng (dù chưa ai nhắc tới vấn đề khủng hoảng nhưng việc DN ngừng hoạt động, người lao động mất việc gia tăng có thể gọi là khủng hoảng) nên cần có sự hỗ trợ. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ ra cần có chính sách chung dành các món nợ của tất cả DN chịu tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh được ân hạn nợ.
- Đề xuất thứ 2 là vấn đề đang rất được chú ý trong những ngày gần đây. Ý kiến của ông như thế nào về kiến nghị các TĐ, TCT được vay thời hạn 3 năm, lãi suất 0% từ gói gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng?
- Tôi cho rằng, đề xuất này không hợp lý. Thứ nhất, các TĐ, TCT có sở hữu chủ là Nhà nước, vì vậy trước nay họ luôn có được nhiều ưu đãi, nhiều phương tiện hỗ trợ từ Nhà nước. Cho nên, khi toàn bộ nền kinh tế rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh, các DNNN vẫn được Chính phủ hỗ trợ nhiều nhất.
Trong khi đó ở khối tư nhân, có hàng triệu hộ kinh doanh và DN tư nhân cũng đang lao đao. Tôi cho rằng cần phải ưu tiên cứu các DNNVV, hộ kinh doanh thay vì DNNN. Nếu sử dụng gói 250.000 tỷ đồng, có lẽ tín dụng cho các DNNN sẽ chiếm đa số trong tổng gói tiền vay này, vì nhu cầu vay vốn của nhóm này rất lớn. Và như vậy, các NH sẽ không còn nhiều tiền để hỗ trợ các DNNVV.
Thứ hai, gói 250.000 tỷ đồng này không phải là gói hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ chỉ đưa ra chủ trương, giao NHNN chủ trì, còn dòng vốn cho vay là của các NHTM, không có đồng vốn nào của ngân sách trong đó. Vì vậy, các NHTM sẽ là người quyết định ai sẽ là người được họ ưu đãi hỗ trợ và giúp qua khỏi giai đoạn này. Nhưng dĩ nhiên NH không thể cho vay với lãi suất 0% trong thời hạn 3 năm.
Ở đây cũng nói thêm, dù NHTM không thể cho vay với lãi suất 0% và gói tín dụng này nhằm hỗ trợ các DNNVV, hộ kinh doanh, nhưng cũng có thể lượng đoán sẽ có rất nhiều tiền trong gói 250.000 tỷ đồng này được các NHTM dành cho khách hàng lớn của họ, trong đó có cả DNNN. Nếu xảy ra trường hợp đó, các NH cũng nên xem xét lại, vì đang có rất nhiều DN đang ngừng hoạt động, người lao động bị mất việc. Và trong khủng hoảng đó, các DN nhỏ, hộ kinh doanh là thành phần cần hỗ trợ trước nhất.
- Vậy với tình hình sụt giảm doanh thu và dự kiến còn nhiều khó khăn của các TĐ,TCT như Ủy ban nêu ra trong báo cáo, giải pháp phù hợp để hỗ trợ là gì, thưa ông?
- Chính phủ vẫn còn có nhiều cách hỗ trợ như hoãn thuế, giảm thuế và có những gói hỗ trợ cho người lao động của các DN. Vấn đề hiện tại của các DN không phải chỉ có thị trường của họ bị tác động mạnh, mà năng lực sản xuất của họ đang bị tác động bởi lao động nghỉ việc. Trong dịch bệnh, Chính phủ các nước đã áp dụng có những gói vay dành cho DN. Các DN dùng tiền đó để trả lương toàn phần hoặc một phần cho người lao động của họ để giữ chân người lao động, để khi dịch bệnh qua đi, DN phục hồi sẽ có nhân công để hoạt động.
Theo đó, ngoài những gói hỗ trợ thuế, cần có những gói hỗ trợ cho các DN để DN trả lương. Gói đó phải từ ngân sách, dùng tiền ngân sách và đẩy lượng tiền đó cho DN dưới dạng cho không ,hoặc cho vay có thời gian ân hạn 1 năm, dành cho cả DN tư nhân lẫn DNNN. Nhưng ân hạn phải đặt trong những tiêu chí cụ thể, để những DN bị tác động bởi dịch Covid-19 mới được hưởng, không phải tất cả DN. Hiện Chính phủ cũng đang bàn thảo về chính sách đó.
- Xin cảm ơn ông.